CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

PMI của Việt Nam tháng 10 kết thúc thời kỳ tăng kéo dài 46 tháng

Invest Global 10:01 04/11/2019

Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (Purchasing Managers’ Index - PMI) ngành sản xuất Việt Nam có kết quả tương đương ngưỡng trung bình 50 điểm trong tháng 10, giảm so với mức 50.5 điểm trong tháng 9, từ đó kết thúc thời kỳ tăng kéo dài 46 tháng.

Sự yếu kém trong tháng 10 chủ yếu tập trung ở các công ty sản xuất hàng hóa trung gian.

Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng nhưng với tốc độ nhỏ, sau khi chậm lại tháng thứ ba liên tiếp thành mức yếu nhất trong thời kỳ tăng gần đây bắt đầu vào tháng 12/2015. Khách hàng muốn giảm quy mô đơn hàng.

Tình trạng tương tự diễn ra với số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới khi tốc độ tăng chậm lại thành mức độ nhỏ.

Những dấu hiệu của nhu cầu yếu đã khiến các nhà sản xuất giảm sản lượng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 10. Tuy nhiên, tốc độ giảm nhẹ và hầu như ngang bằng với tháng 9.

PMI của Việt Nam tháng 10 kết thúc thời kỳ tăng kéo dài 46 tháng (Ảnh Internet)

Các công ty đã giảm số lượng việc làm tháng thứ hai liên tiếp. Mặc dù chỉ ở mức khiêm tốn, tốc độ giảm việc làm là cao nhất kể từ tháng 3/2015. Công suất hoạt động giảm đã khiến lượng công việc tồn đọng tăng lần thứ tư trong 5 tháng qua.

Hoạt động mua hàng không thay đổi trong tháng 10, từ đó kết thúc thời kỳ tăng kéo dài 46 tháng. Một số thành viên nhóm khảo sát tăng hoạt động mua hàng phù hợp với mức tăng của số lượng đơn đặt hàng mới, nhưng những thành viên khác lại giảm mua hàng hóa đầu vào vì yêu cầu về sản lượng giảm.

Đã có một số báo cáo về những vấn đề với nguồn cung nguyên vật liệu trong tháng 10, dẫn đến giá cả đầu vào tăng và thời gian giao hàng của nhà cung cấp bị kéo dài.

Tốc độ tăng chi phí đầu vào tăng nhẹ thành mức cao của 5 tháng, nhưng vẫn dưới mức trung bình của lịch sử chỉ số. Để đáp lại mức tăng cao hơn của giá cả đầu vào, các công ty đã tăng giá đầu ra lần đầu tiên trong 11 tháng. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá đầu ra nhỏ vì nhu cầu khách hàng yếu đã hạn chế năng lực định giá.

Sản lượng giảm ảnh hưởng lên lượng hàng tồn kho trong tháng 10. Nhu cầu hàng hóa đầu vào giảm trong hoạt động sản xuất đã dẫn đến tăng tồn kho hàng mua. Trong khi đó, sản lượng giảm dẫn đến tồn kho thành phẩm giảm, sau khi đã tăng trong tháng 9. Hơn nữa, tốc độ giảm là nhanh nhất kể từ tháng 3/2016.

Công Trí