CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Rào kỹ thuật cản đường nông sản xuất ngoại

Invest Global 14:51 06/04/2021

Thời gian gần đây, các thị trường xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm, gây ra những khó khăn nhất định cho xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam. Làm thế nào để nông sản Việt Nam vượt qua các rào cản này, xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 40 tỷ USD trong năm nay?

Hơn 10 tỷ USD là kết quả từ hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 3 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp không thể vội chủ quan trước những biến động từ thị trường, đặc biệt là yêu cầu khắt khe từ một số thị trường xuất khẩu (XK) đang ngày càng gia tăng.

Thêm 'rào' thêm khó

Theo Bộ Công Thương, XK nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đang gặp phải một số khó khăn do nhu cầu của thị trường này sụt giảm sau các biến động kinh tế và tác động của dịch COVID-19. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang ngày càng tăng cường công tác thực thi pháp luật, các chính sách thương mại biên giới theo hướng chính quy, nền nếp trên cơ sở các quy định, chính sách đã ban hành với trọng tâm là tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định đối với hoạt động nhập khẩu nông thủy sản trên tuyến biên giới đất liền, thông qua các biện pháp như truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Xuất khẩu tôm sang Australia phải đáp ứng nhiều yêu cầu về truy xuất nguồn gốc. 

Bên cạnh đó, một số thị trường nhập khẩu cũng đã thay đổi quy định về chứng nhận an toàn thực phẩm nhập khẩu: Hàn Quốc yêu cầu các nhà xuất khẩu phải có chứng nhận chứng minh rằng các sản phẩm thủy sản không nhiễm virus div1, vius hồ cá rô, virus viêm gan tụy hoại tử, salmonid alphavirus và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Quy định này sẽ chính thức áp dụng từ ngày 1/8/2021.

Đối với Australia, sản phẩm tôm chưa nấu chín XK sang thị trường này phải được kiểm tra, phân hạng tại cơ sở chế biến được cơ quan thẩm quyền nước XK chứng nhận và kiểm soát; không có các dấu hiệu mắc bệnh; mỗi lô tôm sản xuất (sau chế biến) được lấy mẫu xét nghiệm âm tính đối với virus đốm trắng, đầu vàng...

Với EU, ngay sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, thị trường này đã có thêm nhiều thông báo liên quan đến các quy tắc đối với các cơ sở nuôi trồng và vận chuyển động vật thủy sản. Ngoài các quy định của chính quyền, thị trường EU còn đưa ra nhiều tiêu chuẩn, chứng nhận của các hiệp hội người tiêu dùng, tổ chức phi chính phủ, nhà bán lẻ mà doanh nghiệp (DN) mong muốn XK phải tuân thủ như tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm cho Hiệp hội bán lẻ Anh thiết lập (BRC), nuôi trồng thủy sản bền vững (ASC), thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP).

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group, rau quả Việt Nam đang có lợi thế tại thị trường EU nhưng Thái Lan cũng đang xúc tiến đàm phán để ký kết FTA với EU, dẫn tới sản phẩm của Việt Nam phải cạnh tranh với "đối thủ" này trên thị trường châu Âu.

CEO Vina T&T đánh giá: "Dù mặt hàng rau củ quả của Việt Nam tươi ngon nhưng chúng ta chưa khai thác được hết tiềm năng và qua mặt được các nước XK nông sản khác. Giống rau củ quả trong nước chưa có sự khác biệt nên ở thị trường XK, hàng Việt Nam chỉ tương đồng với hàng Thái Lan. Trong khi đó, những loại trái cây có chỉ dẫn địa lý như táo, cherry của Mỹ, kiwi của NewZealand đã làm được điều này. Trái kiwi mang lại hơn 3 tỷ USD cho New Zealand mỗi năm, bằng cả kim ngạch XK rau củ quả của Việt Nam".

Chưa kể, chất lượng hàng XK của Việt Nam vẫn cần được cải thiện. Từng có trường hợp nhiều lô hàng qua EU bị trả về tới 80-90%, thậm chí 100%. "Hơn nữa, việc cạnh tranh giá giữa DN trong nước đang đẩy chất lượng hàng Việt Nam xuống thấp. Dù giá có thấp nhưng chất lượng không bảo đảm, nguồn gốc không rõ ràng thì cũng không qua được cửa kiểm dịch", ông Tùng nhấn mạnh.

