CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(KTSG) - Trong thời gian qua, kinh tế số đã phát triển rất năng động ở Đông Nam Á, nhất là ở Việt Nam; tăng nhanh hơn khoảng 3 lần so với suất tăng trưởng GDP của các nước trong khu vực. Kinh tế số đã thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế cao ở Đông Nam Á trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn...
Thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị nền kinh tế sốĐặt mục tiêu kinh tế số chiếm 30% GDP vào năm 2030Kinh tế số là một khái niệm tương đối mới và chưa có cách đo lường và tính toán được chuẩn hóa trên thế giới. Theo sách Hướng dẫn thống kê kinh tế số của UNCTAD (United Nations Conference on Trade and Development), cần phải phân biệt ba cấp bậc khác nhau: kinh tế số cốt lõi (core digital economy), bao gồm các sản phẩm và dịch vụ của công nghệ thông tin và viễn thông (information and communication technology - ICT); kinh tế số (digital economy), gồm kinh tế số cốt lõi cộng với các giao dịch qua và dựa trên mạng (một số tổ chức chỉ tính các trao đổi qua và dựa trên mạng); và cuối cùng là kinh tế số hóa (digitalized economy) - việc áp dụng các kỹ thuật và phương tiện số vào các hoạt động kinh tế, xã hội và chính trị để tăng hiệu năng của chúng.
Kinh tế số hiện nay được một số công ty tư vấn và tiếp thị cho rằng bao gồm sáu lĩnh vực: thương mại điện tử (eCommerce - buôn bán sỉ và lẻ qua mạng), vận tải (transport - như dịch vụ gọi xe), giao thực phẩm (food delivery), dịch vụ du lịch qua mạng (online travel - đặt mua/thuê vé máy bay, khách sạn, các tour du lịch...), dịch vụ quảng cáo, chơi game, đặt nhạc hay video qua mạng (online media) và dịch vụ tài chính (financial services - thanh toán, vay và cho vay, quản lý tài sản đầu tư, bảo hiểm qua mạng).
Trong thời gian qua, kinh tế số đã phát triển rất năng động ở Đông Nam Á, nhất là ở Việt Nam; tăng nhanh hơn khoảng 3 lần so với suất tăng trưởng GDP của các nước trong khu vực. Kinh tế số đã thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế cao ở Đông Nam Á trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn. Cần phải hiểu rõ các thành tựu và tiềm năng tích cực của kinh tế số, cũng như các nhược điểm ở các nước Đông Nam Á để có biện pháp thích hợp phát triển kinh tế số nhằm duy trì suất tăng trưởng kinh tế tương đối cao trong khu vực.
Kinh tế số ở Đông Nam Á
Theo báo cáo e-Conomy in SEA 2024 do Google, Tamesek và Bain & Company vừa công bố, nền kinh tế số ở sáu nước Đông Nam Á (Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam) đã tăng trưởng rất nhanh trong thời gian qua. Tổng giá trị hàng hóa (gross merchandise value - GMV) trong kinh tế số đã đạt 236 tỉ đô la Mỹ trong năm 2024 sau khi tăng 15% so với năm 2023 và 17% từ năm 2022-2023.
Việc tính toán con số tỷ trọng kinh tế số/GDP thực sự là bao nhiêu không quan trọng vì nó không thay đổi thực trạng của các hoạt động kinh tế số. Quan trọng hơn là việc tìm hiểu thực trạng, tiềm năng, điểm mạnh và yếu của Việt Nam để đẩy mạnh tiến trình phát triển kinh tế số trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước trong khu vực nhằm thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp tiên tiến về kinh tế số trên thế giới.
Doanh thu (revenue) của các doanh nghiệp kinh tế số đạt 89 tỉ đô la Mỹ năm 2024, tăng 14% so với năm 2023. Lợi nhuận đạt 11 tỉ đô la, tăng 24% so với năm 2023. Tuy tăng nhanh như thế, tỷ suất lợi nhuận (profit margin) trước khi trả lãi, thuế và khấu hao còn thấp: -10% trong thương mại điện tử, -5% trong gọi xe và đặt giao thực phẩm, 15% trong du lịch và 45% trong quảng cáo và chơi game qua mạng.
