CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thấy gì từ việc XK gỗ dán dính án 'đội lốt', liên tiếp bị kiện?

Invest Global 10:09 07/07/2020

Mặt hàng gỗ dán đang gia tăng về lượng và giá trị xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc và Mỹ. Cùng với đó, nhiều dự án FDI mới được đón nhận vào mặt hàng gỗ dán, trong đó có các dự án FDI từ Trung Quốc. Tất cả những động thái này đã và đang khiến cho mặt hàng gỗ dán đứng trước các vụ kiện chống lẩn tránh thuế và chống bán phá giá.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, rủi ro đối với mặt hàng gỗ dán xuất khẩu (XK) từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ đã xảy ra.

Liên tiếp bị kiện

Ngày 9/6 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức đưa ra quyết định điều tra ngành gỗ dán của Việt Nam. Cáo buộc phía Hoa Kỳ đưa ra là một số công ty nhập khẩu gỗ dán có nguồn gốc từ Trung Quốc vào Việt Nam, sau giai đoạn gia công, sơ chế, lắp ghép đơn giản được xuất khẩu (XK) sang Hoa Kỳ với nhãn mác của Việt Nam để né thuế.

Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về số dự án đầu tư mới vào mặt hàng gỗ dán (Ảnh: TL)

Không chỉ duy nhất Hoa Kỳ là quốc gia đang điều tra về mặt hàng gỗ dán của Việt Nam. Ngày 3/12/2019, Ủy ban Thương mại của Hàn Quốc (KTC) cũng đã chính thức ra quyết định điều tra đối với mặt hàng gỗ dán của Việt Nam XK vào thị trường này. Quyết định điều tra được đưa ra dựa trên cáo buộc 6 công ty từ Việt Nam XK mặt hàng này vào Hàn Quốc đã vi phạm quy định về chống bán phá giá.

Ngày 24/4/2020, Ủy ban Thương mại Hàn Quốc công bố kết quả điều tra sơ bộ, theo đó mức thuế tạm thời được áp dụng đối với tất cả các sản phẩm gỗ dán từ Việt Nam XK vào thị trường này sẽ ở mức 9,18 – 10,56% (tuy nhiên 6 công ty nằm trong diện điều tra có mức thuế cao hơn). Mức thuế tạm thời được áp dụng từ 29/5 - 28/9/2020.

Trước đó vào năm 2015, Bộ Kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ cũng chính thức điều tra mặt hàng này của Việt Nam. Ngày 28/10/2016, Bộ này đã đưa ra quyết định cuối cùng về kết quả điều tra. Theo đó, mức thuế 240 USD/m3 được áp dụng cho tất cả các công ty không phản hồi thông tin cho cơ quan điều tra.

Trước thực trạng trên, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam vừa công bố báo cáo "Ngành công nghiệp Gỗ dán Việt Nam: Định vị và giảm thiểu rủi ro để phát triển bền vững trong tương lai". Đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo này, ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends, cho biết: Năm 2019, Việt Nam XK trên 2,03 triệu m3 gỗ dán, đạt 685,4 triệu USD. Trong 5 tháng 2020, XK 893,4 nghìn m3 ứng với 286,87 triệu USD, tăng 14% về lượng so với cùng kỳ 2019.

Hàn Quốc và Mỹ là hai thị trường XK gỗ dán chính của Việt Nam. Năm 2019, XK gỗ dán sang Mỹ đạt 518,6 nghìn m3, chiếm 29% về tổng lượng xuất và sang Hàn Quốc trên 819,1 nghìn m3, chiếm 40% tổng lượng xuất.

Đáng chú ý, năm 2019 có trên 390 đơn vị tham gia XK trực tiếp gỗ dán, trong đó chỉ có 3 công ty XK với lượng trên 50 nghìn m3/năm, nhưng có tới 200 đơn vị XK với lượng dưới 1 nghìn m3/năm.

