CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(TBTCO) - Thông tư quan trọng về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đã hết hiệu lực sau nhiều năm triển khai, khiến bức tranh nợ xấu ngành Ngân hàng không còn bị che mờ như thời gian qua. Giới phân tích cho rằng, ẩn số nợ tái cơ cấu vẫn sẽ là thách thức, có thể khiến nợ xấu tăng đột biến với ngân hàng có nợ tái cơ cấu cao song tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp.
Thời điểm cuối năm 2024, đầu năm 2025, các ngân hàng dồn dập rao bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ và giảm gánh nặng nợ xấu, trong đó có nhiều tài sản có giá trị hàng ngàn tỷ đồng.
Cuối tháng 12/2024, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) tiếp tục thông báo bán đấu giá toàn bộ 474 quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại địa chỉ: Tổ 1, phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum cấp cho Công ty cổ phần tập đoàn FLC. Tài sản đấu giá thuộc dự án tổ hợp thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí và nhà phố, với diện tích sử dụng đất 179.677,8m2 có tổng giá khởi điểm hơn 847 tỷ đồng. Tài sản này đã được NCB rao bán nhiều lần, giá khởi điểm hạ sâu 20% so với lần đăng tháng 10/2024, tương ứng giảm gần 200 tỷ đồng xong vẫn không thành.
Nợ xấu tăng nhiều quý liên tiếp
NCB cũng đang đấu giá quyền sử dụng đất thuộc thửa đất số 608, tờ bản đồ số 2 tại xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, với diện tích sử dụng đất 51.574,9 m2 có tổng giá khởi điểm hơn 150 tỷ đồng. Hiện VietinBank Châu Đốc đang bán tài sản nhiều bất động sản, nhà máy của Công ty TNHH MTV Việt Thắng Fish, với giá khởi điểm gần 80 tỷ đồng. Tương tự NCB, VietinBank, nhiều ngân hàng khác cũng đang mắc kẹt với nhiều khoản nợ, dù hạ giá tài sản phát mại song vẫn khó bán.
Thống kê của TBTCVN cho thấy, tính đến cuối quý III/2024, nợ xấu của các ngân hàng niêm yết ở mức 253.479 tỷ đồng, tăng 28,5% so với cuối năm 2023. Trong đó, NCB có tỷ lệ nợ xấu cao nhất hệ thống, lên tới 30% tổng dư nợ cho vay, tương ứng nợ xấu gần 20 nghìn tỷ đồng. Việc trích lập dự phòng, thoái lãi dự thu và chi phí vốn của các khoản tồn tại cũ theo lộ trình tại phương án cơ cấu lại cũng là lý do khiến lợi nhuận năm 2024 ghi nhận mức âm. Một số ngân hàng khác ghi nhận tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ ở mức cao trên mức 4% như: VPBank (4,81%) tương ứng nợ xấu trên 30 nghìn tỷ đồng; OCB (4,14%) hơn 6,5 nghìn tỷ đồng...
Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) ước tính tỷ lệ nợ xấu vào cuối năm 2024 sẽ không thấp hơn con số ghi nhận cuối quý III/2024. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục tăng chủ yếu do sự phục hồi chậm chạp của các ngành xây dựng, nông nghiệp, dầu khí và doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng với tác động của cơn bão Yagi đã gây thách thức cho cả doanh nghiệp và cá nhân trong nỗ lực phục hồi sản xuất và kinh doanh. Trước đó, tỷ lệ nợ xấu tăng trong quý thứ 3 liên tiếp, đạt 2,25% trong quý III/2024 và tăng 32 điểm cơ bản so với cuối năm 2023.
Trong khi đó, bộ đệm dự phòng nợ xấu đang mỏng dần với tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng niêm yết là 83,5% vào cuối quý III/2024, tăng 1,5 điểm cơ bản theo quý nhưng giảm 13,2% so với cuối năm 2023 và giảm đáng kể so với mức đỉnh 141,5% vào cuối năm 2021. Bộ đệm dự phòng của các ngân hàng niêm yết vẫn còn yếu, thậm chí còn thấp hơn so với mức trước Covid-19 (cuối năm 2019 ở mức 85,4%).
Ngân hàng "nhọc nhằn" thu hồi nợ
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2024, cả nước có hơn 157,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 1,8% về vốn đăng ký và giảm 5,4% về số lao động so với năm trước. Điều này cho thấy khu vực doanh nghiệp phục hồi yếu. Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao hơn cùng kỳ, với số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 100,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 12,4%; gần 76,2 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 16,3%; hơn 21,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 20%.
