CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Nhiều dự án trở lại “đường đua”, thị trường bất động sản khởi sắc 6 tháng cuối năm

Invest Global 15:34 27/07/2024

“Tâm lý “bám đất, không chịu di dời” những tháng đầu năm sẽ được giải tỏa khi bộ ba luật liên quan tới đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/8/2024”, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, nhận định…

Từ cuối năm 2023 tới nay, thị trường bất động sản đã có những tín hiệu phục hồi tích cực. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2024, giao dịch bất động sản có khoảng hơn 253.000 sản phẩm bán thành công, bằng 110,26% so với 6 tháng cuối năm 2023. Trong đó, lượng giao dịch chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền hoặc các căn chung cư hạng B và C tại các thành phố lớn.

GIAO DỊCH CÓ NHIỀU TÍN HIỆU TÍCH CỰC

Theo ghi nhận của trang Batdongsan, hầu hết các loại hình bất động sản đều ghi nhận lượt tìm kiếm tăng trưởng tích cực trong hai quý đầu năm. Đáng chú ý, thị trường bất động sản Hà Nội ghi nhận biến động mạnh nhất ở loại hình đất bán. Theo đó, lượt tìm kiếm các loại đất bán (đất nền, thổ cư) trong 6 tháng đầu năm tăng 118% so với cùng kỳ năm 2023.

Chung cư Hà Nội cũng là loại hình có biến động lượt tìm kiếm tăng mạnh trong nửa đầu năm nay, với mức tăng khoảng 46% so với cùng kỳ. Trong khi đó, nhà riêng, nhà phố và biệt thự bán ghi nhận lượt tìm kiếm tăng lần lượt 33%, 27% và 9%.

Trong khi đó, lượt tìm kiếm các loại hình bất động sản tại TP.HCM tuy không biến động mạnh như Hà Nội nhưng cũng ghi nhận mức tăng khá cao. Cụ thể, lượt tìm kiếm các loại đất bán tăng 45%, lượt tìm kiếm nhà riêng tăng 34%, lượt tìm kiếm chung cư, biệt thự và nhà phố tăng lần lượt 33%, 25% và 22%.

Cùng với sự gia tăng nhu cầu, thị trường Hà Nội cũng ghi nhận sự bứt tốc về giá vượt trội hơn so với TP.HCM. Theo đó, tại TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2024, ngoại trừ loại hình chung cư ghi nhận giá bán tăng 6% so với cùng kỳ, các loại hình còn lại không có biến động đáng kể. Trong khi đó tại Hà Nội, giá chung cư tăng vọt 31%.

Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc đầu tư DKRA Group, cho rằng các bộ luật sắp có hiệu lực sẽ làm hạ nhiệt chi phí đầu vào cho các dự án đầu tư bất động sản.Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc đầu tư DKRA Group, cho rằng các bộ luật sắp có hiệu lực sẽ làm hạ nhiệt chi phí đầu vào cho các dự án đầu tư bất động sản.

Dù số liệu thị trường đang khá tích cực song theo quan sát của ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc đầu tư DKRA Group, cầu thị trường có tăng song vẫn chưa đáng kể, chỉ bằng 15-20% giai đoạn năm 2019.

“Số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố 6 tháng đầu năm nay cho thấy tổng lượng tiền gửi là trên 13,6 triệu tỷ đồng, bất chấp lãi suất ở mức rất thấp. Tâm lý phòng thủ này đã khiến cho thanh khoản của thị trường bất động sản dù có tăng nhưng còn hạn chế”, ông Thắng nhận định.

NGUỒN CUNG SẼ BỨT TỐC

Tuy nhiên, đại diện DKRA Group cho rằng tình hình có thể sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm khi bộ ba luật cùng có hiệu lực vào ngày 1/8/2024.

“Nếu các bộ luật mới đẩy nhanh việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý thì chi phí tài chính sẽ giảm, từ đó làm “hạ nhiệt” chi phí đầu vào của dự án. Khi các dự án được tháo gỡ đồng loạt, tâm lý nhà đầu tư được giải tỏa, lượng tiền chắc chắn sẽ đổ vào bất động sản”, ông Thắng nhìn nhận.

Không chỉ giải tỏa từ phía cầu, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng thị trường bất động sản còn được giải tỏa ở cả phía cung. “Cùng với 7 nghị định hướng dẫn thi hành sắp được ban hành, hành lang pháp lý mới sẽ tạo ra những thay đổi lớn cho hoạt động đầu tư công nói chung và đầu tư tư nhân nói riêng”, ông Nghĩa khẳng định.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 6 tháng đầu năm, giải ngân đầu tư công mới đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với cùng kỳ năm ngoái (30,49%). Trong khi đó, đầu tư tư nhân cũng không khả quan khi có tới 60% doanh nghiệp vẫn lo ngại tình hình kinh doanh các tháng tới không có cải thiện thậm chí xấu hơn.

Lý giải về sự “thắt chặt” đột ngột của đầu tư công cũng như đầu tư tư nhân những tháng đầu năm, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết tâm lý “bám đất, không chịu di dời” của người dân ở nhiều dự án đã khiến nhiều dự án ách tắc, không thể triển khai do không được bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.

“Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chờ đợi giá đền bù theo luật mới. Do vậy, khi luật đi vào cuộc sống, đầu tư công và đầu tư tư nhân sẽ bứt tốc. Thị trường cung bất động sản sẽ sôi động trở lại ”, ông Nghĩa cho biết.

Không chỉ vậy, theo vị chuyên gia, với những điểm mới liên quan tới giá tính thuế đất, đấu thầu… những dự án bất động sản bị ách tắc nhiều năm nay cũng sẽ trở lại “đường đua”. Do vậy, tình trạng thiếu cung, đặc biệt là phân khúc chung cư, trong những năm gần đây sẽ được giải quyết nhanh chóng.