Đặc biệt là thanh toán kỹ thuật số - như dùng ví điện tử và mã số QR - tăng nhanh; tổng giá trị thanh toán lên đến 1.138 tỉ đô la năm 2024, hay 29,8% tổng GDP của sáu nước. Tỷ lệ này tương đương với Trung Quốc (30%) và cao hơn nhiều so với Mỹ (10,7%) hay Liên minh châu Âu - EU (11%). Điều này cho thấy một số nước châu Á đã dẫn đầu thế giới trong việc áp dụng rộng rãi thanh toán kỹ thuật số, đặt nền tảng cho sự phát triển vững mạnh của kinh tế số trong tương lai.
Kinh tế số ở Việt Nam
Tổng giá trị hàng hóa trong kinh tế số ở Việt Nam đã tăng nhanh trong thời gian qua, đạt 36 tỉ đô la sau khi tăng 16% trong năm 2024 và 25% trong năm 2023; đứng thứ ba trong sáu nước Đông Nam Á (bảng 1). Ước tính tổng giá trị hàng hóa ở Việt Nam sẽ tăng lên 90-200 tỉ đô la trong năm 2030, cao hơn các nước khác trong khu vực nhưng sau Indonesia (200-360 tỉ đô la) và ngang ngửa với Thái Lan (100-165 tỉ đô la).
Thương mại điện tử có tỷ trọng lớn nhất trong kinh tế số Việt Nam, tăng 18% trong năm qua, đạt 22 tỉ đô la. Tổng giá trị thanh toán kỹ thuật số tăng 18% lên đến 149 tỉ đô la, hay 32,4% GDP - cao hơn tỷ lệ trung bình ở Đông Nam Á.
Đặc biệt, tỷ lệ tổng giá trị hàng hóa trong kinh tế số/GDP ở Việt Nam là 7,8% (36/460 tỉ đô la). Nếu tính cả tổng giá trị của ngành ICT (là 10,2 tỉ đô la theo dẫn chứng của Cơ quan Quản lý thương mại quốc tế Mỹ - International Trade Administration) thì tổng giá trị kinh tế số (gồm cả ICT) lên đến 46,2 tỉ đô la; và tỷ lệ trên GDP là 10%. Tuy nhiên không thể coi 7,8% hay 10% là tỷ trọng của kinh tế số trong GDP Việt Nam vì tổng giá trị hàng hóa lớn hơn rất nhiều so với giá trị gia tăng của hoạt động kinh tế số. Giá trị gia tăng phải là giá trị ròng sau khi trừ giá trị các thành phần đầu vào tạo ra sản phẩm. Vì GDP cộng lại tất cả giá trị gia tăng của mọi hoạt động kinh tế, nên cũng phải dùng giá trị gia tăng của kinh tế số để tính tỷ trọng của nó trong GDP.
Phân biệt giữa tổng giá trị và giá trị gia tăng sẽ đặt ra câu hỏi là Việt Nam đã tính giá trị gia tăng của kinh tế số như thế nào để kết luận rằng tỷ trọng kinh tế số trong GDP của Việt Nam dự kiến đạt 18,6% trong năm 2024, và tới 25% trong năm 2025. Đặt câu hỏi này là nhằm mục đích trao đổi ý kiến về cách đo lường và tính toán giá trị gia tăng trong kinh tế số trong khi chưa có tiêu chuẩn thống nhất được thế giới công nhận và sử dụng. Để tham khảo: UNCTAD ước tính tỷ trọng của kinh tế số trong GDP toàn cầu ở trong khoảng từ 4,5-15,5%, biên độ rộng rãi này phản ánh tình trạng thiếu định nghĩa và dữ kiện chính xác về kinh tế số hiện nay.
Xét cho cùng, việc tính toán con số tỷ trọng kinh tế số/GDP thực sự là bao nhiêu không quan trọng vì nó không thay đổi thực trạng của các hoạt động kinh tế số. Quan trọng hơn là việc tìm hiểu thực trạng, tiềm năng, điểm mạnh và yếu của Việt Nam để đẩy mạnh tiến trình phát triển kinh tế số trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước trong khu vực nhằm thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp tiên tiến về kinh tế số trên thế giới.
