CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

TS Đinh Thế Hiển: Dòng tiền doanh nghiệp bất động sản xấu nhất 5 năm qua

Invest Global 14:05 25/04/2024

TS. Đinh Thế Hiển đánh giá dòng tiền sản xuất không lo lắng nhưng dòng tiền đầu tư đang bị khó khăn. Dòng tiền cho doanh nghiệp bất động sản xấu nhất trong vòng 5 năm qua. Hệ thống thanh toán tiền mặt cũng thấp nhất khiến các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn rất lớn.

Phát biểu tại diễn đàn "Khơi thông nguồn cung bất động sản khu vực phía Nam - Xu hướng đầu tư" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho biết, động lực cho tăng trưởng ở quý I đã tăng so với cùng kỳ trong 5 năm, tất cả các khoản về đầu tư đều tăng trưởng.

Mặc dù cung tiền về đầu tư hạ tầng của Chính phủ chưa đạt kỳ vọng nhưng FDI vẫn sáng, Việt Nam vẫn là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài.

"Quý I tăng trưởng xuất khẩu, xuất siêu hơn 8 tỷ USD, phục hồi rất mạnh. Lo ngại lạm phát tăng trở lại cao hơn hơn các năm trước, nhưng vẫn có niềm tin Chính phủ đủ nguồn lực kiềm chế lạm phát vì nguồn thu vẫn tốt", TS Hiển nói.

Dinh-The-HienTS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng. Ảnh: DĐDN

Về dòng tiền đầu tư, TS. Đinh Thế Hiển đánh giá, năm nay có nhiều điểm cản trở dòng tiền đầu tư. Dòng tiền sản xuất không lo lắng nhưng dòng tiền đầu tư đang bị khó khăn do phải xử lý trái phiếu lên tới 382.000 tỷ đồng. Dòng tiền cho doanh nghiệp bất động sản (BĐS) là xấu nhất trong vòng 5 năm qua. Tương tự với hệ thống thanh toán tiền mặt, khiến các doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn rất lớn về dòng tiền.

"Vàng và tỷ giá tăng rất mạnh, tỷ giá hiện tăng trên 5%, điều này hạn chế cung tiền của Chính phủ, kéo theo dòng tiền tiếp tục khó khăn cho quý I, II. Các doanh nghiệp BĐS có kết quả kinh doanh không tốt sẽ khó tiếp cận được vốn ngân hàng. Tiêu dùng vẫn hạn chế do việc làm chưa phục hồi và nhóm trung lưu phải giải quyết nợ vay BĐS", TS Hiển cho hay.

Về triển vọng, TS Hiển cho rằng, dòng tiền sẽ cải thiện dần dần từ quý III khi xuất khẩu từng bước phục hồi, tạo việc làm và tiêu dùng sẽ cải thiện hơn. Đầu tư công và cung tiền của Chính phủ cũng tạo nên dòng tiền mới. Bên cạnh đó, niềm tin tiêu dùng dần dần phục hồi, giúp thương mại dịch vụ tăng. Khi tiêu dùng nội địa, niềm tin phục hồi, cũng tạo cơ hội cho dòng tiền xoay chuyển.

"Kinh tế của chúng ta sẽ cải thiện dần từ quý III từ tăng trưởng xuất khẩu và phục hồi tiêu dùng, nhưng các doanh nghiệp vẫn đối đầu với khó khăn về nguồn vốn. Năm 2023, nguồn cung tiền quan trọng cho BĐS đều suy giảm. Sang năm nay có sự tăng nhẹ và phục hồi. Quan trọng, dòng tiền nhà đầu tư cá nhân và BĐS sẽ bắt đầu giải ngân ra từ quý III, IV và chiều hướng sẽ tốt lên từ quý III", TS Hiện dự báo.

Theo TS Hiển, yếu tố quan trọng là chính sách, nhưng Nhà nước cần ưu tiên kiểm soát nguồn vốn các ngân hàng thương mại đưa vào thị trường BĐS. Nhà đầu tư cá nhân vẫn còn "chùn tay", chưa có niềm tin vào sự phục hồi của thị trường nên chưa xuống tiền. Trong khi, nhà đầu tư lướt sóng không dám "xuống tiền" và nhà đầu tư trung hạn vẫn còn quan sát.

"Các công ty BĐS niêm yết tiếp tục thua lỗ trong quý I cho thấy, kinh doanh BĐS vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sự chọn lọc, phục hồi là có, các quỹ đầu tư tầm nhìn trung hạn bắt đầu đặt cửa vào các công ty BĐS", TS Hiển nhận định.

Doanh nghiệp rời khỏi thị trường nhiều hơn doanh nghiệp mới thành lập

Trong khi đó, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho biết, đặt BĐS trong nền kinh tế nói chung có thể thấy, những năm qua, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường luôn nhiều hơn doanh nghiệp mới được thành lập, đặc biệt với doanh nghiệp đầu tư kinh doanh BĐS.

Hiện, có 2 luồng ý kiến, một là tình hình chung tốt lên, ổn định kinh tế vĩ mô, doanh nghiệp thành lập mới nhiều. Nhưng cũng có ý kiến khác là chưa bao giờ thị trường khó như bây giờ, chưa bao giờ các doanh nghiệp rời khỏi thị trường nhiều hơn doanh nghiệp thành lập mới.

Tran-dinh-thienPGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng. Ảnh: DĐDN

Ông Thiên phân tích, trong bối cảnh chung, khu vực khối doanh nghiệp nội vẫn đang rất khó khăn, còn khối ngoại vẫn tăng trưởng tốt. Lạm phát thấp, lãi suất cao khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp khó, trong khi khối ngoại không chịu lãi suất đó nên không bị ảnh hưởng. Sức cầu nội địa đang yếu, thu nhập người lao động giảm đi, nhìn dài hạn nền kinh tế vẫn còn nhiều vấn đề.

Đối với thị trường BĐS, sau nhiều năm bùng nổ phân khúc cao cấp, nhà ở bình dân dần biến mất khỏi thị trường, việc làm, thu nhập suy giảm là bi kịch của thị trường.

Bàn về giải pháp, ông Thiên cho rằng, tăng trưởng cao, lạm phát thấp là có vấn đề. Do đó, quan điểm chung về kinh tế vĩ mô, lạm phát cần phải được nhìn nhận lại

"Có lẽ chủ trương hạ lãi suất vẫn hơi ít, hơi muộn và đã có những doanh nghiệp không thể chờ được nguồn vốn đó mà rời khỏi thị trường", ông nói và nêu rõ cần có kim chỉ nam cho các giải pháp là thông suốt (hàng hóa, dòng tiền), thông thoáng (cơ chế chính sách) và thông minh (bộ máy thực thi).

Tiếp theo, trong quý vừa qua, ngoài hạ lãi suất, ra sức giải ngân đầu tư công, chính sách về thị trường trái phiếu đã phần nào được tháo gỡ, nhưng thực tế thị trường cổ phiếu, trái phiếu vẫn còn nhiều tồn tại, cần nỗ lực cấu trúc lại.

Đồng thời, cần sớm thực thi các chính sách mới nhằm gỡ khó cho các dự án, khơi thông dòng chảy đầu tư cho doanh nghiệp. Cần xác định rõ vai trò của Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp và người dân.

"Kinh tế thế giới, cuộc chiến về địa chính trị còn nhiều bất ổn, với nền kinh tế Việt Nam sẽ còn nhiều ảnh hưởng. Vì vậy, cần thẳng thắn nhìn nhận về khó khăn của chính mình", ông nhấn mạnh.

Ý kiến chuyên gia