CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tiến độ chậm trễ một số dự án quan trọng quốc gia làm “nóng” nghị trường

Invest Global 16:27 25/05/2024

Sáng 25/5, đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng khi tiến độ hoàn thành một số dự án còn chậm, giải ngân chậm trễ. Việc áp dụng cơ chế đặc thù có việc còn vướng mắc và không ít cán bộ có tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm.

(TBTCO) - Sáng 25/5, đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng khi tiến độ hoàn thành một số dự án còn chậm, giải ngân chậm trễ. Việc áp dụng cơ chế đặc thù có việc còn vướng mắc và không ít cán bộ có tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm.

Chậm có nguyên nhân từ đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm

Báo cáo giám sát về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia nêu rõ, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về vật liệu xây dựng và chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nỗ lực, cố gắng để hoàn thành đưa vào khai thác 635 km thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. Nâng tổng số chiều dài đường cao tốc cả nước lên 2.001 km và phát huy hiệu quả đầu tư.

Tiến độ chậm trễ một số dự án quan trọng quốc gia làm “nóng” nghị trường Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Ảnh minh họa

Các dự án quan trọng quốc gia đã thúc đẩy mạnh mẽ tổng cầu đầu tư của nền kinh tế, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, báo cáo giám sát cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, như: Tiến độ hoàn thành một số dự án còn chậm so với yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội. Một số dự án dự kiến tăng tổng mức đầu tư, dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Các dự án quan trọng quốc gia bao gồm:

Dự án Sân bay Long Thành; các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1. Đây là các dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư nhằm đẩy mạnh triển khai một trong ba đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 về xây dựng kết cấu hạ tầng.

Đối với một số dự án được phân chia thành các dự án thành phần do các địa phương khác nhau làm cơ quan chủ quản vận hành độc lập, nên khó khăn trong việc điều hòa, phối hợp, cân đối tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần.

Một số dự án thiếu nguồn vật liệu đắp nền đường trong quá trình thi công, đặc biệt là các dự án tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Công tác quản lý vật liệu xây dựng tại các địa phương còn nhiều bất cập.

Qua xem xét các báo cáo và tình hình thực tiễn, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như một số địa phương chưa áp dụng cơ chế đặc thù trong đầu tư hạ tầng, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ vốn chậm.

Tiến độ giải ngân một số dự án không bảo đảm theo thời gian của nghị quyết dù đã được cho phép kéo dài; một số chính sách thực hiện không đạt mục tiêu đề ra.

Theo ĐB Mai Văn Hải, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên có cả nguyên nhân chủ quan, khách quan nhưng chủ yếu là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt. Các văn bản hướng dẫn phân bổ vốn, trình tự thủ tục giải ngân còn phức tạp. Việc áp dụng cơ chế đặc thù có việc còn vướng mắc và không ít cán bộ có tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm.

Tiến độ chậm trễ một số dự án quan trọng quốc gia làm “nóng” nghị trường Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp toàn thể ở hội trường sáng 25/5 của Quốc hội.

Đồng tình với quan điểm này, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, báo cáo cũng nêu ra 5 nhóm tồn tại, hạn chế; 3 nhóm nguyên nhân khách quan; 4 nhóm nguyên nhân chủ quan rất xác đáng.

Trong số đó, có một nhóm nguyên nhân chủ quan mà đại biểu rất quan ngại đó là tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Để ngăn chặn nạn dịch né tránh, sợ trách nhiệm tiếp tục tồn tại thì các cấp, các ngành cần chỉ ra và thực thi kỷ luật những ai đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm; đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân có tinh thần dám làm, dám chịu.

Có ĐB cho rằng, tình trạng đùn đẩy, né tránh không chỉ là nguyên nhân mà còn là hiện tượng, trong đó có năng lực công chức còn hạn chế.