Đồng thời, gỗ dán là 1 trong 5 mặt hàng nhập khẩu (NK) chính của Việt Nam. Năm 2019, Việt Nam nhập gần 520 nghìn m3 gỗ dán, đạt 213,5 triệu USD, trong 5 tháng đầu năm nhập trên 163,6 nghìn m3 với 64,6 triệu USD.

Đáng chú ý, Trung Quốc là thị trường cung cấp gỗ dán chính cho Việt Nam, chiếm trên 86% về lượng và giá trị nhập. Năm 2019, Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam trên 474,4 nghìn m3, đạt 188,1 triệu USD.

Trung Quốc rót mạnh vốn vào ngành gỗ dán Việt Nam

Đáng lo ngại, báo cáo trên cho biết, 6 tháng đầu năm 2020 Việt Nam tiếp nhận 35 dự án đầu tư mới trong ngành gỗ với số vốn 173,37 triệu USD, trong đó gỗ dán có 2 dự án với số vốn 14 triệu USD.

Giai đoạn từ 2015 cho tới nay số dự án FDI mới vào mặt hàng gỗ dán tăng mạnh, 42 dự án đầu tư mới với vốn đầu tư 243,07 triệu USD. Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về số dự án đầu tư mới vào mặt hàng gỗ dán, 29 dự án có tổng vốn đầu tư 150,87 triệu USD, chiếm 55% tổng số dự án.

Trước tình trạng trên, ông Tô Xuân Phúc cảnh báo, sự gia tăng về lượng và giá trị XK sang các thị trường Hàn Quốc và Mỹ cùng với việc đón nhận nhiều dự án FDI mới vào mặt hàng gỗ dán, trong đó có các dự án FDI từ Trung Quốc, khiến cho mặt hàng này đã và đang đứng trước các vụ kiện chống lẩn tránh thuế và chống bán phá giá.

Không chỉ rủi ro với XK gỗ dán mà còn là rủi ro trong khâu sử dụng gỗ dán làm nguyên liệu đầu vào cho các mặt hàng XK, đặc biệt là mặt hàng tủ bếp. Năm 2019, chứng kiến sự gia tăng về giá trị XK mặt hàng bộ phận đồ gỗ và nội thất sử dụng trong phòng bếp sang thị trường Hoa Kỳ, tăng 312% so với năm 2018 và 5 tháng đầu năm 2020 tăng 187% so với cùng kỳ 2019. Ở chiều ngược lại, giá trị NK mặt hàng này từ Trung Quốc năm 2019 cũng tăng đột biến trên 426% so với năm trước đó, trong 5 tháng 2020 tăng 223% so với cùng kỳ.

Điều này có thể dẫn tới các rủi ro về nguy cơ kiện chống bán phá giá trong tương lai, trong khi mặt hàng này của Trung Quốc đã bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá với mức 58,89% áp dụng chung cho các công ty.

Trước tình trạng trên, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khuyến cáo: Cần đánh giá chi tiết thực trạng của việc NK gỗ dán và sản xuất gỗ dán trong nước, điều này góp phần cung cấp thông tin cho chuỗi cung ứng nội địa. Việc đánh giá luồng cung NK, đánh giá luồng cung sản xuất nội địa có thể được thực hiện thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp tự khai báo, kết hợp với thông tin điều tra từ chính quyền địa phương và các hiệp hội nghề nghiệp địa phương.

Đồng thời, Nhà nước phải tăng cường các biện pháp kiểm tra giám sát đối với các đơn vị NK và các đơn vị sản xuất nội địa. Quản lý rủi ro đối với nguồn gỗ dán là đầu vào đối với mặt hàng tủ bếp, cần phải có thông tin kịp thời về sự phát triển và chuyển dịch đầu tư đối với mặt hàng, tăng cường cảnh báo, chia sẻ thông tin,… để doanh nghiệp Việt Nam tránh được các rủi ro trong tương lai.

Thy Lê