CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng lên 200 triệu đồng/năm

Invest Global 12:06 30/08/2024

Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) vừa sửa đổi theo hướng quy định rõ mức doanh thu không phải chịu thuế GTGT của hộ, cá nhân kinh doanh là từ 200 triệu đồng/năm trở xuống. Trong trường hợp CPI biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) điều chỉnh mức doanh thu.

(TBTCO) - Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) vừa sửa đổi theo hướng quy định rõ mức doanh thu không phải chịu thuế GTGT của hộ, cá nhân kinh doanh là từ 200 triệu đồng/năm trở xuống. Trong trường hợp CPI biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) điều chỉnh mức doanh thu.

Dự kiến có thêm 620.653 hộ, cá nhân kinh doanh không phải nộp thuế GTGT

Theo quy định của Luật Thuế GTGT hiện hành, mức doanh thu không phải chịu thuế GTGT của hộ, cá nhân kinh doanh là từ 100 triệu đồng trở xuống. Dự thảo Luật Thuế GTGT trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua quy định đối tượng thuộc diện không chịu thuế GTGT là “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm dưới mức do Chính phủ quy định”.

Góp ý cho nội dung này, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể trong Luật mức ngưỡng doanh thu không chịu thuế GTGT, không giao Chính phủ quy định. Có ý kiến đề nghị quy định mức ngưỡng doanh thu trong Luật và giao UBTVQH thẩm quyền điều chỉnh hoặc giao Chính phủ quy định cụ thể.

Nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng lên 200 triệu đồng/năm

UBTVQH cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế GTGT hôm 14/8.

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc sửa đổi, điều chỉnh quy định về ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế GTGT là cần thiết và cần được quy định cụ thể trong Luật nhằm xác lập căn cứ pháp lý rõ ràng, minh bạch và bảo đảm phù hợp, tuân thủ quy định của Hiến pháp là “các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và do luật định”.

Theo số liệu tính toán của Bộ Tài chính, nếu xây dựng mức doanh thu không chịu thuế là 200 triệu đồng/năm thì số lượng hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện nộp thuế sẽ giảm 620.653 hộ, số thu ngân sách nhà nước (NSNN) sẽ giảm khoảng 2.630 tỷ đồng.

Nếu mức doanh thu không chịu thuế là 300 triệu đồng/năm thì số lượng hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện nộp thuế sẽ giảm 734.735 hộ, số thu NSNN sẽ giảm khoảng 6.383 tỷ đồng.

Qua xem xét, thảo luận, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, UBTVQH đã kết luận theo hướng “các cơ quan thống nhất mức ngưỡng cụ thể quy định trong Luật, phù hợp tình hình kinh tế - xã hội và giao UBTVQH thẩm quyền điều chỉnh phù hợp với từng thời kỳ”.

Điều chỉnh ngưỡng doanh thu khi CPI biến động trên 20%

Tiếp thu ý kiến UBTVQH, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách và cơ quan soạn thảo thống nhất chỉnh lý và quy định tại khoản 25 Điều 5 dự thảo Luật về đối tượng không chịu thuế GTGT nội dung "Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 200 triệu đồng trở xuống, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh gần nhất thì Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh mức doanh thu tại khoản này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ".

Nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng lên 200 triệu đồng/năm Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) phát biểu tại Hội nghị.

Góp ý tại hội nghị, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa), cho rằng cần đánh giá tác động rất kỹ lưỡng với những nội dung mới này, đặc biệt là những khía cạnh kinh tế - xã hội khác bên cạnh tác động tới ngân sách như Bộ Tài chính đánh giá.

Theo đại biểu, khi nâng mức doanh thu không phải chịu thuế lên 200 triệu đồng thì các hộ kinh doanh cá thể có điều kiện phát triển khá tốt. Song việc phát triển từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp có thể sẽ hạn chế, bởi việc duy trì là hộ kinh doanh sẽ được nộp thuế khoán, thuận lợi hơn trở thành doanh nghiệp. Như vậy, đây cũng là một hạn chế.

Mặt khác đại biểu cho rằng, việc phát triển mạnh mẽ hộ kinh doanh cá thể là rất cần thiết, cùng với đó việc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng là vấn đề đặt ra. Theo quan điểm cá nhân, đại biểu đề xuất cân nhắc nên giữ nguyên ngưỡng doanh thu không chịu thuế ở mức dưới 100 triệu đồng.

Về quy định khi CPI biến động trên 20% thì Chính phủ đề xuất UBTVQH để điều chỉnh, đại biểu cũng đề nghị cân nhắc lại vì đây là vấn đề khó. Thực tế, để CPI tăng tới 20% là ít khi xảy ra trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định bình thường như hiện nay. Còn đặt giả thiết nếu có biến động lớn phải tăng hay giảm thì việc phải điều chỉnh liên tục cũng rất mất công. Do đó, đại biểu đề xuất giao cho Chính phủ căn cứ vào điều kiện, tình hình kinh tế - xã hội để quyết định việc điều chỉnh cho phù hợp.

Còn theo đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai), việc quy định rõ trong Luật mức doanh thu chịu thuế là 200 triệu đồng và giao thẩm quyền điều chỉnh cho UBTVQH là phù hợp. Tuy nhiên, việc gắn điều kiện điều chỉnh với biến động của chỉ số CPI thì cần rà soát lại. Nên chăng, có thể thêm tiêu chí gắn với giảm trừ gia cảnh./.

Sẽ dừng miễn thuế GTGT cho hàng nhập khẩu giá trị nhỏ

Trong quá trình góp ý Luật, nhiều ý kiến đề nghị phải bảo đảm việc thu thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ. Luật hiện hành và dự thảo Luật không quy định việc miễn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ. Việc miễn thuế đối với các hàng hóa này hiện được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cơ quan soạn thảo khi ban hành Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử bảo đảm chấm dứt hiệu lực của quy định miễn thuế GTGT hàng nhập khẩu giá trị nhỏ tại Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg để có thể mở rộng và bao quát nguồn thu, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Khung pháp lý