Kéo dài thời gian thực hiện tránh dở dang, lãng phí

Theo ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), để khắc phục tình trạng giải ngân kém, cần làm rõ hơn việc phân cấp cho chính quyền cấp tỉnh có đủ năng lực làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn, tuyến cao tốc đi qua địa bàn có gì khó khăn trong khâu điều hành. Đây là chính sách mới, chưa có tiền lệ nên cũng cần có thời gian thực hiện rút kinh nghiệm để nhân rộng.

Tiến độ chậm trễ một số dự án quan trọng quốc gia làm “nóng” nghị trường ĐB Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ đánh giá rõ trách nhiệm để xảy chậm trễ.

Việc chậm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công cũng là nguyên nhân làm chậm tiến độ, có địa phương thực hiện rất tốt, có địa phương thì ì ạch,... ĐB Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ đánh giá trách nhiệm của địa phương, ngành, đơn vị thi công để phân định, đôn đốc, nhắc nhở, đồng thời phê bình nghiêm khắc.

ĐB Mai Văn Hải đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Đồng thời, Quốc hội xem xét tiếp tục mở rộng áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù không chỉ áp dụng cho các công trình quan trọng quốc gia, đường cao tốc mà cả các công trình quan trọng khác của quốc gia, của tỉnh.

ĐB Đặng Thị Bích Ngọc (Hòa Bình) đề nghị có các giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và xem xét cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn chương trình đến hết năm 2025 đối với các dự án có khả năng đến năm 2025 hoàn thành.

Việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn cũng là nguyên nhân cơ bản được nhiều ĐBQH đồng tình chỉ ra.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đề nghị cân nhắc kéo dài thời gian thực hiện Chương trình. ĐB cho rằng, trong số 272 dự án thuộc chương trình, có tới 107 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50%. Nếu không cho phép kéo dài sẽ dẫn đến dở dang, lãng phí, đây cũng là bài toán cần xem xét thận trọng.

Theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai, nhiều chính sách cũng phát huy tác dụng tốt có thể nhân rộng để áp dụng rộng rãi, như: đơn giản hóa thủ tục trong khai thác mỏ hay đơn giản hóa thủ tục chuyển đổi đất rừng đối với các dự án quan trọng quốc gia.

Tuy nhiên, theo nữ ĐB, đối với một số dự án có hiệu quả giải ngân thấp và chưa thực hiện nghiêm các quy định liên quan có thể hủy dự toán; đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Về việc phân cấp cho các địa phương làm cơ quan chủ quan đối với các dự án tuyến đường cao tốc, ĐB Vũ Thị Lưu Mai cho biết, qua giám sát, có nhiều địa phương đã làm rất tốt, nhưng cũng có những địa phương còn lúng túng. Nếu áp dụng nhân rộng mô hình này, cần chú ý hai điểm: Thứ nhất, cần nâng cao năng lực thực hiện của các địa phương. Thứ hai là đi đôi với quyền hạn cần quy định rõ hơn về trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu…

Trong báo cáo giám sát, Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo rà soát các hạn chế, bất cập trong các chính sách, pháp luật liên quan để sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.

Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Theo đó, các cơ quan chủ quản rà soát, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với: các dự án dự kiến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, nghiên cứu việc đầu tư hoàn chỉnh nút giao Tân Vạn, cầu Bình Gởi thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 - TP. Hồ Chí Minh. Sớm báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét việc đầu tư đường cất hạ cánh số 2, san lấp toàn bộ mặt bằng (thuộc giai đoạn 2) của Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành...

Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có cơ chế giao cho các cơ quan đầu mối của các dự án rà soát, điều hòa, cân đối và thống nhất điều chỉnh tăng hoặc giảm tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần của dự án đó, bảo đảm không vượt sơ bộ tổng mức đầu tư của toàn bộ dự án đã được Quốc hội quyết định, đồng thời cơ quan chủ quản của các dự án thành phần thực hiện nghiêm quyết định của cơ quan đầu mối.