CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Đây là lần đầu tiên công nghệ tiếp cận đến các di sản văn hoá tại Việt Nam, thông qua giải pháp công nghệ vật lý số đầu tiên do ông Huy Nguyễn - đồng sáng lập Phygital Labs sáng chế.
Trong đó, các cổ vật sẽ được gắn chip NFC Nomion. Việc ứng dụng công nghệ nhằm tạo ra các phiên bản replica (sao chép nguyên bản) được định danh và được chính đơn vị quản lý chứng thực. Theo kế hoạch, chúng sẽ được bán cho khách du lịch dưới dạng quà lưu niệm để tăng thêm nguồn thu cho các đơn vị bảo tồn cổ vật.
Tiên phong ứng dụng này cũng đã được trưng bày tại Lễ khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cuối năm 2023. Trong đó, linh vật nghê Việt đã được đúc theo nguyên mẫu tại di tích Văn Miếu, gắn một chip tích hợp, dùng smartphone quét lên sản phẩm sẽ có đầy đủ thông tin về nguồn gốc, kích thước, hình ảnh 3D, huyền tích…
Công nghệ NFC Nomion không mới trên thế giới, và việc ứng dụng này đã giúp các quốc gia không chỉ tăng quảng bá hình ảnh, thu hút du lịch mà còn thu về hàng triệu USD từ di sản của mình.
Đơn cử, bảo tàng Hà Nam (Trung Quốc) đã sáng tạo ra một cách thức độc đáo để bán các bản sao của các hiện vật khảo cổ thông qua hộp mù (museum blind box). Bên trong các hộp mù là bản sao của các cổ vật như Chuông đồng thời nhà Chu, tượng ngọc bích có niên đại 2 thiên niên kỷ… Từ tháng 12/2020 đến tháng 11/2021, bảo tàng Hà Nam đã phát hành hơn 100 bộ museum blindbox khác nhau và thu được 4,7 triệu USD.
Bảo tàng này cũng đã kết hợp với Alipay tạo ra một trò chơi đặc biệt mang tên Alipay Mini Program. Người dùng có thể khai quật các hiện vật ảo trước khi mua một hộp mù thực tế. Cách tiếp cận sáng tạo này đã trở thành một hiện tượng, thu hút 6 triệu lượt truy cập trong tháng đầu tiên.
Hay ở Ấn Độ, Konouz là công ty được Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập ủy quyền sản xuất và kinh doanh quà tặng du lịch. Mỗi sản phẩm là bản sao chính xác từ các cổ vật, đi kèm với giấy chứng nhận từ Bộ Du lịch Ai Cập, giúp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và di sản văn hóa của Ai Cập.
Konouz đã sản xuất khoảng 6.400 sản phẩm trong giai đoạn vận hành thử nghiệm, bao gồm các hiện vật bằng gỗ, gốm, đá, kim loại và một số kho báu của vua Tutankhamun, đây là những mặt hàng được yêu cầu nhiều nhất (EgyptToday). Các sản phẩm của Konouz hiện đã có mặt tại nhiều điểm bán hàng chính thức như Bảo tàng Quốc gia về Văn minh Ai Cập, Bảo tàng Ai Cập ở Tahrir (EgyptToday).
Tại Việt Nam, Phygital Labs - startup công nghệ chỉ vừa được sáng lập năm ngoái, bởi 2 founder người Việt là Huy Nguyễn và Nam Đỗ. Đến nay, Phygital Labs đã sáng chế được giải pháp công nghệ lõi Nomion - định danh số ứng dụng trong nhiều ngành nghề từ thời trang, nông nghiệp đến bảo tồn văn hóa.
Trong đó, cái tên Huy Nguyễn không còn xa lạ trong làng công nghệ Việt Nam và khu vực. Ông được biết đến là Quản lý cấp cao trẻ nhất của Google, người Việt đưa Internet đi khắp thế giới.
Vượt qua 20 vòng phỏng vấn mới gia nhập được Google và chỉ 5 năm sau đã trở thành quản lý cấp cao trẻ nhất của Google, ông đã có nhiều thành tích như trưởng nhóm dẫn dắt dự án tạo ứng dụng trải nghiệm cho Google Pixel Buds – tai nghe không dây của Google.
