CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Vì sao doanh nghiệp nhỏ khó mở rộng quy mô sản xuất?

Invest Global 08:32 21/10/2022

Không ít doanh nghiệp nhỏ lỡ cơ hội xuất khẩu khi chưa thể nâng quy mô sản xuất nhằm đáp ứng những yêu cầu đặt ra từ phía đối tác. Do nguồn vốn hạn hẹp, việc tiếp cận vốn vay vẫn còn khó khăn vì thiếu các tài sản đảm bảo, trong khi chính sách hỗ trợ chưa được vận dụng tốt… khiến cho việc mở rộng sản xuất càng trở nên bế tắc.

Anh Thái Bình Dương, phụ trách kinh doanh của Doanh nghiệp tư nhân sản xuất thực phẩm chay Bình Loan (Đồng Tháp), cho biết vừa rồi có đối tác Nhật Bản đặt hàng để doanh nghiệp (DN) cung cấp cho họ vài tấn sản phẩm tàu hủ ky lá khô. Tuy nhiên, đối tác có yêu cầu một số quy trình và thời gian giao hàng (trong vòng khoảng 1 - 2 tháng) mà DN rất khó có thể đáp ứng khi chưa mở rộng được quy mô sản xuất.

Bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu

Nếu tập trung cho đơn hàng từ đối tác Nhật thì DN sẽ phải tạm ngừng tất cả các đơn hàng khác trong nước, là điều bất khả thi. Hiện tại, DN có ý định mở rộng quy mô nhà xưởng để có thể trong tương lai phục vụ được đơn hàng lớn như của đối tác Nhật này, thế nhưng do nguồn vốn hạn hẹp nên chưa thực hiện được.

-6468-1666264506.jpg

Do khó tiếp cận vốn vay, không ít doanh nghiệp nhỏ đã phải bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu khi chưa thể nâng quy mô sản xuất nhằm đáp ứng những yêu cầu đặt ra từ phía đối tác.

Trao đổi với VnBusiness, anh Dương cho rằng dù muốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất nhưng bản thân DN đang gặp khó trong việc tiếp cận vốn vay từ phía ngân hàng. Nhất là khi DN thiếu tài sản đảm bảo cho việc vay vốn nên đang tính đến vay tín chấp. Thế nhưng, để vay tín chấp thì DN sẽ phải cải thiện nhiều về mặt báo cáo tài chính, năng lực quản trị. 

“Đó là lý do chúng tôi còn rụt rè trong việc mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư cho công nghệ dù đang rất muốn phát triển thị trường tốt hơn. Nhất là khi có những đối tác ở nước ngoài biết đến thương hiệu của mình và muốn đặt hàng với số lượng nhiều hơn”, anh Dương chia sẻ.

Còn theo chị Đỗ Thị Xuân Diệu, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Dika Happy (Cần Thơ) - chuyên chế biến các sản phẩm từ trái Lêkima, phía công ty đã có những lời mời hợp tác để xuất khẩu nhưng điều này cũng đồng nghĩa với quy mô sản xuất cần mở rộng, hoàn thiện hơn. 

Tuy nhiên, do công ty còn non trẻ nên nguồn vốn chưa đủ mạnh để có thể nâng quy mô nhà xưởng và đầu tư vào các công nghệ chế biến tiên tiến hơn. Khi vốn vay còn khó khăn, với vai trò là nhà sản xuất, công ty vẫn mong có thể liên kết với những đối tác có nguồn vốn tốt nhằm đưa sản phẩm chế biến từ trái Lêkima có thể vươn xa hơn.

Có thể nói, những chia sẻ nêu trên phản ánh phần nào thực trạng khó khăn trong việc mở rộng quy mô sản xuất của các DN nhỏ. Nhất là nhiều DN cho rằng vì không đủ vốn nâng tầm sản xuất nên đã bỏ qua cơ hội có được mức lợi nhuận cao nhờ giá xuất khẩu hàng hóa tăng lên khi tỷ giá USD tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Mặt khác, do không tiếp cận được với nguồn vốn vay nên nhiều DN nhỏ không thể dự trữ đủ nguyên liệu cho sản xuất. Trong 3 tháng cuối năm này, để chuẩn bị cho mùa cao điểm sản xuất, nhiều DN nhỏ phải lo nhập hàng sớm để tránh những biến động khác từ thị trường, đòi hỏi bổ sung nhiều vốn lưu động hơn, trong khi nguồn vốn của họ khá hạn hẹp, bắt buộc phải trông cậy vào vốn vay ngân hàng. 

Chính sách hỗ trợ ở đâu?

Thế nhưng, việc thiếu hụt về dòng tiền thu về cùng biến động tỷ giá khi nhập khẩu khiến nhiều DN gặp thêm khó khăn. Đặc biệt, với nguồn vốn tự có nhìn chung còn thấp, hoạt động của các DN nhỏ vẫn trông chờ phần nhiều vào nguồn vốn vay, nhưng tiếp cận vốn vay đối với họ đến nay vẫn là điều không dễ dàng. 

Ông Sáng, giám đốc một DN nhỏ chuyên chế biến trái cây sấy ở Đồng Nai, cho biết muốn đầu tư mở rộng kho lạnh để giúp người dân dự trữ nông sản, nhưng cũng chưa thể làm được trong giai đoạn hiện nay. 

Bởi lẽ 2 năm gần đây, ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến các tác động bất lợi, thu mua hàng hóa của người dân cũng bị ảnh hưởng, đầu ra cho sản phẩm chậm nên các vấn đề về tài chính, nguồn vốn còn nhiều khó khăn. Vay vốn ngân hàng còn khó khăn hơn nữa, bởi DN đã có các khoản vay từ trước.

Ngoài vấn đề vốn vay, có thể thấy vẫn đang có khoảng cách lớn giữa chính sách và việc thực thi khiến cho nhiều DN nhỏ không tiếp cận được các chính sách hỗ trợ theo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, trong đó có hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ đầu tư nhà xưởng, hỗ trợ mở rộng thị trường…

Điều đáng nói, Việt Nam có khoảng 1,7 triệu DN nhỏ và siêu nhỏ. Dự kiến đến năm 2030, con số này tăng lên khoảng 2,4 triệu DN. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những biến động, nên có trên 90% DN nhỏ và vừa đã bị tác động, rất cần sự hỗ trợ.

Trong khi đó, một đánh giá gần đây từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đã triển khai được hơn 4 năm nhưng mới có dưới 8% DN nhận được hỗ trợ, 51,3% DN không biết đến luật này…

Trở lại vấn đề vốn vay cho mở rộng quy mô sản xuất, rào cản lớn nhất khiến DN nhỏ khó huy động vốn từ ngân hàng chính là do điều kiện tài sản thế chấp mà ngân hàng đưa ra khi quyết định cho vay. Vì vậy, giới chuyên gia cho rằng cần xem xét và nới lỏng yêu cầu này sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nhỏ nhận được tài trợ từ ngân hàng.

Ngân hàng cũng nên cho phép các DN nhỏ dùng tài sản hình thành từ vốn vay là những nhà xưởng sản xuất được nâng cấp để đảm bảo tiền vay hoặc thậm chí cho vay không có đảm bảo tài sản. Bên cạnh đó, khâu thẩm định khách hàng cũng như tính khả thi của những dự án vay để mở rộng quy mô nhà xưởng là quan trọng chứ không phải tài sản đảm bảo. 

Thế Vinh