Sức khỏe tài chính nhiều doanh nghiệp suy giảm kéo theo áp lực nợ xấu
Năm nay, nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn dù con số tăng trưởng tuyệt vời, song sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp còn yếu và không đáp ứng tiêu chí, điều kiện để vay vốn ngân hàng. Khi số lượng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa phá sản, ngưng hoạt động tăng mạnh so với năm 2023 có thể kéo nợ xấu tăng. TS. Nguyễn Trí Hiếu
Còn theo chuyên gia - TS. Nguyễn Trí Hiếu, khoản tiền các ngân hàng cho vay nhưng không trở lại ngân hàng, song họ vẫn phải trả tiền cho người dân khi đến hạn, do đó, ngân hàng phải huy động vốn mới để trả vốn cũ bị đọng trong nợ xấu và góp phần đẩy lãi suất huy động tăng cuối năm.
Lý giải nguyên nhân khiến nhiều tài sản, đặc biệt là bất động sản phát mại giá rẻ nhưng không dễ bán, so sánh với kinh nghiệm quốc tế, theo ông Hiếu, tại Mỹ, ngân hàng không được phép tự thẩm định giá bất động sản thương mại, còn tại Việt Nam, hầu hết tất cả các ngân hàng đều tự thẩm định tài sản bảo đảm, kể cả những bất động sản thương mại gây nên nhiều sai sót. Nhiều trường hợp thẩm định tài sản bảo đảm vượt xa giá trị thực tế để vay vốn nên xử lý tài sản gặp khó. Vấn đề mua bán tài sản, mua bán nợ tại Việt Nam thường diễn ra giữa các ngân hàng với nhau, còn mua bán với các tổ chức, đơn vị bên ngoài thường gặp khó.
Cùng với đó, phần nợ tái cơ cấu liệu có phải là nợ xấu "ẩn" sau khi Thông tư 06/2024/TT-NHNN ngày 18/6/2024 (gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023) về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn hết hiệu lực vào ngày 31/12/2024 vẫn là một ẩn số.
Từ năm 2020 đến nay, các chính sách tương tự đã được ban hành và sửa đổi tới 6 lần, được coi là một biện pháp trì hoãn thời hạn trả nợ cũng như ghi nhận nợ xấu các khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc triển khai các chính sách giúp khách vay ngân hàng không bị mắc nợ xấu và dễ dàng tiếp cận vốn vay mới để sản xuất kinh doanh phục hồi sau đại dịch và bão Yagi. Mặt khác, ngân hàng cũng không bị suy giảm chất lượng tài sản, tháo gỡ phần nào khó khăn trong công tác xử lý nợ xấu.
Nợ xấu có thể tăng đột biến tại các ngân hàng có chất lượng tài sản thấp
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại Thương (VCBS), tỷ lệ nợ gốc tái cơ cấu theo thông tư kể trên tương đối thấp, ước tính dưới mức 0,5%, tỷ lệ nợ tái cơ cấu chuyển thành nợ xấu cũng ở mức thấp. Cùng với đó, các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi bão Yagi ghi nhận khoảng 192.000 tỷ đồng, chiếm hơn 1% dư nợ toàn hệ thống.
Nhóm phân tích từ VCBS kỳ vọng, tỷ lệ nợ xấu giảm dần năm 2025 nhờ tỷ lệ nợ xấu tiềm tàng là nợ nhóm 2, nợ tái cơ cấu hạ thấp dần, giúp giảm áp lực chuyển nhóm nợ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các khoản nợ tái cơ cấu trong giai đoạn thử thách ở nhóm 2 và nhóm 3 sẽ chuyển về nhóm nợ thông thường từ quý II/2025 khi dòng tiền và hoạt động kinh doanh của khách hàng phục hồi.
Tuy nhiên, nợ xấu có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng. Theo đó, nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu kiểm soát ở mức vừa phải. Trong khi đó, áp lực nợ xấu vẫn hiện hữu với một số ngân hàng có tập khách hàng tái cơ cấu chưa thể phục hồi khi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN không được gia hạn và rủi ro nợ kéo theo trên Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), đặc biệt với các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng có lượng trái phiếu sắp đến hạn lớn. Nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ tái cơ cấu cao, tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể sẽ phải đối mặt với áp lực trích lập tăng cao trong quý IV/2024 - 2025.