CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Vốn ngoại sẽ giúp bất động sản khu công nghiệp mang gam màu tích cực

Invest Global 09:38 11/07/2025

Năm 2025, bất động sản khu công nghiệp và nhà ở sơ cấp cùng phát đi tín hiệu hồi phục, khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trở lại và các doanh nghiệp chủ động đẩy mạnh nguồn cung mới.

(TBTCO) - Năm 2025, bất động sản khu công nghiệp và nhà ở sơ cấp cùng phát đi tín hiệu hồi phục, khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trở lại và các doanh nghiệp chủ động đẩy mạnh nguồn cung mới.

Vốn ngoại sẽ giúp bất động sản khu công nghiệp mang gam màu tích cực Kỳ vọng doanh số cho thuê đất trong các khu công nghiệp sẽ hồi phục và tăng trưởng trở lại. Ảnh tư liệu

Vốn FDI thúc đẩy khu công nghiệp

Theo đánh giá của giới chuyên gia, triển vọng tăng trưởng của ngành bất động sản khu công nghiệp được thúc đẩy chủ yếu nhờ dòng vốn FDI từ các tập đoàn quốc tế mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, yếu tố then chốt là kết quả bước đầu của đàm phán thương mại giữa Việt Nam - Hoa Kỳ, cũng như các chính sách điều hành kịp thời từ phía Chính phủ Việt Nam.

Doanh nghiệp khu công nghiệp sẽ bứt tốc từ năm 2027

Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS), giai đoạn 2027 - 2029, triển vọng thu hút vốn FDI vào Việt Nam và hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp sẽ tích cực hơn. Người tiêu dùng Mỹ được kỳ vọng sẽ dần thích nghi với mặt bằng giá mới, giúp doanh nghiệp xuất khẩu phục hồi đơn hàng và biên lợi nhuận. Đồng thời, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các “ông lớn” như Samsung, LG, Foxconn nhờ lợi thế về vị trí, nhân lực và môi trường đầu tư. Hạ tầng logistics đang hoàn thiện cũng góp phần nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.

Bà Lưu Bích Hồng - chuyên gia cao cấp tại Phòng Nghiên cứu và Phân tích, Công ty Chứng khoán Vietcap cho biết, chính sách thuế quan sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến dòng vốn FDI vào Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi và cần những động lực tăng trưởng mới.

“Từ góc độ phân tích, chúng tôi kỳ vọng doanh số cho thuê đất trong các khu công nghiệp sẽ hồi phục và tăng trưởng trở lại dù ở mức độ thận trọng nhờ mức nền so sánh thấp của năm 2024. Khi tâm lý thị trường ổn định hơn trước các bất định về thuế, đà tăng trưởng có thể cải thiện rõ nét trong các năm tiếp theo” - bà Hồng nhận định.

Cùng với đó, số liệu thực tế trong 6 tháng đầu năm 2025 cũng phần nào củng cố kỳ vọng này, khi tổng vốn FDI đăng ký đạt mức cao nhất kể từ năm 2009. Đáng chú ý, dòng vốn FDI giải ngân vào lĩnh vực sản xuất - động lực chính của nhu cầu thuê đất khu công nghiệp đã tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Liên quan đến triển vọng trung hạn, ông Phạm Nhật Anh - chuyên gia tại Vietcap cho biết, dựa trên những thông tin thị trường, nhóm phân tích tại Vietcap đã xây dựng ba kịch bản để đánh giá tác động của thuế quan đối với ngành bất động sản khu công nghiệp, dựa trên những thay đổi chính sách kể từ tháng 4. Trong đó, kịch bản cơ sở vẫn mang gam màu tích cực, với kỳ vọng Việt Nam duy trì được một phần lợi thế cạnh tranh, qua đó giúp doanh số cho thuê đất tăng khoảng 5% trong năm 2025.

“Về trung hạn, tốc độ tăng trưởng có thể đạt 14 - 16% mỗi năm trong giai đoạn 2026 - 2027, nhờ ba động lực chính gồm: nguồn cung gia tăng, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện và xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu sang Việt Nam” - ông Nhật Anh dự báo.

Bất động sản nhà ở khởi sắc

Song song với sự phục hồi của bất động sản công nghiệp, thị trường bất động sản dân dụng, đặc biệt là phân khúc sơ cấp cũng đang ghi nhận những tín hiệu tích cực. Theo bà Thân Như Đoan Thục - chuyên gia tại Vietcap, triển vọng thị trường sơ cấp trong năm 2025 được đánh giá tích cực hơn so với năm 2024 nhờ sự cải thiện đồng thời từ cả phía cung và cầu.

