CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Kết nối doanh nghiệp Việt, thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản

Invest Global 09:05 16/10/2021

Sáng 15/10, Hội nghị Trực tuyến Kết nối cộng đồng doanh nghiệp Việt - Nhật đã diễn ra nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thành công tới thị trường xuất khẩu.

Tham gia hội nghị "Kết nối cộng đồng doanh nghiệp Việt - Nhật: Tiềm năng và những rào cản thị trường" có đại diện của tổ chức EBISU -  Nhịp cầu kết nối sản xuất và thương mại song phương Nhật Bản - Việt Nam; Công ty TNHH Công Nghệ NHONHO (Tổ chức Chứng nhận NHO) chuyên cung cấp dịch vụ đánh giá, chứng nhận, kiểm nghiệm, giám định và đào tạo; Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản và đại diện các công ty, hợp tác xã sản xuất nông sản thực phẩm tại Việt Nam.

Tại sự kiện, các đại diện cũng chia sẻ về tiềm năng phát triển của thị trường Nhật Bản, những yêu cầu về chất lượng và an toàn về nông sản, thực phẩm, văn hóa tiêu dùng của người Nhật, các nội dung liên quan đến hoạt động vận chuyển, vận tải hàng hóa Việt Nam - Nhật Bản cũng như khuyến nghị đối với những doanh nghiệp xuất khẩu, sản xuất có nhu cầu tiếp cận thị trường này.

Phát biểu tại sự kiện, ông Hoàng Bá Nghị, Tổng Giám đốc Tổ chức NHO cho biết, đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề tới tình hình kinh tế, xã hội, nhiều doanh nghiệp đang chịu tác động không nhỏ khi hoạt động sản xuất, xuất khẩu bị gián đoạn. Hội nghị được tổ chức xuất phát từ nhu cầu muốn chia sẻ thông tin, những vướng mắc, rào cản về thị trường xuất khẩu cũng như chia sẻ về phương án bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ xuất khẩu.

Hội nghị trực tuyến thu hút hơn 120 đại diện từ tổ chức EBISU, NHO, các doanh nhiệp và hợp tác xã. 

Nhật Bản là thị trường xuất khẩu thứ 6 của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 đạt 10.06 tỷ USD (tăng 8.2% so với năm 2020) dù tình hình dịch Covid-19 phức tạp. Hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam đang ngày càng được thị trường này đón nhận và thị trường bán lẻ hứa hẹn nâng giá trị xuất khẩu hàng Việt Nam tăng 1 tỷ USD vào năm 2025. Về cơ cấu, xuất nhập khẩu Việt Nam không hề có tính cạnh tranh mà còn có tính bổ trợ cho nhau.

 

Tuy nhiên, với tiềm năng xuất khẩu lớn, Nhật Bản cũng là một trong những thị trường khó tính, có yêu cầu cao với sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Năng lực nội tại của doanh nghiệp và nhà sản xuất Việt Nam vẫn đang còn hạn chế khi chất lượng nguồn nguyên liệu không có sự đồng bộ về mặt tiêu chuẩn, chất lượng, quy trình sản xuất. Yếu tố công nghệ chưa được chú trọng, năng lực quản lý còn yếu, tính cạnh tranh của sản phẩm chưa cao và kiến thức, thông tin về pháp lý xuất nhập khẩu còn kém…

Các sản phẩm nông sản với tính đặc thù cao do ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng sau khi được bán ra và tiêu thụ. Do vậy, việc kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm là điều kiện tiên quyết để đưa nông sản Việt Nam tới gần hơn với người tiêu dùng quốc tế.

“Nếu như trước đây, chất lượng sản phẩm được kiểm soát theo phương pháp lấy ngẫu nhiên mẫu và hủy bỏ sau khi kiểm tra, có độ rủi ro cao thì hiện nay sản phẩm nông sản thực phẩm được kiểm soát ngay từ khâu đầu vào từ nguyên liệu, quy trình sản xuất, con người, từ trang trại đến bàn ăn. Với nguyên tắc này, sản phẩm đầu ra được bảo đảm chất lượng ổn định để phục vụ không chỉ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu đến những thị trường khó tính, trong đó có Nhật Bản”, ông Nghị cho biết.

Là một trong những doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản thực phẩm, ông Tạ Quốc Sự - Chủ tịch Công ty VietPepper chia sẻ, xuất khẩu Việt Nam là một lĩnh vực mở và được ưu ái với nhiều chính sách, hiệp định thương mại song đương, đa phương. Như vậy, rào cản về thuế quan và kỹ thuật đã được tương đối khắc phục.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn bề tiềm lực nội tại, yếu tố con người, sản phẩm… khi tham gia vào lĩnh vực xuất khẩu. Để khắc phục tình trạng này, ông Sự đề xuất các doanh nghiệp nên tìm hiểu về các thủ tục và vướng mắc sẽ gặp phải khi xuất khẩu mặt hàng sang nước ngoài, tìm kiếm thông tin và vạch ra những yêu cầu cần phải thực hiện từ phía thị trường nhập khẩu và đặc biệt là khách hàng, nâng cao tiềm năng hiện có như đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo con người và hiểu được văn hóa của thị trường xuất khẩu mà mình hướng tới, chuẩn bị điều kiện để tham gia thị trường, cần tính toán kỹ rằng hiệp định nào mang lại lợi thế lớn nhất để vận dụng vào thực tế xuất khẩu.

Môi trường kinh doanh