Vai trò quan trọng của trí tuệ nhân tạo
Cách tiếp cận như thế càng quan trọng khi trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence - AI) đã bắt đầu phát huy tác dụng mở rộng và nâng cao hiệu năng của các hoạt động kinh tế số. Theo báo cáo Asia Pacific AI Readiness Index 2023 do Công ty Salesforce công bố hàng năm, AI tạo sinh (generative AI) sẽ tạo ra từ 2.600-4.400 tỉ đô la lợi ích kinh tế hàng năm cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương; và các nước có chỉ số sẵn sàng về AI (AI readiness index) cao sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc thu hoạch các lợi ích này. Chỉ số sẵn sàng về AI được tính toán dựa trên năm tiêu chuẩn: cơ sở hạ tầng, dữ kiện, tài năng, tiêu chuẩn đạo đức và khả năng tổng hợp (áp dụng các mô hình AI vào các hoạt động kinh tế). Xét 12 nước trong khu vực, Việt Nam đứng thứ 11 trong 12 nước này (bảng 2).
Vị trí khiêm nhường của Việt Nam phản ánh chỉ số sẵn sàng về AI của khu vực doanh nghiệp giảm nhiều nhất từ năm 2021 trong số các nước - từ hạng thứ 7 xuống hạng 11 - chủ yếu là do số doanh nghiệp tập trung vào AI tạo sinh còn quá ít. Chỉ số sẵn sàng về AI trong khu vực nhà nước đã tăng ít nhất so với các nước khác, nên giảm thứ hạng từ 8 xuống 11. Trong cả hai trường hợp, yếu tố quan trọng nhất gây ra sự suy giảm là thiếu hụt tài năng và chuyên môn AI trong nước, hạn chế khả năng phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có một số ưu điểm tương đối. Cụ thể, chỉ số sản phẩm sáng tạo (creative outputs) là 3,1; khá cao so với Malaysia (2,7), Thái Lan (2,5), Ấn Độ (2,4), Philippines (2,1), Indonesia (1,9). Chỉ số về doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) là 0,4; ngang Malaysia và Indonesia, cao hơn Thái Lan (0,3) và Philippines (0,1). Sau cùng, chỉ số đăng bài nghiên cứu về AI là 1,8; cao hơn Thái Lan (1,6), Indonesia (1,2) và Philippines (0,8) nhưng đứng sau Malaysia (3,2).
Nói chung, Việt Nam có khả năng tiến nhanh hơn trong lĩnh vực AI nếu thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 (ban hành năm 2021).
Trung tâm dữ liệu
Một nhược điểm khác của Việt Nam là công suất của trung tâm dữ liệu còn yếu kém so với các nước khác trong khu vực (bảng 3).
Trong tình trạng này, việc Alibaba vừa quyết định đầu tư vào một trung tâm dữ liệu và Nvidia đầu tư vào trung tâm AI ở Việt Nam là các thành tựu đáng khích lệ, thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực AI và kinh tế số trong tương lai. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải cố gắng nhiều để giải quyết các thử thách như đào tạo kỹ sư và chuyên viên AI và công nghệ số nói chung; xây dựng cơ sở hạ tầng như trung tâm dữ liệu; cũng như tăng cường phát triển các ưu điểm đã trình bày ở trên. Cùng lúc cần phải xây dựng khuôn khổ pháp lý và giám sát để bảo đảm an ninh dữ liệu, giảm nguy cơ thiên lệch/thành kiến trong các mô hình AI, chống phá hoại và các rủi ro khác. Làm được như thế mới có thể vận dụng hữu hiệu hơn tiềm năng của AI và công nghệ số trong tiến trình tăng trưởng kinh tế số, đồng thời giảm thiểu các hậu quả tiêu cực của nó, để kinh tế số có thể tăng năng suất lao động, phát huy vai trò đầu tàu cho tăng trưởng kinh tế.
(*) Kinh tế gia tại Mỹ