CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

ADB: Việt Nam cần thay đổi cách thức cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài

Chuyên Gia 10:30 16/09/2020

Các chuyên gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng, Việt Nam không nên dựa nhiều vào ưu đãi và yếu tố chi phí thấp để thu hút đầu tư nước ngoài như trước nữa mà cần dựa nhiều vào yếu tố chất lượng, tạo ra hiệu quả về chất lượng, năng suất lao động, logistics.

Tại buổi công bố Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2020, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, nhận định, tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do COVID-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến. Nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ vững vàng trong năm 2020, phần lớn là nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của COVID-19. 

Báo cáo ADO 2020 cho rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự chuyển hướng sản xuất đang tiếp diễn từ Trung Quốc; sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc và việc thực thi hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu. Lạm phát được giữ ở mức thấp, khoảng 3,3% trong năm 2020 và 3,5% trong năm 2021.

Lễ công bố Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2020


Các chuyên gia của ADB cho rằng, triển vọng kinh tế của Việt Nam trong thời gian trước mắt sẽ có nhiều khó khăn, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và sự suy giảm trong nước đang cho thấy xấu hơn dự kiến. Tuy nhiên, Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế tương tự khác, và triển vọng của nền kinh tế trong trung và dài hạn vẫn tích cực.

“Các nền tảng kinh tế vẫn chưa bị suy giảm và Việt Nam có triển vọng được hưởng lợi từ các xu hướng thương mại, đầu tư và sản xuất toàn cầu hiện nay”, ADB nhận định.

Trả lời câu hỏi về vấn đề giải ngân đầu tư công, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB khẳng định, ADB là đối tác cho vay lâu dài của Việt Nam, trong đó phần lớn sử dụng trong việc đầu tư công. Trong bối cảnh dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam đã có giải pháp “khôn ngoan” khi thúc đầu đầu tư công, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Đại diện ADB cho rằng, dù vẫn còn nhiều thách thức khi tiến độ giải ngân bị ảnh hưởng do các khâu triển khai dự án như đánh giá tác động, giải phóng mặt bằng, một số việc gặp khó khăn hơn khi có dịch bệnh…, nhưng tiến độ giải ngân năm nay vẫn cao hơn so với một số năm vừa qua.

Về lĩnh vực ngân hàng, ADB nhận định, hoạt động cho vay sẽ vẫn tiếp tục yếu mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã áp dụng những biện pháp hỗ trợ. Các ngân hàng có thể không muốn nới lỏng các tiêu chuẩn cho vay để chấp nhận bảng cân đối kế toán yếu hơn của doanh nghiệp, do lo ngại gia tăng nợ xấu khi kết thúc thời hạn tái cơ cấu khoản vay. Nhu cầu tín dụng từ phía doanh nghiệp cũng giảm, đi đôi với lượng cầu thấp đối với các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp.

ADB dự báo tín dụng ngân hàng năm 2020 của Việt Nam được dự báo chỉ tăng 10%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng năm 14% của NHNN.

Phân tích về đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB nhận định, sang năm 2021, đầu tư sẽ được đẩy mạnh nhờ cải thiện giải ngân đầu tư công, hoạt động sản xuất tiếp tục chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam, kinh tế Trung Quốc phục hồi và Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu đi vào thực hiện để tự do hóa thương mại.

Tuy nhiên, các chuyên gia ADB cho rằng Việt Nam cần thay đổi cách thức cạnh tranh thu hút đầu tư, không dựa nhiều vào ưu đãi, yếu tố chi phí thấp như trước mà cần dựa nhiều vào chất lượng, tạo ra hiệu quả về chất lượng, năng suất lao động, logistics. “Quan trọng các nhà đầu tư đó có đáp ứng tiêu chuẩn chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn môi trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội địa kết nối hay không”, ông Nguyễn Minh Cường nói. 

Nguồn Nhà Đầu Tư

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan