CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Việt Nam chi 5,22 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi trong 8 tháng đầu năm 2021

Invest Global 11:34 08/10/2021

8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam chi 5,22 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi (TACN), tăng 24,3% về số lượng và 47,4 % về giá trị so với cùng kỳ 2020. Giá nguyên liệu TACN tăng từ 16 - 46%, dẫn đến giá thức ăn hỗn hợp tăng rất cao và vẫn tiếp tục tăng.

Cần chiến lược cho nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam Giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn tăng khoảng 5% trong thời gian tới

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, tổng nguyên liệu TACN nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm, khoảng 14,45 triệu tấn (bao gồm cả nguyên liệu sản thức ăn thủy sản), tương ứng với 5,22 tỷ USD, tăng 24,3% về số lượng và 47,4 % về giá trị so với cùng kỳ 2020.

Trong đó thức ăn giàu năng lượng đạt 8,97 triệu tấn, tương ứng 2,35 tỷ USD, tăng 49,4% về số lượng và 89,5% về giá trị so với cùng kỳ 2020; thức ăn giàu đạm đạt 5,09 triệu tấn, tương ứng với 2,27 tỷ USD, giảm 2,6% về số lượng nhưng tăng 28% về giá trị; thức ăn bổ sung đạt 0,38 triệu tấn, tương ứng 0,6 tỷ USD, giảm 3,3% về số lượng và tăng 13,3% về giá trị.

Dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi của De Heus

Các tháng đầu năm 2021, giá bình quân các nguyên liệu TACN đều tăng so với cùng kỳ 2020, tăng từ 16-46%, trong đó tăng mạnh nhất là các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc, cụ thể: ngô hạt 7.616,7 đồng/kg (tăng 35,1%), khô dầu đậu tương 13.091,0 đồng/kg (tăng 35,5%), DDGS (bã ngô) 8.847 đồng/kg (tăng 46,0%), cám mì 6.716,7 đồng/kg (tăng 32,8%), sắn lát 5.994,4 đồng/kg (tăng 19,2%), cám gạo chiết ly 4.936,1 đồng/kg (tăng 16,1%), Methionine 64.950,6 đồng/kg (tăng 19,2%), Lysine 35.053,3 đồng/kg (tăng 16,3%).

Tại thị trường trong nước, so với tháng 8/2021, trong tháng 9/2021 giá hầu hết nguyên liệu TACN tăng. Cụ thể, cám mì 7.237,5 đồng/kg (tăng 3,6%); cám gạo chiết ly 5.283,3 đồng/kg (tăng 3,3%); ngô hạt 7.937,5 đồng/kg (tăng 0,5%); khô dầu đậu tương 12.337,5 đồng/kg (tăng 0,6%); bột cá 27.950 đồng/kg (tăng 0,5%); Lysine HCl 33.185,8 đồng/kg (tăng 0,6%); Methionine 61.190,3 đồng/kg (tăng 0,7%). Giá DDGS giảm 1,4% (8.500 đồng/kg).

Giá TACN thành phẩm tiếp tục tăng nhẹ so với tháng 8/2021. Cụ thể: thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn thịt 60kg đến xuất chuồng 12.177,5 đồng/kg (tăng 1,2%); thức ăn hỗn hợp cho gà thịt lông trắng 12.752,8 đồng/kg (tăng 1,2%); thức ăn hỗn hợp cho gà thịt lông màu 12.014,8 đồng/kg (tăng 1,3%).

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tăng giá TACN, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) - cho hay, giá các loại ngũ cốc trên thị trường thế giới đều tăng cao do chi phí sản xuất tăng cao, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mùa màng, các quỹ đầu tư lớn chuyển hướng sang đầu cơ nông sản và Trung Quốc tăng mua ngũ cốc phục vụ sản xuất, chăn nuôi trong nước....

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chi phí vận chuyển tăng do thiếu tàu biển và container vận chuyển hàng hóa nói chung, trong đó có mặt hàng TACN (trung bình chi phí vận chuyển tăng 200-300% so với bình thường). Tình hình hạn hán từ tháng 3/2021 trở lại đây tại một số tỉnh của Brazil làm ảnh hưởng đến sản lượng của vụ ngô chính vụ của nước này.

Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới ngay cả đối với Việt Nam, đứt gẫy hàng loạt các chuỗi sản xuất, cung ứng đối với ngành chăn nuôi, làm giá nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao đặc biệt là thức ăn tăng 16-36%, trong khi đó giá sản phẩm đầu ra rất thấp có giai đoạn có loại vật nuôi chỉ bản được 25-30% giá thành như gà công nghiệp lông trắng.

Nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động, chi phí sản xuất tăng, khâu lưu thông bị gián đoạn, nhu cầu thị trường giảm nên các cơ sở chăn nuôi gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, lượng vật nuôi tồn đọng trong chuồng cao, tăng nguy cơ thua lỗ.

Chỉ có các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, cung cấp các kênh phân phối như siêu thị, hệ thống cửa hàng bán lẻ hiện đại vẫn đảm bảo tiêu thụ, giá bán được duy trì với mức ổn định.

Ông Nguyễn Văn Trọng nhận định, giá nguyên liệu và TACN thành phẩm tăng cao là thách thức lớn của ngành chăn nuôi trong nửa cuối năm 2021, ảnh hưởng tới việc tái đàn, đặc biệt gây khó khăn cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Để cho ngành chăn nuôi hoàn thành kế hoạch sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp; đảm bảo chủ động nguồn cung thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu những tháng cuối năm đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương phối hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất, chế biến, lưu thông, xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp.

Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu TACN, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi xuất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán.

Về phía Bộ NN&PTNT, ông Trọng cho hay, Bộ sẽ tăng cường các kênh theo dõi sát diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu TACN trong nước và trên thế giới. Chỉ đạo tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước, nguồn phụ phẩm của nông – lâm – nghiệp để chủ động một phần thức ăn trong nước, giảm giá thành sản phẩm, đặc biệt là gia súc ăn cỏ và gia cầm.