CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Lãi suất giảm, huy động vốn giá rẻ vẫn tăng mạnh

Invest Global 10:32 18/11/2020

Tiền gửi của khách hàng là nguồn huy động chính của các ngân hàng, chiếm trên 50% cơ cấu vốn. Do đó, trong bối cảnh kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) sẽ giúp của các nhà băng cải thiện đáng kể về lợi nhuận.

Tăng trưởng tiền gửi của TPBank trong 9 tháng đạt mức tăng 18%. 

Hiện nay, lãi suất tuy không ở mức cao như kỳ vọng, nhưng nhiều người dân vẫn lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng với quan điểm đầu tư an toàn. Bên cạnh đó, các ngân hàng gần đây cũng đẩy mạnh chất lượng dịch vụ và triển khai thêm nhiều chương trình hấp dẫn để thu hút khách hàng gửi tiền.

Tiền gửi không kỳ hạn chiếm gần 40%

Trong 9 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã có tới 3 lần giảm lãi suất điều hành, nhằm thúc đẩy hạ mặt bằng lãi suất trên thị trường. Hành động này dẫn đến làn sóng hạ lãi suất tiết kiệm liên tục từ các nhà băng.

Tính đến thời điểm hiện nay, lãi suất huy động đã giảm tổng cộng 50-200 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn so với đầu năm nay. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 tháng ở mức 0,1-0,2%/năm; từ 1-6 tháng là 3,3-3,9%/năm; từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 4,4-6,2%/năm và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,0-7,0%/năm.

Mặc dù lãi suất huy động giảm mạnh, nhưng tăng trưởng huy động vẫn khá cao. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 9, toàn ngành đạt 9.812.709 tỷ đồng, tăng lần lượt 14,12% và 8,92% so với cùng kỳ và cuối năm 2019. Trong đó, huy động nội tệ tăng 9,19% và ngoại tệ tăng 6,32% so với cuối năm trước.

Với diễn biến lãi suất và tăng trưởng huy động như vậy đã tạo điều kiện để các ngân hàng có được nguồn vốn chi phí thấp.

Khảo sát báo cáo tài chính quý III của các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tiền gửi cao nhất trong 9 tháng thuộc nhóm ngân hàng quy mô nhỏ như NamABank với mức tăng 31%, VietBank là 23%, Kienlongbank: 21%, TPBank: 18%, BacABank: 14,1%, Techcombank: 9,2%, ACB: 9%...

Cụ thể, số dư tiền gửi khách hàng trong 9 tháng của BacABank đạt 86.904 tỷ đồng, Techcombank là 252.600 tỷ đồng, TPBank: 108.694 tỷ đồng, ACB: 334.729 tỷ đồng…

Đáng chú ý, tiền gửi tại các ngân hàng tăng kéo theo tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng, trong đó Techcombank và MB vẫn là 2 ngân hàng đứng đầu.

Tính đến ngày 30/9, CASA của Techcombank đạt 97,5 nghìn tỷ đồng, tăng 22,2% so với thời điểm cuối năm 2019; tỷ lệ CASA đạt 38,6%, cao hơn mức 34,5% vào cuối năm 2019. Trong khi đó, CASA của MB đã vượt 100.000 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 10% so với thời điểm cuối quý II/2020 và tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng ghi nhận tỷ lệ CASA tăng mạnh như: Vietcombank tăng 28%, MSB là 23%, ACB: 18%, VIB, LienVietPostBank và OCB dao động từ 10-15%...

Cuộc đua tăng tỷ lệ CASA

Tiền gửi CASA là nguồn vốn chi phí thấp và nếu có thể duy trì được tăng trưởng tốt so với tổng huy động thì sẽ có khả năng bù đắp cho việc tăng chi phí từ huy động có kỳ hạn và phát hành trái phiếu.

Vì vậy, thời gian qua, các ngân hàng “chạy đua” tăng tỷ lệ CASA bằng cách phát triển hệ thống thanh toán điện tử có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng, nhằm tăng cường số lượng các giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng. Mục tiêu đơn giản đó là làm sao để khách hàng gần như không bao giờ cần phải rút tiền ra để thực hiện bất kỳ một giao dịch nào.

Điển hình cho xu hướng này là Techcombank. Để hút khách hàng, Techcombank miễn phí sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, nhờ vậy lượng khách hàng sử dụng dịch vụ không ngừng tăng lên.

Trong 9 tháng đầu năm, Techcombank đã có thêm hơn 760.000 khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên hơn 8 triệu. Số lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong 9 tháng đầu năm 2020 lần lượt đạt 256 triệu giao dịch (tăng 117,2% so với cùng kỳ năm ngoái) và 3,3 triệu tỷ đồng (tăng 84,4%).

Tương tự, xác định ngân hàng số là hạt nhân cho sự phát triển bền vững, lâu dài với tầm nhìn trở thành “Ngân hàng thuận tiện nhất” vào năm 2021, MB đã liên tục ra mắt và cải tiến nhiều sản phẩm số như App MBBank, Biz MBBank, các sản phẩm cho vay trên kênh số, tạo sự thuận tiện cho khách hàng. Việc đẩy mạnh phát triển 2 ứng dụng số này đã góp phần không nhỏ vào việc tăng CASA từ khách hàng.

Đối với MSB, kết thúc quý III, ngân hàng tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng CASA tăng 29% so với cùng kỳ và 15% so với cuối năm 2019. Việc thay đổi cơ cấu nguồn vốn theo hướng nâng cao hiệu quả là nhân tố quan trọng giúp MSB giảm chi phí vốn và đem lại sự tăng trưởng trong tổng thu nhập thuần từ lãi và phí.

Các chuyên gia nhận định, với những nỗ lực của các ngân hàng tư nhân khác, cạnh tranh về CASA sẽ ngày càng tăng dần. Điều này đồng nghĩa với việc đầu tư ngân hàng số và chính sách khuyến khích phí một mặt có thể giúp các ngân hàng tăng trưởng CASA, nhưng cũng sẽ làm tăng chi phí hoạt động và chi phí thanh toán. Bởi vậy, để duy trì tính bền vững, các ngân hàng cần có chiến lược đầu tư và cạnh tranh hiệu quả để duy trì tỷ lệ CASA cao và thu được lợi ích trong dài hạn.

Thanh Hoa