CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Việt Nam cần thêm các công ty tư nhân lớn trong lĩnh vực sản xuất

Invest Global 09:48 05/10/2020

Theo tiến sĩ Jonathan Pincus của UNDP, Việt Nam cần nắm bắt cơ hội từ đà phục hồi của nền kinh tế thế giới để tăng trưởng 10% trong năm 2021, qua đó bù đắp thiệt hại năm 2020.

Trao đổi với Zing, tiến sĩ Jonathan Pincus, Cố vấn quốc tế cao cấp của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), nhận định sau khi trải qua năm 2020 với mức tăng trưởng 2%, Việt Nam cần nắm bắt cơ hội và phục hồi với tốc độ 10% trong năm tới.

Theo ông, chìa khóa tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là phát triển nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực sản xuất thông qua việc cải thiện thị trường vốn và xây dựng môi trường cạnh tranh công bằng.

Thách thức duy trì tốc độ tăng trưởng

Ông nhận định ra sao về mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam?

Theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB) về quốc gia có thu nhập cao, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP 6% từ nay đến năm 2045, Việt Nam có thể trở thành quốc gia phát triển vào năm 2046. Nhưng nếu nền kinh tế tăng trưởng ở mức 7% kể từ năm sau, Việt Nam có thể đạt mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2042.

Vấn đề đặt ra là Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng này trong 20-25 năm tới không...

TS Jonathan Pincus

Tôi cho rằng Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2025 hoặc năm 2026. Việt Nam đã làm rất tốt và có thể đạt mục tiêu nếu giữ được tốc độ tăng trưởng. Bước đầu tiên - trở thành nước có thu nhập trung bình cao - khá dễ dàng đối với Việt Nam.

Tôi tin chắc rằng các bạn sẽ làm được điều đó. Tuy nhiên, để trở thành nước giàu có sau 20 năm, Việt Nam cần phải cố gắng rất nhiều và thêm một chút may mắn. 20 năm là quãng thời gian dài, nền kinh tế toàn cầu trồi sụt. Chúng ta cần đề phòng một cuộc khủng hoảng tài chính hay một đại dịch giống dịch Covid-19 có thể xảy ra lần nữa.

Năng suất lao động của người lao động quyết định mức độ giàu có của một quốc gia. Khi người lao động làm việc năng suất hơn, thu nhập sẽ tăng lên. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Việt Nam tăng năng suất lao động.

Tiến sĩ Jonathan Pincus, Cố vấn quốc tế cao cấp Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP).

Trên thực tế, các bạn đã làm rất tốt việc gia tăng năng suất, nâng cao giá trị gia tăng mà người lao động tạo ra mỗi ngày. Việt Nam dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng năng suất của châu Á, thậm chí cao hơn một chút so với Trung Quốc.

Vì vậy, vấn đề đặt ra không phải là Việt Nam cần tăng tốc phát triển kinh tế, mà là đất nước của các bạn có thể duy trì tốc độ tăng trưởng này trong 20-25 năm tới không. Tôi tin rằng câu trả lời sẽ là có.

Theo ông, Việt Nam phải đối mặt với thách thức gì trong quá trình trở thành nước phát triển? Ông có thể đưa ra một số giải pháp để hóa giải những thách thức này?

Việt Nam phải đối mặt với hai thách thức chính. Đầu tiên, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại. Trong khi đó, Việt Nam là một nền kinh tế hội nhập, thương mại quốc tế đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của đất nước. Nhu cầu quốc tế sụt giảm và sự gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam.

Thách thức thứ hai đến từ nền kinh tế trong nước. Như các bạn đã biết, Việt Nam đã làm rất tốt trong lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu nông sản tăng khá nhanh. Các dịch vụ cũng nhanh chóng chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại. Tuy nhiên, ngành công nghiệp sản xuất của Việt Nam đang gặp khó.

Tốc độ tăng trưởng năng suất đang chậm lại. Câu hỏi dành cho Việt Nam là làm cách nào để chuyển các hoạt động sản xuất, lắp ráp năng suất thấp như sản xuất áo sơ mi, đóng giày thành những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đòi hỏi công nghệ tiên tiến hơn, chẳng hạn như ôtô, máy móc, hóa chất, dược phẩm...

Việt Nam cần thêm các công ty tư nhân lớn trong lĩnh vực sản xuất.

