CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Người nuôi gia cầm điêu đứng giữa 'bão' Covid-19

Invest Global 10:42 31/07/2021

Giá của gà công nghiệp ở các tỉnh phía Nam đang chạm đáy, lại tồn đọng lớn vì ách tắc đầu ra do “bão” dịch Covid-19 đợt 4. Bởi vậy, ngoài các biện pháp đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi thị trường, khơi thông khâu vận chuyển, giết mổ, để giúp người chăn nuôi gia cầm vượt qua giai khó khăn này, đòi hỏi những giải pháp căn cơ hơn từ phía cơ quan quản lý.

Ghi nhận ở tỉnh Tây Ninh cho thấy do ách tắc trong khâu vận chuyển và giết mổ nên hiện nay đang tồn đọng 1 triệu con gà công nghiệp đã đến lứa nhưng không xuất chuồng được. 

Giá chạm đáy, lại tắc đầu ra

Ông Nguyễn Văn Trí, một hộ chăn nuôi gà công nghiệp ở huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh), cho biết tình trạng gà không thể xuất chuồng càng làm cho người nuôi trở nên cùng cực hơn.

Tình trạng tồn đọng đầu ra, giá chạm đáy đang làm nhiều hộ chăn nuôi gà công nghiệp ở Tây Ninh điêu đứng.

Nhất là khi giá cám thức ăn cho gà vẫn ở mức cao - 320.000 đồng/bao (loại 25 kg), theo ông Trí, do dịch Covid-19 hoành hành nên việc xuất chuồng chậm, làm phát sinh thêm chi phí cho người nuôi. Trong khi đó, giá gà công nghiệp hiện nằm dưới mức 10.000 đồng/kg. "Cho nên dù có tồn đọng hay không thì người nuôi vẫn cầm chắc lỗ nặng", ông Trí than thở.

Còn ở Đồng Nai, trong tháng 7/2021 này mỗi ngày tồn đọng khoảng 30.000 – 40.000 con gà đến tuổi xuất chuồng. Mặc dù giá bán những ngày gần đây chỉ 6.000 - 7.000 đồng/kg, tức là chỉ bằng 1/5 giá vốn nhưng cũng không ai mua.

Nguyên nhân tồn đọng gà công nghiệp ở Tây Ninh, Đồng Nai và một số địa phương lân cận khác hiện nay được cho là vì việc vận chuyển còn gặp khó khăn, nhiều lò giết mổ tạm dừng hoạt động do có ca nhiễm Covid-19. Do dịch bệnh nên các doanh nghiệp (DN), thương lái cũng không thể tiếp cận hết các địa bàn để thu mua, giết mổ cung cấp cho thị trường Tp.HCM.

Không chỉ vậy, lượng gà công nghiệp tiêu thụ tại thị trường lớn nhất là Tp.HCM lại đang giảm mạnh do hàng loạt các chợ đầu mối, chợ truyền thống và dịch vụ ăn uống đều tạm dừng hoạt động.

Điều này có thể thấy rõ từ một trong những DN lớn trong lĩnh vực giết mổ tại khu vực phía Nam là Công ty TNHH San Hà ở Tp.HCM. Nếu như trước giãn cách xã hội, mỗi ngày DN này cung cấp cho thị trường Thành phố 80.000 con gà đã giết mổ, nhưng thời điểm hiện tại do nhu cầu giảm mạnh nên sản lượng đã giảm xuống còn một nửa.

Với tình hình như hiện nay có thể thấy, thiệt thòi nhất vẫn là người chăn nuôi gia cầm, nhất là những hộ chăn nuôi không có sự liên kết với HTX, DN để đảm bảo toàn bộ đầu ra.

Trong văn bản vào cuối tháng 7/2021 của Bộ NN&PTNT gửi các địa phương về việc tăng cường chỉ đạo phát triển sản xuất, chăn nuôi các tháng cuối năm 2021, cũng có lưu ý tình hình sản xuất chăn nuôi tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Nhất là trước diễn biến rất phức tạp và nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, làm gia tăng nguy cơ đứt gãy hàng loạt các chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm chăn nuôi.

Cần thêm giải pháp căn cơ

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương chủ động kết nối với các DN trong và ngoài địa bàn tham gia hỗ trợ thu mua, vận chuyển, tạm trữ, đồng thời xem xét việc mở lại các chợ đầu mối, chợ dân sinh để tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Nhìn vào tình hình hiện tại, giới chuyên gia nhận định có 4 khó khăn lớn mà các hộ chăn nuôi gia cầm ở các tỉnh phía Nam đang đối mặt. Đó là, giá bán quá thấp so với giá thành; đầu ra bị nghẽn dẫn đến tồn đọng lớn; giá thức ăn chăn nuôi cao và biến động; mức độ phức tạp của dịch Covid-19 đợt 4 ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu thụ.

Để khơi thông đầu ra cho gà công nghiệp và trở lại với mức giá mà các DN thu mua trong chuỗi liên kết (khoảng 26.000 đồng/kg), giới chuyên gia cho rằng điều này vẫn tuỳ thuộc vào thời gian và khả năng kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới. Nếu việc kiểm soát được sớm hơn, dẫn đến sự phục hồi trên các thị trường dịch vụ thực phẩm thì đầu ra và giá cả của gà công nghiệp sẽ tốt lên.

Không chỉ vậy, sự cân bằng cung cầu gà công nghiệp như hiện nay ở Tp.HCM giữa bối cảnh dịch bệnh cũng là điều cần đáng bàn. Nhất là xảy ra nghịch lý thị trường khi người dân không có gà để ăn, hoặc mua với giá cao, trong khi gà trong các trang trại ở Tây Ninh, Đồng Nai thì không ai mua. Và bất cứ nghịch lý nào cũng làm cho người chăn nuôi gánh chịu thiệt thòi nhất.

Điều đáng lo, khi lỗ nhiều thì người nuôi có thể thận trọng trong việc tái đàn. Nếu việc này kéo dài thì nguồn cung thịt gia cầm trong nước lại có thể thiếu hụt trong thời gian tới. Và việc này sẽ dẫn đến nguy cơ gia tăng nhập khẩu các sản phẩm thịt gà đông lạnh (trong 2 năm trở lại đây gà nhập khẩu chiếm khoảng 20% tổng lượng gà tiêu thụ trong nước).

Trong khi đó, trong Quyết định số 255/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 2 năm nay về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 có nhấn mạnh đến việc tăng tỷ trọng đàn gia cầm. Và đến năm 2025, thịt gia cầm chiếm từ 26 – 28% trong tổng sản lượng thịt xẻ các loại, đạt từ 5 – 5,5 triệu tấn.

Nếu nhìn vào tình hình khó khăn hiện tại, để tăng tỷ trọng đàn gia cầm trong thời gian tới là cả vấn đề. Còn trước mắt, trước diễn biến thị trường gia cầm sẽ rất khó đoán, từ giá cả cho đến đầu ra khi dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay. 

Vì thế, trong bối cảnh hiện tại, để tránh xảy ra nghịch lý về cung cầu, tắc đầu ra, giá chạm đáy…, ngoài các biện pháp nhằm đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi thị trường, khơi thông khâu vận chuyển, giết mổ thì đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có thêm giải pháp căn cơ hơn để giúp người chăn nuôi gia cầm vượt qua giai đoạn khó khăn này.

                      Thế Vinh

 Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
 

Môi trường kinh doanh