CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Nhà liền thổ vẫn bùng nổ giữa mùa dịch

Invest Global 15:05 26/07/2021

Đất nền, nhà liền kề là phân khúc phát triển tốt trong giai đoạn dịch bệnh do nhu cầu của nhà đầu tư vẫn rất lớn. Nguyên nhân là bởi, sản phẩm này được đánh giá là kênh trú ẩn an toàn trong mọi tình huống xảy ra.

Không chỉ tăng trong giai đoạn dịch bệnh, dự báo giá đất nền, nhà liền kề sẽ tiếp tục tăng sau khi dịch được kiểm soát do có nhiều yếu tố tác động.

Theo báo cáo thị trường 6 tháng đầu năm của Savills Việt Nam, dù chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19 nhưng giá bán đất nền, nhà liền kề ở thị trường thứ cấp tại Hà Nội và TP.HCM lại có mức tăng khá ấn tượng, khoảng 10-13% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn cung thấp, giao dịch giảm

Savills cho biết, trong 6 tháng vừa qua, với phân khúc bất động sản (BĐS) nhà ở, nguồn cung bán ra thị trường hạn hẹp, giá bán tại các dự án vẫn giữ đà tăng liên tục trong 2 quý đầu năm.

Tại TP.HCM, nguồn cung sơ cấp biệt thự, nhà phố trong 6 tháng chỉ đạt hơn 770 căn, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước. Về giao dịch, cũng chỉ có khoảng 500 căn được tiêu thụ trong 6 tháng, giảm một nửa so với cùng kỳ.

Dự báo từ nửa cuối năm 2021 đến năm 2023, nguồn cung đất nền, nhà liền kề vẫn tập trung chủ yếu tại khu Đông của TP.HCM. Nguồn cung mới từ phân khúc này chiếm khoảng 32% tổng nguồn cung mới đến năm 2023.

Tại Hà Nội, nguồn cung sơ cấp đạt 1.950 căn, giảm 1% theo quý. Toàn thị trường đạt 1.087 giao dịch, tăng 16% theo quý và 131% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ ở mức 59% - là mức hấp thụ cao nhất kể từ quý II/2019. Huyện Hoài Đức nắm giữ 50% thị phần, hầu hết đến từ dự án An Lạc Green Symphony và Hinode Royal Park.

Giá sơ cấp trung bình của biệt thự đạt 4.907 USD/m2, tăng 3% theo năm. Giá trung bình của nhà liền kề là 5.173 USD/m2, tăng 16% theo năm. Với nhà phố thương mại, giá trung bình khoảng 8.135 USD/m2, tăng 11% theo năm. Giá sơ cấp trung bình của các loại hình BĐS đều tăng trong quý II, với mức tăng hơn 20%. Trong vòng 5 năm vừa qua, giá chào bán thứ cấp của biệt thự, nhà liền kề đã tăng khoảng 7% mỗi năm.

Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc Bộ phận nghiên cứu của Savills Việt Nam nhận định, về mặt nguồn cung đã có sự sụt giảm khá mạnh, lượng hàng chào bán ra thị trường không nhiều. Vì nguồn cung mới và lượng hàng tồn kho thấp nên lượng giao dịch cũng thấp trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, điểm sáng của thị trường trong thời gian qua là giá bán của căn hộ và nhà phố, biệt thự đều có xu hướng tăng.

Giá bán tại thị trường thứ cấp có mức tăng khá ấn tượng, khoảng 13% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là bởi, người Việt Nam vẫn ưu tiên nhà ở liền thổ hơn. Do đó, những sản phẩm nhà phố, đặt biệt là các sản phẩm được phát triển trong các dự án được nhà đầu tư quan tâm, tỷ lệ hấp thụ tốt.

Giá BĐS tương lai tăng

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, tại TP.HCM, giá đất nền, liền kề ở một số khu vực bị đẩy lên rất mạnh trong quý II. Như tại Thủ Đức, giá chào bán ở một số nới hiện đã lên tới trên dưới 200 triệu đồng/m².

Do thiếu nguồn hàng dự án, nên hiện tượng gom đất, gom sổ để tạo sản phẩm phân lô, phân nền diễn ra rất mạnh tại một số huyện như Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh…

Cũng theo ông Đính, kể từ năm 2014 đến nay, thị trường BĐS ổn định và tăng trưởng tốt. Giá BĐS tăng rất bền vững. Hằng năm, giá bình quân tăng hơn 10%, nhiều dự án tốt có thể tăng trên 20%, dẫn đến xuất hiện các nhóm đầu tư BĐS để bán lại ở thị trường thứ cấp.

Từ năm 2019, đặc biệt là từ đầu năm 2021, giá BĐS có hiện tượng tăng mạnh và nhanh. Lợi dụng tình hình thị trường thiếu nguồn cung, giá đất nền, liền kề cả ở hai thành phố lớn bị đẩy tăng mạnh, có những khu vực tăng 20-30%.

Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam phân tích, giá BĐS thời gian qua tăng một phần do bị "thổi". Tuy nhiên, giá BĐS trong thời gian tới cũng đang đối mặt với áp lực phải tăng giá, bởi một số yếu tố: Giá đất trên thị trường sau "cơn sốt" ở nhiều nơi vẫn còn ở mức cao nên đền bù giải phóng mặt bằng sẽ cao; khung giá đất tại nhiều địa phương bị điều chỉnh tăng lên 15%; giá vật liệu xây dựng và các yếu tố đầu tư xây dựng đều đã tăng khoảng 50%. Ngoài ra, thủ tục phê duyệt dự án kéo dài do vướng mắc quy định pháp lý, dẫn đến tăng chi phí.

Một số chuyên gia BĐS cho rằng, giá đất nền, liền kề hiện tại có thể chỉ chững lại, nhưng khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ bật lên. Nhiều người lo ngại kinh tế vĩ mô hồi phục chậm, lạm phát tăng sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn, nên trong và sau thiên tai, dịch bệnh, BĐS vẫn là kênh trú ẩn an toàn nhất.

Các chuyên gia dự báo, trong kế hoạch phát triển hạ tầng tại TP.HCM đến năm 2025 có rất nhiều dự án hạ tầng lớn tại khu Đông đã và đang triển khai, sẽ là điều kiện giúp thị trường BĐS phát triển tốt.

Còn tại Hà Nội, khu vực phía Tây sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường trong năm 2021, với cơ sở hạ tầng cải thiện, một số dự án lớn và các chủ đầu tư uy tín. Đặc biệt, với kế hoạch đưa các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm và Thanh Trì lên thành quận trước năm 2025, đây sẽ trở thành những điểm đầu tư đáng chú ý.

Phạm Minh

Môi trường kinh doanh