Thay đổi để thích ứng

Do vậy, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, tư duy của cơ quan quản lý, người sản xuất khi hội nhập thì phải chấp nhận "cuộc chơi" của thế giới, của khách hàng. Quyền quyết định, quy định về chất lượng là của đơn vị đặt hàng, họ có quyền đặt ra tiêu chuẩn. Không thể coi đó là cái khó mà đã là luật chơi thì cần cố gắng.

Rào cản kỹ thuật chủ yếu là truy xuất mã vùng, mã thửa. Tuy nhiên, theo ông Thủy, chúng ta quá yếu về vấn đề này. Điều này cần phải được nhanh chóng giải quyết. "Vấn đề mở thị trường, tìm thị trường, bạn hàng sau đó ổn định sản xuất, đáp ứng yêu cầu là nhiệm vụ trong thời gian tới. Chính chúng ta phải tổ chức sản xuất để đáp ứng yêu cầu của từng thị trường", ông Thủy nói.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, việc tham gia các FTA sẽ giúp nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam có lợi thế XK, nhưng chúng ta cũng phải cạnh tranh với hàng hóa của các nước, chấp nhận cuộc chơi khốc liệt, nếu như hàng rào thuế quan được gỡ bỏ thì sẽ có những hàng rào kỹ thuật, hàng rào phi thuế quan được dựng lên, thậm chí một số nước tiến tới con đường bảo hộ mậu dịch.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, nhiệm vụ của ngành nông nghiệp trong thời gian tới là phổ biến, hướng dẫn các quy định thị trường, rào cản kỹ thuật trong thương mại nông sản, định hướng XK nông lâm thủy sản tại các thị trường trọng điểm. Đồng thời, tiếp tục tổng hợp các thông báo và cảnh báo từ các đối tác thương mại và các nước thành viên WTO, phối hợp với các đơn vị liên quan trong mạng lưới phản hồi các góp ý đối với dự thảo biện pháp SPS (vệ sinh và kiểm dịch động -thực vật) mới của Việt Nam đã thông báo với WTO.

Để vượt qua rào cản kỹ thuật, các chuyên gia nông nghiệp cũng cho rằng cần đẩy mạnh hình thành chuỗi liên kết sản xuất từ giống, vật tư sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tới chế biến. Đặc biệt là xây dựng, quản lý chặt mã số vùng trồng theo công nghệ số hóa. Đây là những yêu cầu bắt buộc để vượt qua các rào cản kỹ thuật.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT)

Không phải bây giờ vấn đề hàng rào kỹ thuật với nông sản XK mới được đặt ra, trong bối cảnh dịch COVID-19, câu chuyện này càng được các thị trường XK siết chặt hơn. Đặc biệt, Việt Nam là một trong những nước có nhiều mặt hàng nông sản XK hàng đầu thế giới, vì vậy không tránh khỏi sự để ý của các nước nhập khẩu.

Ông Võ Quan Huy

Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An

Tất cả các nước đã xây dựng hàng rào kỹ thuật thời COVID-19, nên vấn đề truy xuất nguồn gốc xuất xứ với nông sản Việt Nam là cực kỳ quan trọng. Trung Quốc lâu nay vốn được đánh giá là thị trường dễ tính nhưng hiện đang ngày càng khắt khe, bước đầu đã yêu cầu mã số vùng trồng, cơ sở nhà máy đóng gói. Điều này đòi hỏi DN phải sản xuất bài bản, xây dựng các vùng liên kết sản xuất nông sản với bà con nông dân để quản lý được chất lượng sản phẩm.

TS. Đặng Kim Sơn

Chuyên gia nông nghiệp

Sau đại dịch COVID-19, nhiều nước đều nghĩ tới việc xây dựng, định hình lại cơ cấu kinh tế, chuỗi cung ứng, sản xuất để hạn chế phụ thuộc nhau, tránh bị tác động từ bên ngoài. Đây là lúc Việt Nam cần tính toán lại chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung nâng cao giá trị nông sản, hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất, đa dạng hóa nguồn cung, đánh giá đúng vai trò của thị trường trong nước, hạn chế lệ thuộc vào bên ngoài.

Lê Thúy 

Khung pháp lý