CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tỷ giá USD/VND vọt lên 25.000: Điểm tên nhóm doanh nghiệp hưởng lợi và chịu thiệt

Invest Global 10:12 06/04/2024

Trên thị trường chứng khoán, biến động tỷ giá đã tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư.

Trên thị trường chứng khoán, biến động tỷ giá đã tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư.

Tỷ giá đồng đô la Mỹ (USD) so với đồng Việt Nam (VND) tăng nóng đang là câu chuyện được quan tâm trên thị trường tài chính những ngày qua khi biến động mạnh và liên tục tạo lập kỷ lục mới trong thời gian gần đây. Giá USD bán ra tại một số ngân hàng đã vượt 25.000 đồng, chạm trần quy định.

Trước diễn biến này, tại họp báo Chính phủ hôm 03/04/2024, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lên tiếng trấn an "với nguồn lực hơn 100 tỷ USD dự trữ ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp để ổn định tỷ giá khi cần thiết".

Trên thị trường chứng khoán, biến động tỷ giá đã tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư, khi việc tăng giá đồng USD ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là nhóm DN có hoạt động nhập khẩu hoặc phải thanh toán chi phí cho đối tác bằng đồng USD cũng như có nợ vay ngoại tệ.

Thông thường, khi đồng Đô la Mỹ tăng giá, một số doanh nghiệp xuất khẩu đang được hưởng lợi vì bán hàng cho đối tác nước ngoài, nhà xuất khẩu nhận về USD, quy đổi sang tiền đồng, doanh nghiệp sẽ thu được nhiều hơn. Ngược lại, tỷ giá tăng mạnh khiến nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu hoặc sử dụng đồng USD để thanh toán sẽ chịu tác động tiêu cực.

Biến động tỷ giá USD và các ngoại tệ khác sẽ tác động đến các khoản vay của doanh nghiệp cũng như trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhóm doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.

Báo cáo mới ra của CTCK BSC thống kê ảnh hưởng của tỷ giá lên một số nhóm ngành như sau:

photo-1712370117740

Cụ thể với một số nhóm ngành như Dệt may, theo BSC, mặc dù thị trường xuất khẩu và khách hàng chính của đại đa phần các doanh nghiệp may mặc là từ Mỹ, tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp đều phải nhập nguyên vật liệu đầu vào từ nước ngoài theo chỉ định của khách hàng nên nhìn chung tác động từ tỷ giá tăng lên KQKD không nhiều.

Với ngành thép, HPG có tỷ trọng xuất khẩu trên tổng sản lượng chỉ ở mức 20%, trong khi 70% nguyên liệu nhập khẩu nên sẽ ảnh hưởng tiêu cực nếu tỷ giá tăng mạnh. HSG và NKG có tỷ trọng xuất khẩu khá cao, nguyên liệu chính (thép HRC) có thể mua từ cả nguồn trong nước và nhập khẩu, sẽ hưởng lợi nếu tỷ giá tăng Tuy nhiên hoạt động xuất khẩu đang trên đà giảm kể từtháng 3/2022 do nhu cầu xuất khẩu yếu.

Một doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành công nghệ là FPT được đánh giá, việc Tỷ giá USD/VND tăng sẽ bù đắp lại Tỷ giá JPY/VND giảm, ngoài ra, các khoản vay bằng USD của FPT cũng sẽ được trả trực tiếp bằng đồng USD từ doanh thu tại thị trường Mỹ nên nhìn chung tác động đến KQKD là không nhiều.

Với NT2, giá khí đầu vào được tính theo đồng USD do đó sẽ làm tăng chi phí sản xuất điện và giảm tính cạnhtranh với các loại hình năng lượng khác. Với BWE, giá bán nước sạch và các dịch vụ khác bị kiểm soát trong khi công ty có các khoản vay bằng đồng USD. Tuy nhiên, BWE có sử dụng các công cụ tài chính phòng ngừa tỷ giá, do đó, ảnh hưởng không đáng kể đến KQKD.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ cụ thể về độ biến động trong lợi nhuận trước sự thay đổi của tỷ giá.

Một ví dụ điển hình là Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines, HVN). Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô được tổ chức ngày 14/3, ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines đã đưa ra một số kiến nghị về vấn đề tỷ giá.

Ông Đặng Ngọc Hòa cho biết, như Vietnam Airlines, đặc thù làm ngành hàng không thì khi tỷ giá thay đổi 1%, doanh nghiệp mất 300 tỷ đồng, nếu thay đổi 5% thì chi phí hãng một năm tăng lên 1.500 tỷ đồng.

Hiện, Vietnam Airlines có nhiều khoản vay và thuê tài chính để mua máy bay và máy móc thiết bị, thanh toán chi phí cho các đối tác nước ngoài có giá trị lớn nên rủi ro tỷ giá của VNA đến chủ yếu từ biến động tỷ giá USD/VND.

Theo BCTC kiểm toán 2023, tính đến thời điểm 31/12/2023, dư nợ tài chính có gốc ngoại tệ của Vietnam Airlines gần 419 triệu USD (con số đầu năm là 543 triệu USD).

Năm qua, Công ty ghi nhận doanh thu tài chính từ lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái là 699 tỷ, chi phí do lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái là 1.601 tỷ đồng. Tương ứng, Vietnam Airlines đang chịu lỗ hơn 900 tỷ đồng cho hoạt động tài chính do lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái.

Một đơn vị khác cũng hoạt động trong mảng hàng không, Vietjet Airs (VJC) cũng có dư nợ tài chính có gốc ngoại tệ đáng kể với 153,3 triệu USD (tính đến cuối năm 2023). Khác với Vietnam Airlines, năm qua VJC lại ghi nhận khoản lãi từ chênh lệch tỷ giá hối đoái với 580 tỷ đồng (trong khi năm ngoái lỗ 210 tỷ đồng).

Nợ vay gốc ngoại tệ lớn còn có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Trong chia sẻ đầu năm nay, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cũng cho biết dư nợ vay ngoại tệ của tập đoàn này hiện tại là 38.000 tỷ đồng, tương đương 1,55 tỷ USD.