Cụ thể, khu vực miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, tiếp tục duy trì sức mua ổn định; trong khi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vệ tinh phía Nam bắt đầu ghi nhận dấu hiệu phục hồi rõ nét. Dù mặt bằng giá bán sơ cấp dự báo tiếp tục tăng, nhưng tốc độ tăng đã có xu hướng chậm lại, chỉ ở mức một chữ số do ảnh hưởng từ nền giá cao của năm trước. Các chủ đầu tư vì vậy được cho là sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược bán hàng linh hoạt nhằm thu hút người mua thực và nhà đầu tư trung hạn.

“Từ đầu năm đến nay, đặc biệt trong quý II, hoạt động mở bán và giới thiệu sản phẩm mới đã tăng mạnh, thể hiện tín hiệu tăng tốc rõ ràng của thị trường. Điều này củng cố thêm niềm tin rằng giao dịch sơ cấp sẽ duy trì đà tích cực trong nửa cuối năm” - bà Thục chia sẻ.

Về nguồn cung - yếu tố then chốt cho tăng trưởng bền vững, chuyên gia từ Vietcap dự báo lượng sản phẩm mới sẽ gia tăng đáng kể trong giai đoạn 2025 - 2026. Nguồn cung này đến từ cả hai nhóm là các dự án bước vào giai đoạn mở bán tiếp theo và các dự án hoàn toàn mới đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý. Xu hướng phát triển thị trường hiện nghiêng về những khu vực có mặt bằng giá hợp lý và tiềm năng hạ tầng lớn, đặc biệt là tại các vùng hưởng lợi từ các dự án giao thông trọng điểm.

“Tiếp nối những kỳ vọng này, khu vực phía Nam được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn từ tiến độ khả quan của các công trình như đường Vành đai 3, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cầu Nhơn Trạch, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và sân bay quốc tế Long Thành. Những tuyến kết nối này không chỉ tăng khả năng liên thông giữa các đô thị vệ tinh mà còn mở ra dư địa phát triển mới cho toàn thị trường” - bà Thục nhấn mạnh.

Đối với các doanh nghiệp bất động sản niêm yết, chuyên gia từ Vietcap ghi nhận sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về quy mô lẫn tiến độ triển khai dự án trong giai đoạn cuối 2025 đến 2027. Ngoài ra, chuyên gia từ Vietcap cũng chỉ ra một trong những chỉ báo đáng chú ý phản ánh kỳ vọng hồi phục của thị trường là doanh số bán hàng – yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp tới dòng tiền và triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp.

“Trong 3 năm tới, doanh số bán được kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể, nhờ kết hợp giữa việc đẩy mạnh mở bán các dự án mới và duy trì tiêu thụ tại các dự án hiện hữu. Sự hồi phục của thị trường không chỉ hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư mà còn là động lực để doanh nghiệp tái cơ cấu dòng vốn, nâng cao hiệu quả tài chính và năng lực phát triển dài hạn” - bà Thục nói.

Thể chế mới và đầu tư công mở ra chu kỳ tăng trưởng khu công nghiệp

Trong bối cảnh toàn cầu xuất hiện ngày càng nhiều rào cản thương mại như thuế đối ứng, thuế tối thiểu toàn cầu và làn sóng bảo hộ gia tăng, trong khi chi phí lao động tại Việt Nam không còn ở mức cạnh tranh như trước, Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi chủ động nhằm nâng cao năng lực thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp. Theo đánh giá của các chuyên gia từ VCBS, loạt chính sách mới đang được triển khai với trọng tâm là phát triển hạ tầng, cải cách thể chế và mở rộng không gian thu hút đầu tư chiến lược.

Trong đó, tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2030 dự kiến đạt khoảng 1.784 nghìn tỷ đồng, chủ yếu dành cho các dự án hạ tầng quy mô lớn, đặc biệt là các tuyến kết nối trung tâm công nghiệp với cửa khẩu, cảng biển và sân bay. Đồng thời, mô hình khu thương mại tự do (FTZ) lần đầu tiên được thí điểm tại Đà Nẵng từ năm 2025, với định hướng nhân rộng tại Vũng Tàu, Hải Phòng và các địa phương có tiềm năng.

Bên cạnh đó, quy hoạch chuỗi khu kinh tế ven biển trải dài từ Hải Phòng tới Nam Định với tổng diện tích gần 65.000 ha đang hình thành một hệ sinh thái công nghiệp – logistics quy mô lớn, tạo lực hút FDI bền vững. Về thể chế, Luật Quy hoạch, Đầu tư và PPP sửa đổi (có hiệu lực từ 1/1/2025) đã bổ sung nhiều ưu đãi đáng chú ý như thủ tục “làn xanh” hay Quỹ Hỗ trợ đầu tư và ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp FDI.

Ý kiến chuyên gia