CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Tại hội nghị mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Chí Thanh – Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhìn nhận, năm 2023 là giai đoạn vô cùng khó khăn đối với toàn thị trường. Nhiều môi giới đã buộc phải từ chối phân phối các sản phẩm có giá bán quá cao, vượt quá khả năng chấp nhận của thị trường, dẫn đến tình trạng có hàng nhưng không thể bán được.
Ông phân tích thêm, theo Nghị quyết 18 hiện nay và tinh thần giá đất phải tiệm cận giá thị trường, nhưng trên thực tế vẫn tồn tại một “luật bất thành văn” rằng giá đất luôn phải bằng hoặc cao hơn giá đã phát hành trước đó, bất chấp thị trường có những thời điểm đi xuống. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong quá trình phân phối sản phẩm.
Dẫn chứng kinh nghiệm quốc tế, ông Thanh cho biết tại Úc, sổ đỏ của họ có ghi rõ mức giá mua ở từng thời điểm, có thể tăng hoặc giảm theo diễn biến thị trường. Khi kinh tế có dấu hiệu suy giảm, bảng giá đất cũng điều chỉnh linh hoạt để phù hợp, hỗ trợ phục hồi thị trường bất động sản.
Ông Nguyễn Chí Thanh – Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.
Do đó, ông Thanh kiến nghị về giải pháp làm giảm giá nhà: Nếu xác định nguyên tắc định giá đất sát với thực tế thị trường, thì không nên chỉ duy trì một chiều tăng hoặc giữ bằng giá cũ. Thay vào đó, cần tính đến yếu tố phát triển bền vững của nền kinh tế. Trong trường hợp cần thiết, có thể áp dụng chính sách điều chỉnh giảm giá đất, nhằm kích thích phục hồi kinh tế và thị trường bất động sản ổn định hơn.
Còn theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chính quyền cần có những biện pháp kịp thời, đủ nhanh và mạnh để bổ sung nguồn cung đáng kể, nếu không thị trường rất dễ rơi vào trạng thái bong bóng bất động sản.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, thị trường bất động sản có những đặc điểm đặc thù, cung – cầu rất khác với các loại hàng hóa thông thường. Khi giá bị đẩy lên quá cao, người bán không bán được còn người mua cũng không tiếp cận nổi, dẫn đến tình trạng cung và cầu không gặp nhau.
Còn theo quan sát của PGS. TS. Trần Đình Thiên, sức mua trên thị trường bất động sản hiện nay đang yếu đi rõ rệt, và trong ngắn hạn khó có khả năng cải thiện nhanh chóng. Vị chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về bảng giá đất mới sắp được áp dụng (1/1/2026), trong bối cảnh giá đất thực tế thì đang tăng phi mã.
"Khi giá đất lên quá cao, sẽ không có nhà đầu tư nào thực sự sẵn sàng tham gia thị trường, dẫn đến mất cân đối cung cầu", PGS. TS. Trần Đình Thiên nói.
Ngoài ra, vị chuyên gia phân tích thêm, cách tiếp cận hiện nay chưa thực sự hạn chế được tính đầu cơ đất đai, mà ngược lại vẫn còn khuyến khích hành vi đầu cơ. Nếu không điều chỉnh từ gốc, thị trường bất động sản rất dễ bị méo mó và phát triển thiếu bền vững.