Đặc biệt là "Sáng Kiến 1 Tỷ Người (The Next Billion Users Initiative)" ra đời năm 2015 với mong muốn đem được công nghệ (ở đây là sự kết nối Internet) đến những vùng đất xa xôi, hẻo lánh nhất giúp người dân những nơi vô cùng lạc hậu này tiếp nhận ánh sáng văn minh, hy vọng giúp họ đỡ khó khăn khổ cực hơn.
Huy Nguyễn - CEO Phygital Labs
Từ Quản lý cấp cao trẻ tuổi nhất của Google với mức lương đáng mơ ước cùng tiền đồ rộng mở, quyết định trở về Việt Nam lập nghiệp, mong muốn của Huy Nguyễn là phát huy sáng tạo của người Việt trên bản đồ công nghệ thế giới.
Chia sẻ về hành trình hồi hương của mình, ông Huy tâm sự: "Tôi nghĩ là có nhiều khó khăn hơn tôi đã hình dung, nhất là về sự thay đổi môi trường rất lớn, vừa cần hòa nhập vừa cần hiểu sâu sắc thị trường, văn hóa. Tuy nhiên, khi nhìn lại, tôi vẫn cảm thấy rất tự hào. Tôi đã học được rất nhiều thứ trên hành trình này và quan trọng là vẫn còn chiến đấu, tiếp tục làm sản phẩm và tiến về trước.
Nếu hỏi tôi có khuyên bạn bè về Việt Nam khởi nghiệp không, thì tôi vẫn sẽ ủng hộ và khuyến khích họ nên thử, vì tôi tin rằng Việt Nam cần nhiều hơn nữa những ý tưởng, tinh thần khởi nghiệp để đạt được những mục tiêu lớn hơn trên thị trường quốc tế".
Nói đến lý do lập Phygital Labs, ông Huy Nguyễn cho biết văn hóa có thể và nên là ngành công nghiệp tạo ra nguồn thu. Hiện tại, công nghiệp văn hóa đã phát triển tại nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ…
Ở Việt Nam, ông Huy kỳ vọng công nghệ phygital sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng chung của công nghiệp văn hóa, đặc biệt là thông qua hình thức sản xuất và kinh doanh các phiên bản quà lưu niệm là bản sao của vật phẩm văn hóa, di sản có định danh.
Theo thống kê của hiệp hội làng nghề Việt Nam, nước ta đang có trên 10.000 lễ hội lớn nhỏ, hơn 40.000 di tích văn hóa, hơn 3.000 làng nghề và đây là thị trường tiềm năng to lớn để phát triển sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm.
Ông Huy Nguyễn – cựu Quản lý cấp cao trẻ tuổi nhất của Google, người Việt đưa Internet đi khắp thế giới.
Lấy ví dụ, với mô hình mà Phygital Labs đang thử nghiệm, nếu tính phí bản quyền trên mỗi món đồ lưu niệm là 5-10% và giá trung bình của mỗi món quà lưu niệm là 10 USD (hơn 200 nghìn đồng), nhân lên với quy mô thị trường hiện có, sẽ thấy đây là một nguồn thu không nhỏ.
Nguồn thu từ việc kinh doanh các sản phẩm lưu niệm có định danh sẽ trở thành một nguồn lực đáng kể cho các đơn vị quản lý di sản và di tích, và từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp văn hóa.
Trong đó, tượng Nghê Văn Miếu gắn chip là một ví dụ điển hình của phiên bản văn hóa replica, kết quả bước đầu của dự án "Tầm Chân" do Trung tâm Thông tin UNESCO (UNET) và Phygital Labs thực hiện. Bằng việc dùng smartphone tương tác với chip RFID này, người dùng sẽ truy cập được toàn bộ thông tin về tượng Nghê đồng như chủ sở hữu, lịch sử, nguồn gốc và đặc biệt là trải nghiệm sách vật lý số đầu tiên tại Việt Nam, được chuyển đổi từ cuốn sách "Nghê nơi cửa Khổng sân Trình" của Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế.
