CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Không để rủi ro làm gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu

Invest Global 08:15 01/07/2021

Các rủi ro kinh tế do gián đoạn nguồn cung là một trong những thách thức lớn của doanh nghiệp Việt giữa đại dịch Covid-19 đợt 4. Cho nên, việc chủ động dự trữ nguồn nguyên vật liệu, tham gia những mắt xích trong chuỗi giá trị sản phẩm và tâm thế “đi trên nhiều chân” sẽ giảm thiểu những rủi ro này.

Ghi nhận về tình hình sản xuất kinh doanh ở Tp.HCM vào những ngày cuối tháng 6/2021 trong bối cảnh đang tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19 đợt 4 cho thấy, nhiều doanh nghiệp (DN) thuộc mảng thực phẩm đang dự trữ được nguồn nguyên liệu dài hơi để có thể ổn định sản xuất trong 3 - 6 tháng tới.

Tránh sản xuất bị bóp méo

Giám đốc một DN chế biến thuỷ sản ở Tp.HCM cho biết, nhờ chủ động dự trữ nguồn nguyên liệu, phụ liệu, phụ gia cần thiết từ trước nên dù phải thực hiện các biện pháp giãn cách thì nhà máy vẫn vận hành hết công suất, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho tiêu dùng trong nước và tận dụng tốt các cơ hội xuất khẩu.

Việc dự trữ nguồn nguyên liệu dài hơi giúp cho các DN chế biến thực phẩm ở Tp.HCM tránh được gián đoạn về nguồn cung trong đại dịch Covid-19 đợt 4.

Tuy vậy, việc chủ động nguyên vật liệu không phải DN nào cũng làm được. Chẳng hạn như vào trung tuần tháng 6 này, có những DN cung ứng các loại bột, cung ứng nước sauce cho các DN chế biến thủy sản đã gặp khó. 

Nguyên nhân do một số khu công nghiệp ở Tp.HCM, nơi các DN cung ứng nêu trên tọa lạc và hoạt động, có ca dương tính với Covid-19, khiến cho hoạt động chung nơi đây bị xáo trộn ít nhiều. Hệ quả là các DN chế biến thủy sản “đứng ngồi không yên” khi chờ đợi phụ liệu, phụ gia để hoàn tất đơn hàng giao khách nước ngoài.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường như hiện nay, Ts. Phạm Công Hiệp, Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu Quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại Đại học RMIT lưu ý, do tính chất công việc nên phần lớn nhân công trong lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp và dịch vụ thiết yếu, không thể làm việc tại nhà. Nếu họ buộc phải ở nhà sẽ gây ra hậu quả xấu đến hoạt động sản xuất, xử lý đơn hàng và quản lý nguyên liệu thô.

Theo ông Hiệp, nguồn cung hàng gia dụng sẽ biến động khi người tiêu dùng lo ngại về tác động tiêu cực của việc đình trệ sản xuất. Nhu cầu tăng cao khiến cho tình trạng thiếu hụt càng trở nên tồi tệ hơn, dẫn đến hiệu ứng Bullwhip (hiệu ứng phản ánh hiện tượng sai lệch số lượng sản phẩm sản xuất ra so với nhu cầu thực tế) khi nhu cầu thị trường về một sản phẩm bị bóp méo.

Ts. Hiệp cho rằng, việc sản xuất và tiêu thụ hàng tươi sống cũng sẽ bị ảnh hưởng khi hiện nay, mỗi khu vực có xu hướng chuyên môn hóa một số mặt hàng nhất định và không thể đáp ứng được nhu cầu thay đổi đột ngột từ phía khách hàng.

Trở lại vấn đề về gián đoạn nguồn cung cho DN chế biến thuỷ sản, trên website của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep), Ts. Hồ Quốc Lực có nhấn mạnh đến việc “phải có kế hoạch dự trữ đầy đủ vật tư, phụ liệu, phụ gia cần thiết. Bởi rủi ro không chỉ đến với DN bằng đường thẳng mà còn qua cầu nối là xâm nhập các DN cung ứng vật tư, phụ liệu cho DN chế biến”.

Tâm thế đi trên nhiều "chân"

Ngoài ra, để thêm giải pháp trong bối cảnh này, theo ông Lực thì bên ngành cá tra có thêm mảng nuôi cá, thậm chí làm thức ăn cá và tự cung ứng cá con. Bên tôm có thể đẩy mạnh mảng nuôi tôm. 

“Với tâm thế đi trên nhiều chân, các DN sẽ tự làm giảm thiểu rủi ro cho mình. Ví dụ, nuôi tôm, tôm nguyên liệu lên giá bên chế biến sẽ thất thế nhưng bù lại bên nuôi có hiệu quả vì giá tốt”, ông Lực chia sẻ.

Trong vấn đề về nguồn cung, theo đánh giá mới nhất từ kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh trong quý II/2021 của Tổng cục Thống kê, chỉ có 27,3% DN trong lĩnh vực công nghệ chế biến cho rằng việc thiếu nguyên, nhiên, vật liệu là một trong những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.

Điểm đáng chú là có đến 70,7% DN đánh giá tồn kho nguyên vật liệu quý II/2021 so với quý I/2021 tăng và giữ nguyên. Còn quý III/2021 so với quý II/2021, có 70,1% DN dự báo khối lượng tồn kho nguyên vật liệu tăng và giữ nguyên.

Một số ngành có tỷ lệ DN đánh giá tồn kho nguyên vật liệu quý II/2021 tăng so với quý I/2021 như: Ngành sản xuất xe có động cơ; ngành sản xuất đồ uống; ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học…

Trong khi đó, một số ngành có tỷ lệ DN đánh giá tồn kho nguyên vật liệu quý II/2021 giảm so với quý I/2021 như: Ngành hóa chất và sản phẩm hóa chất; ngành sản xuất chế biến thực phẩm; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn ghế)…

Để quản lý gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế giữa đại dịch đợt 4, Ts. Phạm Công Hiệp đề xuất, cần xác định các ngành kinh tế mũi nhọn và mức độ giảm thiểu hoạt động tối đa các ngành này có thể chấp nhận do giãn cách xã hội mà không gây tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế. Các ngành này gồm: vật tư y tế và năng lượng, sản xuất hàng hóa thiết yếu và các chuỗi cung ứng, dịch vụ chủ chốt, và vận chuyển hàng hóa.

Hơn nữa, theo vị chuyên gia của RMIT, cần xác định và tối ưu hoá các ngành có thể bố trí làm việc từ xa và hoạt động hiệu quả ngay cả khi tiếp xúc xã hội tối thiểu, chẳng hạn như công nghệ hoặc dịch vụ thương mại.

Thế Vinh

 Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.