CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Trần tín dụng để 'chặn' vòng xoáy tăng lãi suất

Invest Global 08:23 16/06/2022

Số liệu thống kê cho thấy nhu cầu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại vượt rất xa khả năng cân đối vốn. Do đó, nếu bỏ cơ chế cấp room tín dụng sẽ dẫn đến vòng xoáy tăng lãi suất để huy động vốn, khi đó lãi suất cho vay, nợ xấu sẽ tăng.

Đây là thông tin được đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022, tổ chức ngày 15/6.

Tín dụng tăng trưởng 8,18%, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong 6 tháng đầu năm, chính sách tín dụng, tiền tệ đã từng bước hòa nhập với bối cảnh bình thường mới, tập trung tạo điều kiện tăng tín dụng đầu tư vào các lĩnh vực của nền kinh tế.

room-ti-n-du-ng-jpeg-7791-1655276912.jpg

Số liệu thống kê 3 năm trở lại đây, nhu cầu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại vượt rất xa khả năng cân đối vốn, xấp xỉ 20%.

Theo đó, dòng vốn được lưu chuyển tích cực, vòng quay đồng tiền nhanh hơn, tín dụng tăng trưởng tích cực. Tính đến giữa tháng 6/2022, tín dụng tăng khoảng 8,16%, gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái (4,8%). Điều này cũng cho thấy, tốc độ khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khá tích cực.

“Hy vọng gói hỗ trợ lãi suất 2% và các gói hỗ trợ khác trong chương trình 350.000 tỉ đồng được triển khai tích cực cũng sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế được tốt hơn”, Phó thống đốc nói.

Trong bối cảnh cầu tín dụng đang tăng nhanh trở lại, đến nay, không ít nhà băng đã sử dụng gần hết room tín dụng. Chẳng hạn như Vietcombank có tăng trưởng tín dụng đạt hơn 9% trong 5 tháng đầu năm 2022, trong khi hạn mức tín dụng được phân bổ chỉ 15%. Điều đó có nghĩa dư địa tín dụng của nhà băng này những tháng cuối năm nay không còn nhiều.

Trong khi đó, cầu tín dụng được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cao, nhất là khi gói hỗ trợ lãi suất sẽ kích thích thêm nhu cầu tín dụng. Đó là lý do tại sao nhiều ngân hàng đồng loạt xin được nới room tín dụng để có dư địa triển khai gói hỗ trợ lãi suất.

Trước đó, trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đánh giá, nhu cầu vốn tín dụng hiện nay là rất lớn. Do đó, NHNN cần cân đối với mức lạm phát để đưa ra ngưỡng tăng trưởng tín dụng hợp lý; nếu không, sẽ rất khó cho ngân hàng.

Gần đây, nhiều chuyên gia kiến nghị, NHNN nên bỏ quy định về hạn mức tăng trưởng tín dụng, mà nên cho các ngân hàng tự quyết vấn đề này. Bởi vì, hiện thị trường tiền tệ đã khác xa thời gian trước khi mà “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện tích cực, hầu hết các nhà băng đều đã đáp ứng chuẩn Basel II, thậm chí Basel III.

Điều hành tín dụng phải đi bằng 2 chân

Tại họp báo chia sẻ lý do tại sao NHNN vẫn giữ cơ chế cấp room tín dụng cho các ngân hàng thay vì công cụ quản lý tăng trưởng tín dụng bằng tỷ lệ an toàn vốn, đại diện NHNN cho rằng việc cấp room tín dụng là cần thiết nhất là trong bối cảnh phải giữ ổn định lãi suất.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ Phó phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, từ 2011 đến nay, NHNN xét cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng. Trong 11 năm qua, NHNN cũng thường xuyên đánh giá, rà soát, cập nhật việc điều chỉnh room tín dụng, song song với các biện pháp quản trị vĩ mô khác như yêu cầu các tổ chức tín dụng cập nhật hệ số an toàn vốn theo các chuẩn mực quốc tế, từ Basel I, Basel II và tiến tới là Basel III.

“Tuy nhiên, cho dù đưa các chuẩn mực quản trị rủi ro như thế vào hoạt động quản trị các NHTM, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng thực tế chúng ta rất cao. Lịch sử cho thấy tăng trưởng tín dụng bình quân trước khi cấp hạn mức là trên 30%, có năm tăng trưởng tới 53,8%. Mức độ tăng trưởng lớn như vậy vượt rất xa khả năng quản trị và khả năng cân đối vốn của các NHTM, điều đó dẫn đến mất khả năng thanh toán”, ông Phạm Chí Quang cho biết.

Đại diện NHNN cũng cho biết, số liệu thống kê 3 năm trở lại đây, nhu cầu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại vượt rất xa khả năng cân đối vốn, xấp xỉ 20%.

“Tốc độ tăng trưởng như vậy thì áp lực rất lớn và khả năng các TCTD phải tăng lãi suất huy động để tìm nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng, dẫn đến vòng xoáy lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay tăng, nợ xấu tăng”, ông Quang nói.

Do đó, NHNN cho rằng ngành ngân hàng buộc phải “đi song song 2 chân” vừa nâng cao chuẩn mực quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế, vừa giám sát từ sớm, từ xa các hoạt động của ngân hàng thương mại, trong đó có tín dụng.

Về room tín dụng của các ngân hàng thương mại, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ cho hay, hiện nay nhiều ngân hàng vẫn chưa sử dụng hết room tín dụng được cấp. Tuy nhiên, NHNN khuyến nghị các TCTD tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế.

Đặc biệt, hiện có tình trạng một số ngân hàng đã cho vay cận room 155 với khách hàng lớn, ông Quang khuyến nghị cần đa dạng hóa danh mục để giảm rủi ro.

“Định hướng mà NHNN mong muốn là chuyển tải dần vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế từ hệ thống ngân hàng sang các phân khúc khác của thị trường vốn”, ông Phạm Chí Quang khẳng định.

Huyền Anh