TS Jonathan Pincus

Theo tôi, thách thức của Việt Nam trong vòng 20 năm tới là làm thế nào để tạo ra một môi trường sản xuất tinh vi hơn. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ cần tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, nguồn cung cấp năng lượng bền vững, đặc biệt là tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua xây dựng hệ thống giáo dục, các trường trung học, đại học tốt hơn...

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tạo động lực cho các công ty trong nước nâng cao hiệu quả của dây chuyền sản xuất. Các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn có quy mô còn khá nhỏ so với các công ty quốc tế.

Việt Nam chỉ có một vài tập đoàn lớn, đa số đều làm việc trong lĩnh vực tài chính hoặc bất động sản. Đây đều là những lĩnh vực không giúp tăng năng suất lao động. Chúng ta cần thêm các công ty tư nhân lớn trong lĩnh vực sản xuất.

Cần nhiều tập đoàn sản xuất lớn

Vì sao Việt Nam vẫn còn ít công ty tư nhân lớn? Làm cách nào để có nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực sản xuất hơn?

Khi cần huy động vốn đầu tư, các công ty có thể niêm yết trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá nhỏ so với quy mô của nền kinh tế. Doanh nghiệp cũng có thể vay tiền từ ngân hàng. Nhưng Việt Nam cần một hệ thống ngân hàng đầu tư đủ lớn mạnh để đầu tư vào các công ty tư nhân.

Bởi, các ngân hàng thương mại thường không muốn cho doanh nghiệp tư nhân vay dài hạn để phòng ngừa rủi ro. Những khoản vay dài hạn sẽ gây ảnh hưởng đến bảng cân đối kế toán của họ. Vì vậy, các khoản vay thường chỉ kéo dài 5 năm. Tuy nhiên, để xây một nhà máy mới, xây dựng thương hiệu, tạo thị trường và hoàn vốn, doanh nghiệp sẽ mất tới 10 năm mới thực sự có lãi.

Thị trường vốn đóng vai trò lớn đối với sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà.

Có một khoảng cách không nhỏ giữa cung và cầu trong thị trường vốn của Việt Nam. Trong khi đó, mục tiêu chính của Ngân hàng Phát triển Việt Nam chỉ là đóng góp vào quá trình xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, theo tôi, Chính phủ cần vào cuộc, cho phép Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc một ngân hàng mới cung cấp khoản vay dài hạn để hỗ trợ khu vực tư nhân, nhất là trong lĩnh vực sản xuất.

Thứ hai là đảm bảo luật cạnh tranh trên thị trường. Việt Nam là một quốc gia có hơn 90 triệu dân, tuy nhiên, các công ty tư nhân có thể khó tiếp cận với thị trường hơn. Họ không có lợi thế về mạng lưới, quyền tiếp cận đất đai và mối quan hệ với chính quyền địa phương như những doanh nghiệp Nhà nước.

Vì vậy, cần tạo ra một sân chơi bình đẳng dựa trên các nguyên tắc công bằng cho cả công ty tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.

Việt Nam cần một năm 2021 thật tốt

Theo ông, Việt Nam cần lưu ý điều gì trong quá trình phục hồi kinh tế năm 2020, năm 2021, tạo đà đạt mục tiêu thành nước phát triển năm 2045?

Chính phủ Việt Nam đã đưa ra những chính sách rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo tôi, Việt Nam nên tập trung hơn vào cơ sở hạ tầng nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Đặc biệt, việc hỗ trợ tài chính để xây dựng cơ sở hạ tầng không chỉ cần ở cấp tỉnh mà còn rộng ra cả vùng. Chẳng hạn, đừng chỉ nghĩ đến cơ sở hạ tầng ở Hà Nội mà còn nghĩ tới cả khu vực Đồng bằng sông Hồng...

Năm 2020 sẽ là một năm khó khăn bởi nền kinh tế toàn cầu đang bị tàn phá. Tốc độ tăng trưởng 2% có thể không tốt đối với Việt Nam trong những năm khác. Tuy nhiên, đó là một tỷ lệ khá cao vào năm nay.

Việt Nam nên chọn lọc FDI, tìm ra những công ty thực sự tốt.

