CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Kênh đào Phù Nam- Techo: Mekong mất nước, ĐBSCL bị tác động trầm trọng hơn?

Invest Global 08:57 24/04/2024

(KTSG Online) – Các số liệu về dự án kênh đào Phù Nam- Techo hiện vẫn chưa đầy đủ, thậm chí có sự mập mờ trong mục đích sử dụng nước nên việc tính toán

(KTSG Online) – Các số liệu về dự án kênh đào Phù Nam- Techo hiện vẫn chưa đầy đủ, thậm chí có sự mập mờ trong mục đích sử dụng nước nên việc tính toán tác động xuyên biên giới đến Việt Nam vẫn chưa chuẩn xác tuyệt đối. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh, khi kênh đào này hoàn thành việc tác động đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là không tránh khỏi, nhất là vào những tháng mùa khô…

ĐBSCL bắt đầu chống chọi với xâm nhập mặn mức cao của năm 2024Kênh đào Phù Nam- Techo sẽ làm trầm trọng tình trạng khô hạn ở ĐBSCL hơn trong mùa khô. Ảnh: Trung Chánh

“Lấy đi” 50% nước sông Mekong?

Mới đây hôm 23-4, Uỷ ban sông Mekong Việt Nam tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam- Techo của Campuchia diễn ra ở thành phố Cần Thơ. Các chuyên gia nhìn nhận, việc đầu tư xây dựng dự án kênh đào nêu trên của Campuchia sẽ có tác động đáng kể đến các quốc gia trong khu vực, nhất là với vùng ĐBSCL của Việt Nam nằm ở hạ nguồn sông Mekong.

PGS- TS Lê Anh Tuấn, một chuyên gia về biến đổi khí hậu ở ĐBSCL phát biểu ở góc độ của một người nghiên cứu độc lập cho rằng, đây là vấn đề nước xuyên biên giới nên chắc chắn sẽ tác động đến ĐBSCL. Tuy nhiên tác động ở mức độ nào, thì cần tiếp tục thảo luận và nghiên cứu thêm.

“Việc chuyển nước này liên quan đến dòng chính của sông Mekong, chứ không phải dòng nhánh hay phụ lưu gì cả, bởi nó lấy nước của cả sông Tiền, sông Hậu trước khi đến Việt Nam”, ông nhấn mạnh.

Theo ông Tuấn, lượng nước xả qua âu thuyền là 3,6 m3/giây, nhưng chỉ đề cập chung chung chứ không cụ thể là trung bình năm, trung bình tháng hay trung bình ngày. Trong khi đó, việc lấy nước thời điểm mùa khô hạn sẽ khác thời điểm mùa mưa. “Việc này không cho thấy sự rõ ràng trong thông báo”, ông nói.

Chính vì vậy, chuyên gia này giả định khi ĐBSCL vào mùa khô, lúc cần nước nhất, với mức xả như trên và với thời gian vận hành trung bình là 10-15 giờ/ngày thì lượng nước bị lấy đi là khoảng 7,6% tổng lượng nước sông Mekong. “Tính toán của Tổng cục thuỷ văn gửi cho Uỷ ban sông Mekong Việt Nam với con số (lượng nước bị lấy đi) giao động từ 6-10%, trong khi con số của tôi là 7,6%, tức con số này cũng là đáng tin cậy”, ông cho biết.

Tuy nhiên, vấn đề khiến vị chuyên gia này lo lắng hơn, đó là khả năng lượng nước đi qua kênh Phù Nam- Techo không chỉ phục vụ cho vận tải thuỷ như báo cáo của Uỷ ban sông Mekong Campuchia gửi cho Uỷ ban sông Mekong quốc tế, mà sẽ lấy nước cho cả tưới tiêu trong mùa khô. Với mục đích này thì lượng nước sử dụng sẽ rất lớn. Theo tính toán, lượng nước cần sử dụng cho 1 héc ta canh tác lúa trong mùa khô (tham chiếu số liệu của Việt Nam) là khoảng 5.000 m3.

“Khả năng nhu cầu sử dụng nước của Capuchia sẽ cao hơn, có thể lên đến 7.000-8.000 m3/héc ta vì đất Campuchia là đất cát, khả năng giữ nước kém hơn ĐBSCL, nhưng chúng tôi lấy con số giả định là 5.000 m3/héc ta giống như ở Việt Nam. Nếu trường hợp phục vụ cho tưới tiêu, khả năng kênh đào Phù Nam- Techo sẽ lấy đi ít nhất 50% lượng nước sông Mekong vào mùa khô. Đây là con số đáng kể và ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến phía Việt Nam”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Đặng Thanh Lâm, Phó viện trưởng Viện quy hoạch thuỷ lợi miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, ngoài thông tin về giao thông thuỷ, tiềm năng tưới tiêu của dự án rất lớn. “Hiện nay, chúng tôi thấy tuyến Phù Nam- Techo có cao độ địa hình rất lý tưởng để tưới từ kênh đào này về hướng biên giới Việt Nam trong phạm vi diện tích ước tính khoảng 300.000 héc ta đất nông nghiệp”, ông cho biết.

Theo ông Lâm, dự án có 3 âu thuyền và về nguyên tắc âu thuyền vận hành trong trường hợp có chênh lệch mực nước cao, nhưng mực nước thiết kế qua các báo cáo đưa ra vào mùa khô chênh lệch khoảng 1 mét từ thượng đến hạ lưu và 6 mét trong mùa mưa. “Đây là độ dốc hết sức bình thường để duy trì dòng chảy trên kênh nên không cần vận hành âu thuyền làm gì cho tốn kém hay nói cách khác đây là tuyến kênh hoàn toàn tự chuyển nước”, ông cho biết.

