CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Phát triển công nghiệp xanh và nỗ lực ‘kéo’ nhà đầu tư ngoại

Invest Global 09:56 19/09/2024

Phát triển công nghiệp xanh không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là "chìa khóa" giúp Việt Nam nâng cao sức hút trong mắt các nhà đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, những rào cản về khung pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu lộ trình cụ thể và động lực tài chính đang khiến cơ hội lớn này bị chậm lại. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc tháo gỡ những nút thắt này là cấp bách để Việt Nam sớm trở thành điểm đến hấp dẫn cho các dòng vốn đầu tư xanh.

Theo một khảo sát của KPMG với sự tham gia của 200 doanh nghiệp FDI, bên cạnh các yếu tố vị trí, nguồn lao động hay hạ tầng logistics, các khu công nghiệp đáp ứng tiêu chí xanh đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của các công ty FDI khi chọn địa điểm đầu tư tại Việt Nam.

Sự chuyển mình tất yếu

ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) đang là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp toàn cầu. Những yếu tố này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững mà còn phản ánh cam kết trách nhiệm xã hội, giúp doanh nghiệp xây dựng hình ảnh tích cực, nâng cao uy tín.

Các quy định pháp lý ngày càng chặt chẽ về bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội buộc doanh nghiệp phải tuân thủ để tránh rủi ro pháp lý và các khoản phạt. Ví dụ, trong Báo cáo Tính Bền vững Doanh nghiệp (CSRD), Liên minh châu Âu - đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam đã yêu cầu khoảng 50.000 công ty đang hoạt động tại thị trường này phải công bố chi tiết các biện pháp bền vững.

-2682-1726651545.png

Việc thực hiện cam kết xanh hóa và phát triển bền vững trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp được thực hiện từ cấp độ doanh nghiệp sản xuất đến nhà đầu tư phát triển bất động sản công nghiệp.

EU cũng đã bắt đầu áp dụng chi phí phát thải carbon đối với hàng hóa nhập khẩu vào năm 2023. Trong đó bao gồm các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng, tài nguyên và nguy cơ gây ô nhiễm cao như xi măng, thép, nhôm, nhà máy lọc dầu, giấy, thủy tinh, hóa chất, phân bón… và dự kiến tương lai sẽ mở rộng quy định này cho nhiều ngành khác.

Theo “làn sóng” ESG, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, các chủ đầu tư khu công nghiệp toàn cầu ngày càng chú trọng đến các yếu tố phát triển bền vững. Việt Nam không nằm ngoài “cuộc đua”, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, với mục tiêu thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các “đại bàng” với chuỗi cung ứng và mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh lớn, ảnh hưởng sâu rộng toàn cầu.

Dựa trên dữ liệu sơ cấp trong quá trình làm việc với khách hàng, ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao, Bộ phận Bất động sản Công nghiệp, Savills Hà Nội cho biết, khoảng 80 - 85% các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều có yêu cầu cao về các tiêu chuẩn ESG khi lựa chọn địa điểm thuê nhà máy, ưu tiên yếu tố bền vững.

“Để có thể cạnh tranh hiệu quả với các thị trường lân cận như Thái Lan, Philippines, và Indonesia, nơi đã phát triển thành công nhiều dự án khu công nghiệp xanh, Việt Nam cần đáp ứng nhu cầu này. Điều này sẽ giúp tăng cường sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và nâng cao vị thế của chúng ta trên thị trường toàn cầu”, ông Thomas Rooney nói.

Theo Savills, hiện nay, có 4 trên tổng số khoảng hơn 400 khu công nghiệp tại Việt Nam là khu công nghiệp sinh thái. Số lượng còn hạn chế nhưng nhu cầu với loại hình bất động sản này trên đà tăng trưởng cho thấy việc phát triển các khu công nghiệp xanh hiện đang ở thời kì đầu và là câu chuyện dài hạn.

Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Bộ Xây dựng và Tổ chức tài chính IFC, 55% dự án xây dựng xanh ở Việt Nam đến từ ngành công nghiệp. Dữ liệu về các dự án đạt chứng nhận LEED trong năm 2023 cũng cho thấy rằng hơn 70% dự án đạt chứng nhận thuộc nhóm công trình công nghiệp gồm nhà máy và nhà kho. Đồng thời, 38% các dự án đạt chứng nhận EDGE trong năm trước cũng thuộc ngành công nghiệp.

Còn nhiều thách thức

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các khu công nghiệp xanh có lợi thế hơn so với khu công nghiệp truyền thống nhờ được ưu tiên hỗ trợ về công nghệ, xuất khẩu, thương hiệu, chuỗi giá trị và vay ưu đãi theo Nghị định 35/2022/NĐ-CP.

Dữ liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2030, khoảng 40 - 50% các tỉnh thành trong cả nước sẽ có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu thành khu công nghiệp sinh thái. 8 - 10% các tỉnh thành sẽ có định hướng xây dựng các khu công nghiệp sinh thái mới.

Trong một bức tranh đầy triển vọng, vẫn cần nhìn thẳng vào một thực tế rằng còn tồn tại nhiều khó khăn trong quá trình triển khai chuyển đổi, phát triển các khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam.

Trong báo cáo mới nhất có tên "Đẩy nhanh tiến trình xanh hóa nền công nghiệp Việt Nam", JLL đã chỉ ra những rào cản khi triển khai mô hình khu công nghiệp sinh thái trên diện rộng, dựa trên các dự án thí điểm. Với dự án khu công nghiệp sinh thái Amata City Biên Hòa, các khó khăn gồm: áp dụng thực tế gặp vướng mắc dù đã có quy định rõ ràng về tiêu chí, thiếu cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong việc sử dụng công nghệ xanh và tuần hoàn, xử lý nước thải và sử dụng trong tưới cây còn gặp nhiều bất cập, quy định về tái sử dụng nước chưa được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể, và chưa có khung giá nước tái chế rõ ràng để làm cơ sở tính toán.

Tại khu công nghiệp sinh thái Đình Vũ (Deep C) Hải Phòng, khó khăn tập trung vào việc chưa có giấy phép để doanh nghiệp tái sử dụng hoặc thương mại hóa nước thải đã xử lý, thiếu hướng dẫn và quy trình cụ thể cho việc cấp phép, làm chậm tiến độ và gây khó khăn trong thu hút các doanh nghiệp tham gia.

-5063-1726639665.png

JLL tổng kết những khó khăn thách thức trong đưa mô hình khu công nghiệp sinh thái vào thực tế trên diện rộng.

Theo ông Thomas Rooney, chi phí xây dựng khu công nghiệp xanh thường cao hơn khoảng 30% so với các khu công nghiệp truyền thống. Vì vậy, cần có thêm các chính sách ưu đãi và hỗ trợ tín dụng cho nhà đầu tư nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí ban đầu.

Các chuyên gia từ JLL nhận định, nền kinh tế sản xuất của Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt quan trọng. Hướng đến phát triển bền vững không chỉ là việc tuân thủ quy định mà còn là một chiến lược mang lại lợi thế cạnh tranh và tăng trưởng dài hạn. Để đạt được mục tiêu phát triển xanh, việc xây dựng một lộ trình cụ thể và khung pháp lý rõ ràng là điều không thể trì hoãn.

Việc này đòi hỏi phải nhanh chóng phát triển một kế hoạch chi tiết, hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế như UNIDO và Chính phủ Thụy Sĩ để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Chính phủ cần sớm thiết lập các quy định về cơ chế trao đổi tín dụng carbon, đấu giá, và chuyển nhượng các định mức khí thải nhà kính.

Cùng với đó, cần thúc đẩy thị trường tài chính xanh để giúp các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận nguồn vốn xanh. Các nhà phát triển dự án cần tích hợp yếu tố bền vững vào mọi hoạt động để đáp ứng yêu cầu phát triển khi Việt Nam hướng tới mục tiêu trung hòa carbon. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển bền vững và các sáng kiến giảm phát thải, khuyến khích tất cả các bên liên quan chú trọng đến các yếu tố bền vững trong mọi hoạt động.

Đỗ Kiều

Môi trường kinh doanh