CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Ninh Thuận sẽ có trung tâm sản xuất chip bán dẫn khi có nhà máy điện hạt nhân

Invest Global 09:38 21/01/2025

Ninh Thuận sẽ thành lập bốn trung tâm lớn, trong đó có trung tâm sản xuất chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) khi có nhà máy điện hạt nhân.

Tại hội nghị gặp mặt doanh nghiệp mới đây, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết tỉnh sẽ có bốn trung tâm lớn của cả nước khi có nhà máy điện hạt nhân.

Khẳng định vị thế về năng lượng sạch, năng lượng xanh

Cụ thể gồm: Trung tâm năng lượng sạch và năng lượng tái tạo cả nước; Trung tâm công nghiệp, dịch vụ liên vùng về năng lượng tái tạo; Trung tâm sản xuất chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) và Trung tâm dự liệu quốc gia, khu vực thế giới.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại hội nghị gặp mặt doanh nghiệp. Ảnh: PHAN BÌNH

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết theo thông báo 113 của Văn phòng Trung ương về kết quả chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Ninh Thuận, bốn trung tâm trên sẽ được thành lập tại Ninh Thuận sau khi có nhà máy điện hạt nhân.

"Ninh Thuận hiện có 57 dự án năng lượng tái tạo với công suất 3.700 MW, lớn nhất cả nước về năng lượng tái tạo. Cùng với điện hạt nhân là năng lượng sạch và năng lượng xanh, Ninh Thuận sẽ khẳng định vị thế về năng lượng sạch và năng lượng xanh.

Dự án nhà máy điện hạt nhân cũng đảm bảo cho việc ổn định hoạt động của các trung tâm trên. Đây là lợi thế của Ninh Thuận", ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, khẳng định.

Nghiên cứu các nhóm chính sách hỗ trợ người dân vùng dự án

Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc về các đề xuất của tỉnh Ninh Thuận tại buổi làm việc với Tổng Bí thư Tô Lâm.

Khu vực dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân 1 tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh. Ảnh: H.H

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận và các bộ ngành liên quan nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành các nhóm chính sách đặc thù hỗ trợ Ninh Thuận.

Cụ thể các nhóm chính sách chính gồm cơ chế tài chính – ngân sách, nâng mức dư nợ vay của ngân hàng chính sách để tỉnh có thêm dư địa tiếp cận nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nhà tài trợ nước ngoài tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu.

Thu hút đầu tư để phát triển năng lượng tái tạo bền vững tạo điều kiện thúc đẩy hình thành các trung tâm về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp, dịch vụ năng lượng, công nghiệp xanh – NetZero, đổi mới sáng tạo ứng dụng khoa học công nghệ năng lượng sạch tại Ninh Thuận, cơ sở dữ liệu quốc gia, khu vực thế giới.

Cuối cùng là các chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ người dân vùng dự án, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về việc hỗ trợ mức nguồn ngân sách Trung ương cao nhất theo quy định để đầu tư hạ tầng khu kết nối trọng điểm, động lực, liên vùng gồm dự án hạ tầng giao thông kết nối Cảng biển tổng hợp Cà Ná lên khu vực Nam Tây Nguyên, tuyến đường nối cao tốc Bắc – Nam và sân bay Thành Sơn đến vùng du lịch quốc gia Ninh Chữ, tuyến đường ven biển nối sân bay Cam Ranh với Ninh Thuận.

Khu vực dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân 2 tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải. Ảnh: H.H

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công thương phối hợp cùng Ninh Thuận và các cơ quan nghiên cứu, đề xuất giải quyết về cơ chế xử lý vướng mắc các dự án điện mặt trời, điện gió theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Trong đó, có các dự án tại Ninh Thuận để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng giao tỉnh Ninh Thuận phối hợp cùng Bộ KH&ĐT nghiên cứu việc điều chỉnh quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, tỉnh chủ động khảo sát, lấy ý kiến, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trong vùng dự án, tăng cường tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của nhân dân khi dự án được triển khai.

Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện dự án nhà máy điện hạt nhân tỉnhUBND tỉnh Ninh Thuận vừa có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện dự án nhà máy điện hạt nhân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Ban Chỉ đạo do ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh, làm Trưởng ban. Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, làm Phó Trưởng ban thường trực và giám đốc Sở Công thương làm Phó Trưởng ban.

Thành viên Ban chỉ đạo gồm lãnh đạo các ban Tuyên giáo, Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự và sở ngành, địa phương.

Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo do ông Trịnh Minh Hoàng làm Tổ trưởng.

Việc thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc tỉnh nhằm giúp chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo và phối hợp giải quyết những công việc liên ngành, liên quan đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nhà máy điện hạt nhân thuộc chức năng, nhiệm vụ của tỉnh do Trung ương giao và phân công.

Đồng thời, là đầu mối phối hợp với các cơ quan Trung ương trong việc triển khai thực hiện các vấn đề liên quan đến dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến dự án và báo cáo định kỳ, đột xuất khi có yêu cầu.

Ban Chỉ đạo sẽ thay thế Ban Chỉ đạo tỉnh và các Tiểu Ban Chỉ đạo dự án Di dân, tái định cư của các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã thành lập trước đây.

(Theo Pháp Luật TP. HCM)