CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Liên minh do Alibaba và Baring Private Equity Asia dẫn đầu sẽ đầu tư 400 triệu USD đổi lấy 5,5% cổ phần trong CrownX thuộc tập đoàn bán lẻ Masan. Theo thỏa thuận, Masan sẽ hợp tác với Lazada - nền tảng thương mại điện tử của Alibaba tại Đông Nam Á.
Băng qua các con phố đông đúc của TP.HCM trên chiếc xe Honda, Hồ Đức Quang mang theo đồ chơi, sách và các gói hàng khác để giao cho khách hàng của Tiki.vn.
Quang, 25 tuổi, cần phải nhanh chóng, do Tiki cam kết giao hàng trong 2 giờ. Anh dùng AirPods để thông báo cho khách hàng biết sắp đến nơi, nhưng có một thứ khiến anh chậm lại: Quang phải chờ khách hàng mở kiện, xác nhận đúng hàng trước khi khởi hành chuyến tiếp theo. Đó là một thao tác bắt buộc với những người chưa tin tưởng người bán hàng qua mạng.
Những chuyến giao hàng thần tốc của Quang giữa thành phố 9 triệu dân chỉ là một phần trong chiến dịch giành giật khách hàng, nhiều người trong số đó lần đầu tiên mua sắm trực tuyến do dịch bệnh. Không dễ để chiến thắng tại nơi mới chỉ có khoảng 1/3 người trưởng thành có tài khoản ngân hàng và chưa đầy 5% có thẻ tín dụng. Hầu hết mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống.
Một nhân viên chuyển phát nhanh của Tiki giao hàng cho một khách hàng tại TP.HCM vào ngày 24/5.
Mặc dù Euromonitor International ước tính thương mại điện tử chỉ chiếm 3% thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2020, thấp nhất khu vực Đông Nam Á, tiềm năng của thị trường vô cùng hấp dẫn. Theo một báo cáo của Google, Temasek, Bain & Co, nền kinh tế số Việt Nam dự đoán đạt 52 tỷ USD vào năm 2025, tăng 29% so với năm 2020.
Cạnh tranh khách hàng
Các startup được hậu thuẫn bởi Warburg Pincus, Goldman Sachs, JD.com hay Shopee, Amazon đều đang hướng tới tầng lớp trung lưu Việt Nam. Từ năm 2016 đến nửa đầu năm 2020, các nhà đầu tư đã rót 1,9 tỷ USD vào lĩnh vực trực tuyến trong nước.
Ông Ralf Matthaes, Giám đốc quản lý Infocus Mekong Research đánh giá: "Việt Nam đang trong giai đoạn đầu trở thành xã hội số với dân số trẻ, yêu công nghệ. Vì vậy, những công ty này phải cạnh tranh lẫn nhau để cung cấp dịch vụ".
Chính phủ đặt mục tiêu mua sắm trực tuyến chiếm 10% doanh số bán lẻ Việt Nam vào năm 2025. Cơ quan quản lý muốn giảm thanh toán tiền mặt để tạo ra nền kinh tế hiện đại, minh bạch hơn thông qua tăng giao dịch phi tiền mặt cho dịch vụ công và cải thiện khung pháp lý cho thanh toán điện tử.
Liên minh do Alibaba và Baring Private Equity Asia dẫn đầu sẽ đầu tư 400 triệu USD đổi lấy 5,5% cổ phần trong CrownX thuộc tập đoàn bán lẻ Masan. Theo thỏa thuận, Masan sẽ hợp tác với Lazada - nền tảng thương mại điện tử của Alibaba tại Đông Nam Á.
"Sự kết hợp giữa chuyên môn bán lẻ trực tuyến của Alibaba, nền tảng Lazada tại Việt Nam, mạng lưới offline của Masan sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ để hiện đại hóa thị trường bán lẻ của Việt Nam", ông Kenny Ho, Giám đốc đầu tư Đông Nam Á của Alibaba tuyên bố.
M-Service, startup đứng sau ví điện tử Momo hồi tháng 1 đã huy động hơn 100 triệu USD từ một nhóm đầu tư, bao gồm Warburg Pincus.