Ông Lâm cho biết, nếu trường hợp lũ lớn, mực nước ở Phnom Penh cao đến 10 mét, tức dòng chảy qua kênh cao, thì họ vận hành âu thuyền để giảm tốc độ dòng chảy, nhưng năm lũ nhỏ sẽ mở cửa tự nhiên để đi lại. “Đây là lý do chúng tôi tính toán sơ bộ, dự án làm mất khoảng 70 m3/giây trong mùa khô và mùa mưa khoảng 250 m3/giây”, ông cho biết.

Theo ông Lâm, nếu tính toán lượng nước mất qua kênh Phù Nam- Techo, thì không phải lớn đối với ĐBSCL, nhưng luỹ tích cộng với thuỷ điện ở thượng nguồn sẽ là vấn đề khá lớn đối với vùng này.

Khô hạn trầm trọng, thiếu nước ngọt cho ĐBSCL

Nước ngọt phục vụ sinh hoạt của người dân ĐBSCL sẽ thiếu hụt nhiều hơn. Ảnh: Trung Chánh

Từ việc có một lượng nước rất lớn bị lấy đi như nêu trên, theo chuyên gia Lê Anh Tuấn, mùa khô ở ĐBSCL vốn đã thiếu nước sẽ càng thiếu nước trầm trọng hơn nữa. “Từ đó, mặn sẽ xâm nhập sâu hơn và những hệ luỵ về mặt sinh thái, đa dạng sinh học cũng bị ảnh hưởng rất lớn”, ông cho biết.

Đối với mùa mưa, việc kênh Phù Nam- Techo khi đào đất đắp hai bên thành đường sẽ hình thành làng mạc, thành phố, khu công nghiệp, tạo thành đê chắn ngang cánh đồng lũ, khiến phía Bắc kênh sẽ ngập nhiều hơn trong khi phía Nam kênh, tức phía nằm về hướng Việt Nam sẽ ít nước hơn. “Điều này có nghĩa nước ít hơn, phù sa ít hơn, cá ít hơn và tất cả những công trình đã xây dựng ở vùng Tứ Giác Long Xuyên sẽ mất tác dụng. Chẳng hạn, cống đập Tha La, Trà Sư, vùng đất ngập nước hay đê bao 3 vụ, khu dân cư vượt lũ sẽ không còn nhiều ý nghĩa”, ông cho biết.

Đồng thời, những vùng đất ngập nước quan trọng về mặt sinh thái- nơi chim, cò trú ngụ với điều kiện đất ngập nước cũng bị ảnh hưởng.

Theo ông Tuấn, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Trong khi quy hoạch chưa tính đến kịch bản có kênh này, vậy đến nay có cần phải thay đổi hay không? Tương tự, các tỉnh xây dựng quy hoạch cũng dựa vào tổng lượng nước theo quy hoạch vùng và đang làm kiểm kê lượng nước ĐBSCL, đến nay các tỉnh có phải điều chỉnh hay không?…

Đối với đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì cây lúa “ăn gì, uống gì?” khi phù sa ít đi, đất đai bạc màu hơn, nước ít hơn, như vậy 1 triệu héc ta có điều chỉnh không?. “Đây là vấn để chúng ta cũng cần phải lưu ý”, ông nói.

Nhìn tổng quan, các giải pháp chống sạt lở cho ĐBSCL sẽ nặng nề hơn. Các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu hay xoá đó giảm nghèo có khả năng phải điều chỉnh vì kịch bản ứng phó được xây dựng trong điều kiện trước khi có tình huống mới như hiện nay.

Dự án kênh đào Phù Nam- Techo (Funan-Techo Canal) là một công trình thủy lộ nội đia, điểm đầu nối với dòng Bassac gần cảng ở thủ đô Phnom Penh (Campuchia), kéo dài đi qua các tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và kết nối với các cảng ở tỉnh Kep của Campuchia đổ ra vịnh Thái Lan.

Kênh Phù Nam- Techo dài 180 km, rộng 100 mét phía đầu vào kênh và khoảng 80 mét ở đầu ra, chiều sâu và độ rộng mặt cắt kênh dẫn đoạn giữa là 4,7 mét x 50 mét, đủ cho 2 tàu chạy theo 2 chiều. Mái dốc bờ kênh là 1:3 ~ 1:5 và bán kính cong tối thiểu của kênh là 300 mét.Kênh được thiết kế yếu cầu cho tàu có trọng tải 1.000 DWT (DeadWeight Tonnage) với kích thước tàu tiêu chuẩn 60 mét x 12 mét x 3,6 mét (chiều dài x chiều rộng x chiều sâu mớn nước).

Trên kênh có 3 công trình âu tàu (Lock works) tại 3 vị trí: âu tàu nơi kết nối với sông Bassac (sông Hậu), âu tàu tại tỉnh Takeo và âu tàu nơi cửa ra tỉnh Kep. Âu tàu với kích thước cơ bản dài x rộng x sâu là 135 mét x 18 mét x 5,8 mét. Lượng nước xả tối đa qua âu tàu là 3,6 m3/giây.

Trên kênh có 11 cầu vượt, chiều dài cầu chính là 161 mét và chiều dài lên cầu là 520 mét. Chi phí xây dựng ước khoảng 1,7 tỉ đô la Mỹ, có thể từ nguồn vốn vay và theo cơ chế BOT. Thời gian xây dựng dự án là 4 năm, dự kiến khởi công vào cuối năm 2024.Công trình được Tập đoàn cầu đường Trung Quốc (CRBC), một công ty con của công ty xây dựng hạ tầng Chinese Communications Construction Company (CCCC) của Trung Quốc khảo sát thiết kế.

Ý kiến chuyên gia