CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Trong 6 ngôi nhà bị tháo dỡ, có 3 ngôi nhà không xác định được chủ. Sau khi thông báo nhiều ngày, UBND huyện Đức Trọng ra quyết định tháo dỡ, trả lại nguyên trạng đất và bàn giao cho đơn vị quản lý.
Lực lượng chức năng tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép tại tiểu khu 268. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN) |
Sáng 5/11, Ủy ban nhân dân huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) và xã Hiệp An đã tổ chức lực lượng cưỡng chế, tháo dỡ, giải tỏa 6/7 căn nhà còn lại tại “Làng biệt thự dưới chân Núi Voi,” xây dựng trái phép trên đất rừng lấn chiếm từ nhiều năm qua.
Tại khu vực bị lấn chiếm trái phép ở tiểu khu 268, xã Hiệp An (huyện Đức Trọng), nhóm phóng viên chứng kiến các lực lượng chức năng của huyện tổ chức tháo dỡ các căn nhà xây dựng trái phép, chủ yếu làm bằng gỗ.
Chính quyền địa phương cũng sử dụng một máy xúc để tháo dỡ các phần xây dựng kiên cố bằng gạch và bêtông. Trên hiện trường không xuất hiện trường hợp nào ngăn cản, chống đối lực lượng chức năng.
Trong 6 ngôi nhà được tháo dỡ, có 3 ngôi nhà không xác định được chủ. Sau khi thông báo nhiều ngày nhưng không có người đến nhận, Ủy ban Nhân dân huyện Đức Trọng ra quyết định tháo dỡ, trả lại nguyên trạng đất và bàn giao cho đơn vị được giao quản lý diện tích đất rừng này.
Ồng Hồ Hữu Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hiệp An cho biết sau khi Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng có chỉ đạo xử lý vụ việc, chính quyền huyện Đức Trọng và trực tiếp là xã Hiệp An đã triển khai các biện pháp từ tuyên truyền, vận động, thuyết phục và tổ chức cưỡng chế nếu chủ sở hữu không chấp nhận tự tháo dỡ.
Cho đến thời điểm này, chính quyền địa phương đã vận động chủ hộ tự tháo dỡ cũng như tháo dỡ được 22 ngôi nhà vô chủ, xây dựng trái phép.
Chỉ còn một ngôi nhà ở vị trí khác sẽ tổ chức tháo dỡ vào đợt sau. Đây là một trong 4 ngôi nhà của ông Nguyễn Thanh Hùng, trong đó 3 ngôi nhà đã được tổ chức tháo dỡ.
Cũng theo ông Hồ Hữu Hiếu, theo thống kê thì tại khu vực này có 54 căn nhà, trong đó có cả nhà của người dân địa phương sinh sống từ lâu và nhà do người từ thành phố Đà Lạt và các địa phương khác, kể cả ngoài tỉnh tới xây dựng trái phép.
Ủy ban nhân dân xã đã tổ chức phân loại, trong đó lập hồ sơ 23 căn nhà do người từ nơi khác tới mua bán, xây dựng trái phép.
Các căn nhà nhỏ của người dân địa phương có từ trước khi nhà nước giao đất cho Công ty cổ phần du lịch sinh thái Phương Nam quản lý bảo vệ, nên chính quyền địa phương đang xem xét để giải quyết có tình, có lý và đúng theo quy định của pháp luật…
Trước đó từ ngày 27/10/2020, TTXVN đã có loạt bài: “Kinh ngạc ngôi làng biệt thự ngang nhiên xây dựng trên đất rừng có chủ.”
Loạt bài phản ánh thông tin từ năm 2017 đến nay, tại tiểu khu 268 thuộc xã Hiệp An (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) đã và đang hình thành một ngôi làng, với hàng chục căn nhà trái phép.
Thậm chí khu vực này còn được mở đường nội bộ, xây dựng hệ thống cấp điện riêng và dựng tấm biển kiên cố rất lớn với cái tên “Làng nghề Bonsai Darahoa.”
Hàng chục căn nhà đã được xây dựng với kiểu dáng biệt thự. Nhiều căn vẫn đang hối hả xây dựng. Đáng chú ý là nhiều căn nhà khóa cửa để đó, không xác định được chủ.
Kinh ngạc hơn khi phần đất khu vực này thuộc diện tích đất lâm nghiệp đã được giao cho Công ty cổ phần du lịch sinh thái Phương Nam quản lý bảo vệ quản lý, bảo vệ từ 30 năm nay.
Doanh nghiệp này đã nhiều lần kêu cứu tới các cấp chính quyền vì bị chiếm đất, phá rừng, nhưng ngôi làng trên vẫn ngang nhiên tồn tại, thậm chí hối hả xây dựng từng ngày.
Sau khi các cơ quan báo chí lên tiếng, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở kiên quyết xử lý.
Từ tháng 11/2020 đến nay, các cơ quan chức năng và huyện Đức Trọng, xã Hiệp An đã tổ chức nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động chủ hộ tự tháo dỡ.
Đối với các trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm (chủ nhà), Ủy ban Nhân dân huyện Đức Trọng đã ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, tháo dỡ các ngôi nhà này trả về nguyên trạng ban đầu./.