TS Jonathan Pincus

Năm 2021 cũng sẽ là một năm khó khăn bởi nền kinh tế toàn cầu vẫn trong giai đoạn phục hồi. Những gì chúng ta cần là vaccine chống Covid-19. Câu hỏi đặt ra là nếu nền kinh tế toàn cầu phục hồi vào năm tới, Việt Nam có thể sẵn sàng tận dụng lợi thế đó hay không. Một trong những điều cần thiết là hỗ trợ doanh nghiệp không bị phá sản trong năm nay.

Khi dịch Covid-19 qua đi, Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn và an toàn đối với du khách quốc tế. Ảnh: Quỳnh Danh.

Du lịch là một ngành công nghiệp lớn của Việt Nam. Khi không có du khách nước ngoài, các khách sạn, hãng hàng không và công ty lữ hành đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngành công nghiệp này cần sự cứu trợ đặc biệt để duy trì hoạt động và phục hồi vào năm 2021.

Khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi, Việt Nam sẽ là một điểm đến an toàn và hấp dẫn đối với các du khách quốc tế. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để quảng bá hình ảnh. Các hãng hàng không và khách sạn cần một năm 2021 thực sự tốt, bù đắp thiệt hại trong năm 2020.

Các ngành công nghiệp như sản xuất và nông nghiệp cũng cần lập kế hoạch để nắm bắt cơ hội vào năm 2021, dù rất khó lập kế hoạch. Chúng ta không biết đến khi nào vaccine chống Covid-19 mới được phân phối rộng rãi. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta đã trải qua một năm 2020 tồi tệ. Vậy nên chúng ta cần một năm 2021 cực kỳ tốt.

Năm 2020 đã gần kết thúc. Và những gì chúng ta cần làm là chuẩn bị cho năm 2021. Năm nay, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là 2%. Do đó tôi thực sự muốn chứng kiến Việt Nam phục hồi tăng trưởng lên 10% trong năm tới. Nếu đạt được tỷ lệ này, việc trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2025 là không khó khăn.

Theo ông, Việt Nam cần lưu ý điều gì khi đón làn sóng chuyển dịch dây chuyền sản xuất mới?

Việt Nam đứng thứ bảy trong số các quốc gia đang phát triển về mức độ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Những quốc gia hàng đầu thường là các nước đông dân như Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi không cho rằng việc thu hút FDI là vấn đề đối với Việt Nam.

Theo tôi, Việt Nam nên tiếp tục duy trì các chính sách hiện tại. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến nhiều doanh nghiệp chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam có thể tận dụng cơ hội từ điều này. Thêm vào đó, việc chi phí lao động tại Trung Quốc ngày càng đắt đỏ cũng thúc đẩy xu hướng trên.

Song, tôi cho rằng các bạn nên chọn lọc FDI, tìm ra những công ty thực sự tốt.

Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam năm 2020 là 2%. Tôi muốn chứng kiến Việt Nam phục hồi tăng trưởng lên 10% trong năm tới.

TS Jonathan Pincus

Để thu hút làn sóng FDI chất lượng tốt, tôi cho rằng có hai yếu tố. Thứ nhất là cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, điện, cảng... Việc tạo ra những trung tâm công nghiệp có thể thu hút rất nhiều ngành sản xuất khác nhau như dược phẩm, ôtô, máy móc...

Điều thứ hai là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua việc nâng cao chất lượng học tập và nghiên cứu tại các trường đại học. Tôi cho rằng việc tập trung vào giáo dục đại học và nghiên cứu là rất cần thiết cho quá trình phát triển của Việt Nam trong 20 năm tới.

UNDP có thể hỗ trợ gì cho Việt Nam trong việc đạt mục tiêu năm 2045?

UNDP luôn sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đã hỗ trợ Chính phủ lên kế hoạch 5 năm cũng như các chính sách và chương trình khác. Một mặt khác, UNDP cũng chú ý đến vấn đề bất bình đẳng với mục đích không bỏ ai lại phía sau khi Việt Nam trở thành nước phát triển.

Chúng tôi cố gắng cải thiện tình hình của những người nghèo về khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chẳng hạn thông qua 17 SDGs (Mục tiêu phát triển bền vững). UNDP luôn hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững. Đó là lĩnh vực mà chúng tôi có thể giúp ích nhiều nhất cho Chính phủ Việt Nam.