Đến nay, ông Huy thống kê hàng trăm người đã sở hữu tượng Nghê Văn Miếu gắn chip, chứng tỏ tồn tại nhiều người có nhu cầu được sở hữu, và cao hơn là gắn bó riêng tư với một vật phẩm mỹ thuật truyền thống.
Ngay sau khi Nghê Văn miếu gắn chip ra đời, Vụn Art - cơ sở thủ công nổi tiếng của người khuyết tật tại Hà Nội - cũng đã cho ra đời một dòng áo với hình ảnh Nghê Văn Miếu bằng lụa ghép. Nghê Văn Miếu lúc này mang một sứ mệnh lan tỏa văn hóa di sản, khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống tồn tại sẵn trong mỗi người Việt.
Tiếp đó, Công ty cũng đã cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xây dựng nền tảng triển lãm số cho các cổ vật Cung đình Huế (đã được định danh qua công nghệ Nomion), tích hợp với các thiết bị hiện đại như Apple Vision Pro và Meta Quest. Nền tảng này đã thu về gần 4.000 lượt trải nghiệm chỉ sau 10 ngày ra mắt. Việc định danh còn tạo ra cổ vật số, hướng tới việc giao dịch các phiên bản số trong tương lai, mang lại nguồn thu bổ sung cho bảo tàng.
Ảnh: Các cổ vật, di sản được gắn chip.
Ngoài những địa phương có những dự án hợp tác và kết quả cụ thể như Huế, Đà Nẵng, Phygital Labs đã có kết nối và làm việc với rất nhiều tỉnh thành như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Hậu Giang, Trà Vinh, Kiên Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, An Giang, Bến Tre), khu vực phía Bắc như Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Nội, Lào Cai và một số tỉnh thành khác.
Dự kiến trong thời gian sắp tới, sau khi đóng gói sản phẩm kĩ càng và đầy đủ, Phygital Labs sẽ tiến hành nhân rộng mô hình trên nhiều tỉnh thành khác. Trong quá trình đóng gói đó, bên cạnh những đối tác nhà nước đóng vai trò chứng thực, Công ty cũng song song làm việc với các đối tác có thế mạnh về sản xuất để hoàn thiện mô hình.
Ông Huy nhấn mạnh đã có kế hoạch đưa những mô hình đã đóng gói sẵn này đến các nước khác trong khu vực Đông Nam Á và chuẩn bị cho kế hoạch "go global" trong khoảng năm 2025.
Tham vọng là vậy, song chặng đường phía trước của Phygital Labs không hề dễ dàng. "Với tôi, một công nghệ mới, đang được định hình trên thế giới, tìm cách đóng gói sản phẩm để đi vào thị trường của một nước đang phát triển như Việt Nam, và tồn tại được là một thách thức", ông Huy nói.
Chưa kể, về bản chất, những công nghệ hay sản phẩm mà Phygital Labs tham gia xây dựng là luôn mới, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Do đó, quan trọng nhất là làm sao kết hợp cái mới với những gì đã tồn tại và gần gũi với nhiều người để tạo ra hiệu quả. Ví dụ như việc Công ty đầu tư nhiều vào phương án gắn chip cho những món đồ đã có sẵn.
Bên cạnh đó, ngoài những nỗ lực về công nghệ thì ông Huy cho rằng tính thời điểm rất quan trọng, tức là cần có cú hích để công nghệ hay sản phẩm trở nên phổ biến, nhiều người hiểu và đón nhận.
Tuy nhiên, việc định danh để mỗi đồ vật có chứng thực không phải còn quá mới nữa. Và công nghệ sử dụng chip NFC cũng gần như thịnh hành ở những nước phát triển, như Apple Pay, thẻ ngân hàng, CCCD, hay gần đây là vé tàu của tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội.
Do đó, nếu nói về dự phòng, ông Huy sẽ nghĩ sẽ có những điều chỉnh về sản phẩm để tạo cú hích nhưng sẽ không phải là sự thay đổi về mặt ý tưởng hay cách tiếp cận. Bởi, Việt Nam là một nước dân số trẻ, ham học hỏi, cởi mở trong việc thử nghiệm các loại hình sản phẩm mới.