CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Những rào cản nào đang tác động xấu đến ‘sức khỏe’ ngành sản xuất nội địa?

Invest Global 08:47 02/07/2025

"Đau đầu" với đống nợ, khó tiếp cận vốn vay, leo thang các cuộc xung đột, căng thẳng thương mại, nhu cầu suy yếu, mắc kẹt trong “bẫy thu nhập trung bình”... được ví như những rào cản tác động xấu đến “sức khỏe” ngành sản xuất nội địa. Và một trong những con đường để thoát rào cản, tiến lên phía trước là cần có bước chuyển mang tính chiến lược.

Một đại diện ở ngành hàng cung ứng trong khu công nghiệp tại Tp.HCM và các tỉnh thành phía Nam nói rằng qua tiếp xúc với các DN vừa và nhỏ thì thấy vấn đề mà họ hay mắc phải là không nắm rõ được các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với họ.

Khó chồng khó

Ngoài ra, như băn khoăn của vị đại diện này, các DN vừa và nhỏ gặp khó khăn thường có điểm tín dụng CIC (chỉ số đánh giá độ uy tín, khả năng trả nợ của khách hàng thông qua lịch sử vay vốn tại ngân hàng) kém. 

-4891-1751363818.png

Trước nhiều rào cản như hiện tại đang cần các nhà sản xuất trong nước có bước chuyển chiến lược để tiến lên phía trước.

Chẳng hạn, các DN đã nằm ở nhóm 2, 3, 4, 5 (thường được sử dụng để phân loại mức độ rủi ro của các khoản vay hoặc nợ) và đang “đau đầu” trong đống nợ từ ngân hàng. Điều đó dẫn tới tình trạng khi họ muốn mở hạn mức tín dụng về L/C hay về xuất khẩu (XK), hoặc có đối tác nước ngoài muốn phía DN cung ứng nhiều hơn nữa, thế nhưng đến lúc DN đi vay để phục vụ cho XK lại rất khó khăn.

“Với những DN mới gia nhập thị trường khi gặp nhiều khó khăn có thể sẽ chết liền. Còn với những DN đã tồn tại 10 - 20 năm, đã đầu tư cho sản xuất, cho máy móc thiết bị ngày càng nhiều, mượn nợ thêm nhiều, cho nên lúc “sóng gió” đến thì khả năng thanh toán nợ chắc chắn sẽ có vấn đề. Và khi có vấn đề, các DN lại mượn tiền ngoài, mượn tiền trong, mượn đủ nơi để bù đắp, rồi sau đó lại muốn giải thoát khỏi những khoản vay bằng cách bán tài sản, nhưng tới hiện tại việc bán tài sản cũng không phải dễ”, vị đại diện này nói.

Thậm chí, theo vị đại diện ở ngành hàng cung ứng trong khu công nghiệp, kể cả như phía DN bán khách sạn, resort hay bán cả nhà máy cũng không có ai mua. Điển hình là có nhà máy may với diện tích đất khoảng 1ha đã kêu bán mức giá vài trăm tỷ đồng nhưng đến bây giờ vẫn không bán được và phải “giãy giụa” trong đống nợ nần đó.

Bên cạnh than phiền nêu trên, không ít DN sản xuất cũng tiếp tục phản ánh vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay từ ngân hàng. Thậm chí phía nhân viên có thái độ gây khó dễ cho phía DN khi làm thủ tục chuyển đổi các khoản vay.

Rõ ràng đây là một rào cản lớn đang tác động tiêu cực đến ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước. Như trong báo cáo từ S&P Global đưa ra hôm 1/7 cho thấy chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index™ (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã giảm xuống mức 48,9 điểm trong tháng 6/2025 so với 49,8 của tháng 5/2025.

Đây cũng là tháng thứ ba liên tiếp PMI nằm dưới ngưỡng 50 điểm báo hiệu sự suy giảm vào thời điểm hết nửa đầu năm 2025. Theo đó, các nhà sản xuất Việt Nam tiếp tục đối mặt với tình trạng nhu cầu yếu kém trong tháng 6/2025, đặc biệt là lĩnh vực XK. Và một trong những nguyên nhân là chính sách thuế quan của Mỹ đã khiến số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài giảm mạnh.

Bên cạnh đó, các cuộc xung đột leo thang đã phần nào tác động đến hoạt động sản xuất và XK của Việt Nam. Điển hình là tại khu vực Trung Đông, khi xung đột vũ trang giữa Israel và Iran bùng phát từ giữa tháng 6/2025 và nhanh chóng lan rộng, thị trường này cũng trở thành phép thử khắc nghiệt đối với năng lực thích ứng của các DN xuất khẩu của Việt Nam.

Một nhà phân tích thuộc Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản (Vasep) nhận định cuộc xung đột ở Trung Đông khiến cho chuỗi cung ứng xáo trộn. Căng thẳng leo thang khiến DN e ngại rủi ro giao nhận và thanh toán.

Không chỉ vậy, theo nhà phân tích của Vasep, tác động từ cuộc xung đột làm cho chi phí đầu vào tăng, biên lợi nhuận co hẹp. Giá dầu và nhiên liệu tăng mạnh, kéo theo chi phí bao bì, cấp đông, bảo quản và vận hành nhà máy tăng theo. Với các sản phẩm đông lạnh – vốn chiếm tỷ trọng lớn – áp lực chi phí càng lớn. DN nhỏ, năng lực tài chính hạn chế gặp khó trong việc duy trì đơn hàng dài hạn.

Trông chờ bước chuyển chiến lược

Tuy thế, cũng theo nhà phân tích của Vasep, trong rủi ro luôn tiềm ẩn cơ hội. Nếu xử lý linh hoạt, xung đột tại Trung Đông sẽ không chỉ là phép thử mà còn là cú hích để ngành thủy sản Việt Nam cơ cấu lại thị trường và chuỗi cung ứng. Chẳng hạn, thay vì tập trung vào Israel hoặc UAE, phía DN nên tiếp cận các thị trường Hồi giáo mới nổi như Jordan, Libya, Pakistan, cũng như đẩy mạnh XK vào EU, Nhật Bản, ASEAN – nơi có hiệp định thương mại ưu đãi và nhu cầu phục hồi.

Và trước bối cảnh xung đột Trung Đông leo thang, các DN thủy sản mong các chính sách hỗ trợ của cơ quan chức năng được kịp thời. DN cũng đề xuất được tiếp cận tín dụng ưu đãi. 

Ngoài các vấn đề như thế thì triển vọng hoạt động xuất nhập khẩu sắp tới dự kiến còn nhiều thách thức. Tổng số lượng đơn đặt hàng mới giảm, đặc biệt là đơn hàng XK, do ảnh hưởng từ các chính sách thuế quan và nhu cầu thị trường yếu. Điều này đang tác động tiêu cực đến ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, những nỗ lực của chính phủ trong đàm phán với Mỹ và đa hóa thị trường XK được kỳ vọng sẽ làm dịu đi áp lực từ căng thẳng thương mại.

Không chỉ có vậy, việc mắc kẹt trong “bẫy thu nhập trung bình” cũng đang tác động xấu đến ngành sản xuất Việt. Theo Ts. Phan Hoàng Điệp, chuyên gia về phát triển thông minh và bền vững thuộc Đại học RMIT, các mô hình kinh tế dựa vào lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên hoặc sản xuất gia công giá thấp sớm muộn cũng sẽ mất đà khi chi phí tăng lên. 

“Nếu không đầu tư đủ mạnh vào đổi mới và các ngành công nghiệp tri thức, tăng trưởng sẽ chậm lại. Việc không thể tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao hơn sẽ trở thành rào cản cho sự phát triển”, ông Điệp nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, một trở ngại lớn khác chính là chất lượng nguồn nhân lực. Tuy mức độ tiếp cận giáo dục đã nâng lên đáng kể, thế nhưng kỹ năng thực tế lại chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế số. 

Và để bứt phá, Ts. Điệp cho rằng cần ưu tiên chiến lược dài hạn dựa trên những trụ cột mang tính chuyển đổi, đặc biệt là chuyên môn hóa công nghệ có mục tiêu. Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, Việt Nam phải tập trung vào một đến hai lĩnh vực công nghệ chiến lược có tiềm năng cạnh tranh toàn cầu.

Có nhìn vào một số rào cản như vậy để thấy còn nhiều việc phải làm, phải khắc phục để không tác động xấu đến “sức khỏe” ngành sản xuất nội địa. Và một trong những con đường để thoát rào cản, tiến lên phía trước là cần những bước chuyển mang tính chiến lược từ phía DN và các cơ quan quản lý, tổ chức có liên quan.

                                                                                         Thế Vinh

Ý kiến chuyên gia