CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Thị trường chứng khoán từ đáy đầu tháng 4 đã phục hồi rất tốt, VN-Index tăng gần 30% để chinh phục lại vùng giá cao nhất 3 năm. Đồng thời, thanh khoản thị trường chứng khoán cải thiện mạnh, tần suất phiên giao dịch trên 20.000 tỷ đồng ngày càng nhiều. Đặc biệt, trong các phiên giao dịch gần đây, thanh khoản lên đến 28.000 – 33.000 tỷ đồng.

Tại Hội thảo VPBankS talk #5 với chủ đề “Đầu tư thông minh cùng IA”, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Thị trường Chứng khoán VPBankS đánh giá trong năm 2024, thị trường chứng khoán Mỹ rất hấp dẫn, được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu công nghệ “Magnificent Seven”.
Tuy nhiên, đầu năm 2025, các mô hình AI với chi phí thấp như DeepSeek xuất hiện, khiến nhà đầu tư đặt câu hỏi về tiềm năng tăng trưởng của Nvidia nói riêng và cổ phiếu công nghệ nói chung. Ngoài ra, chính sách thuế quan của ông Donald Trump đã làm cho nhiều nhà đầu tư toàn cầu giảm bớt niềm tin vào thị trường chứng khoán, tài sản của Mỹ. USD đã giảm rất sâu, kéo theo tài sản bằng USD kém hấp dẫn hơn.
Trong bối cảnh đó, tương tự như nhiều thị trường mới nổi, chứng khoán Việt Nam có sự tăng trưởng tốt so với chứng khoán Mỹ. TTCK Việt Nam đã vượt qua sóng giảm đầu tháng 4 rất nhanh và vượt đỉnh. Điều này giúp niềm tin nhà đầu tư đã quay trở lại thể hiện qua dữ liệu thanh khoản và số lượng tài khoản mở mới tăng cao.
Cụ thể, cuối năm ngoái đến đầu năm nay thanh khoản thị trường rất thấp nhưng kể từ sau tháng 4 thanh khoản bắt đầu tăng và tăng lên rất nhanh. Đồng thời, số liệu của VSDC cho thấy số lượng tài khoản mở mới lên rất cao, giúp tổng số lượng tài khoản chứng khoán vượt con số 10 triệu đơn vị.
VN-Index có thể đạt 1.500 – 1.550 điểm vào cuối nămÔng Sơn cho rằng có rất nhiều động lực cho đà tăng của TTCK thời gian tới. Thứ nhất, tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay dự kiến sẽ đồng pha với chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng.
Thứ hai, định giá TTCK Việt Nam vẫn hấp dẫn trong trung và dài hạn. Mức P/E hiện tại của VN-Index đang ở mức 13,9x lần đang thấp hơn mức PE trung vị 10 năm gần đây ở mức 16,6 lần.

Thứ ba, cuối 2025 đến đầu 2026, thị trường có thể chứng kiến sự bứt phá của thị trường IPO. Các deal IPO mới mở ra giá trị lên tới 47,5 tỷ USD như F88, VPS, TCBS…
Ông Sơn nhấn mạnh nhìn lại giai đoạn 2016 – 2017, câu chuyện IPO, thoái vốn nhà nước đã tạo động lực cho thị trường tăng rất mạnh.
Cuối cùng, động lực quan trọng nhất là nâng hạng thị trường. Hiện tại Việt Nam đã đáp ứng 7/9 tiêu chí trọng yếu, triển khai NPF vào tháng 9/2024 và KRX chính thức hoạt động trong tháng 5/2025, đơn giản hóa quy trình đăng ký tài khoản mới đối với nhà đầu tư nước ngoài…
VPBankS đưa ra kịch bản 70% thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng vào tháng 9/2025 và 30% vào tháng 3 năm sau do các vấn đề liên quan đến chênh lệch về thời gian thanh toán và thời gian phân phối chứng khoán trên KRX cũng như số lượng giao dịch lỗi ít, FTSE cần thêm thời gian để đánh giá xử lý lỗi.
Nếu được nâng hạng, chuyên gia VPBankS tính toán dòng vốn thụ động và chủ động chảy vào Việt Nam ước khoảng 3 – 7 tỷ USD khi quyết định nâng hạng có hiệu lực. Diễn biến nhà đầu tư nước ngoài mua ròng từ đầu tháng 7 giống xu hướng các nhà đầu tư mua ròng trước, trong và sau nâng hạng ở nhiều thị trường khác. Việc giải ngân 3 – 7 tỷ USD trong một thời gian ngắn sẽ tạo ra một cú hích rất lớn cho thị trường.
Trong kịch bản tích cực, VPBankS dự báo thanh khoản thị trường có thể đạt bình quân 28.000 tỷ đồng năm nay nhờ câu chuyện nâng hạng, triển khai sản phẩm mới, giảm thời gian thanh toán xuống... Theo đó, xác suất cao VN-Index đạt mốc 1.500 – 1.550 điểm vào cuối năm nay.