Lần đầu tiên trong đời sống mua sắm, người Việt Nam được “bao vây” bằng hình thức bán lẻ ưu tiên khách hàng vốn phổ biến trong các nền kinh tế phát triển.
Một kho hàng của Tiki tại TP.HCM. Ảnh: Yen Duong/Bloomberg
Lòng tin của người tiêu dùng
Các nhà bán lẻ qua mạng đang tìm cách "tán tỉnh" những người mua sắm cảnh giác với các cửa hàng lừa đảo, không áp dụng chính sách trả hàng. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, "người Việt Nam không tin tưởng những gì mà họ không nhìn thấy. Thông thường, họ cần phải biết họ đang mua cái gì. Họ phải ngửi nó và chạm vào nó".
Vì vậy, các trang web thương mại điện tử đua nhau tung ra chương trình tiếp thị, giảm giá mọi thứ từ tai nghe AirPods đến máy giặt Samsung. Startup ví điện tử cung cấp phiếu giảm giá. Tiki áp dụng chính sách hoàn hàng tối đa 30 ngày.
Nguyễn Thị Kim Chi, 31 tuổi, đang làm cho website giải trí, cho biết các món hàng giảm giá 70% và hướng đến khách hàng thu hút cô. Người mua được trao quyền đánh giá trực tuyến sản phẩm, dịch vụ. Nếu như bình thường, họ thường phải tới cửa hàng phàn nàn về chất lượng sản phẩm thấp và có thể xảy ra cãi nhau nhưng không có gì được điều chỉnh.
Theo ông Matthase, dịch bệnh thúc đẩy bán lẻ kỹ thuật số khi có thêm 30% người Việt Nam mua sắm mọi thứ từ thực phẩm đến đồ điện tử qua mạng năm 2020.
Chuyển dịch bán lẻ
Theo ông Jeffrey Perlman, Giám đốc quản lý Warburg Pincus tại Singapore, thị trường bán lẻ Việt Nam thay đổi nhanh hơn các thị trường khác.
Nhân viên đang nhập sản phẩm vào hệ thống. Ảnh: Yen Duong/Bloomberg
Tiki hiện là sàn thương mại điện tử nội địa lớn nhất cả nước. Kỹ sư phần mềm Trần Ngọc Thái Sơn xây dựng Tiki năm 2010 từ 5.000 USD. Ông Sơn viết code, mua 100 cuốn sách tiếng Anh từ Amazon rồi tự mình giao bằng xe máy.
Tiki có 3.100 nhân viên và hệ thống vận hành kho vận hiện đại do Henry Low, cựu lãnh đạo Amazon và Coupang giám sát. Cùng với sự lớn mạnh của công ty là nỗ lực thu hút khách hàng. Ông Sơn triển khai hệ thống lọc hàng giả hàng nhái và đứng về phía khách hàng. Chẳng hạn, nếu có lỗi trong điện thoại mới mua, khách hàng muốn trả lại, họ sẽ hỗ trợ 100%. Nếu người bán không ổn với quyết định này, Tiki sẽ tắt tài khoản của họ.
Từ bỉm tới bia
Theo Crunchbase, các nhà đầu tư như Sumitomo, JD.com đẫ đầu tư 192,5 triệu USD vào Tiki. Ông Sơn dự đoán sẽ có thêm nhiều vòng gọi vốn nữa và chuẩn bị kế hoạch IPO.
Theo ông Low, Tiki xử lý dưới 2 triệu đơn hàng mỗi tháng. Nhân viên bận rộn sắp xếp mọi thứ từ tã, bỉm tới bia Corona trong trung tâm hoàn thiện đơn hàng rộng 10.000m2. Tiki áp dụng trí tuệ nhân tạo và robot có khả năng vận chuyển các sản phẩm nặng 800kg để tăng tốc mọi thứ.
Nhờ hệ thống logistics, ông Sơn hướng tới năng lực vận chuyển 500.000 sản phẩm trong 2 giờ, tăng từ 200.000 hiện nay, giúp Tiki đạt mục tiêu lợi nhuận.
(Theo Bloomberg)