CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Bán chui cổ phiếu: Giám sát chưa chặt hay mức phạt chưa đủ răn đe?

Invest Global 09:16 08/04/2022

Ngày 6/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã xử phạt vi phạm hành chính số tiền 100 triệu đồng đối với bà Đỗ Thủy Tiên - người phụ trách quản trị của Công ty cổ phần (CTCP) Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (PSH) do không báo cáo về 2 lần dự kiến giao dịch.

Không là cá biệt

Mới đây, thông qua tài khoản tại công ty chứng khoán VPS, một lãnh đạo cấp cao của một ngân hàng thương mại đã bán 25.000 cổ phiếu VPB qua phương thức khớp lệnh và cũng không công bố thông tin đăng ký giao dịch theo quy định. 

Mua-ban-chui-3396-1649325617.jpg

Những hành vi mua bán "chui" không ngừng tái diễn, mang tới nhiều nỗi thất vọng cho các nhà đầu tư. (Ảnh minh họa)

Trước đó, đầu năm 2022, thị trường cũng bức xúc với giao dịch "bán chui" 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết khi đang ở vị trí Chủ tịch CTCP Tập đoàn FLC.

Do tính chất nghiêm trọng của vụ việc, ông Trịnh Văn Quyết đã bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán (TTCK)”.

Thống kê năm 2021, UBCKNN đã xử phạt hơn 303 vụ vi phạm công bố thông tin, làm giá, thao túng cổ phiếu… trên TTCK. Số tiền xử phạt thu được tăng 5,6% so với năm 2020, đạt gần 21 tỷ đồng.

Trong đó, vụ mua bán “chui” cổ phiếu gây chú ý là ông Trần Văn Bê, anh rể một lãnh đạo ngân hàng bị phạt hơn 940 triệu đồng và đình chỉ giao dịch chứng khoán trong 4 tháng.

Tương tự, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn cũng bị phạt bởi không báo cáo về dự kiến giao dịch như ông Võ Trường Sơn, Thành viên HĐQT CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đã bán 505.000 cổ phiếu HNG vào ngày 4/12/2020 nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.

Hay như việc ông Nguyễn Quang Huy, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP CMC  bị phạt 17 triệu đồng do thực hiện bán 58.707 cổ phiếu CVT vào ngày 11/12/2020 nhưng đến ngày 22/12/2020, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM mới nhận được báo cáo kết quả giao dịch của ông Huy.

Cái sảy nảy cái ung

Theo chuyên gia kinh tế, PGS - TS. Đinh Trọng Thịnh, việc các lãnh đạo doanh nghiệp bán chui cổ phiếu thực hiện rất dễ, bởi họ đều nắm giữ lượng lớn cổ phiếu. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát vấn đề này cũng dễ chứ không khó như thao túng thị trường. Tuy nhiên, suốt thời gian qua, tình trạng này vẫn tồn tại dai dẳng chủ yếu do việc quản lý, giám sát của cơ quan quản lý chưa đến nơi đến chốn.

“Những cơ quan như Trung tâm Lưu ký chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán… chưa làm hết trách nhiệm. Nếu sát sao thì khi thấy một lượng lớn cổ phiếu bán ra thì họ biết ngay. Thậm chí, nhiều người còn đặt vấn đề có sự thông đồng, làm ngơ để cho tình trạng này diễn ra”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Không chỉ vậy, chính việc xử lý còn quá nhẹ khiến những hành vi “bán chui” vẫn âm thầm diễn ra. Theo đó, những người "bán chui" chỉ bị phạt tiền, không “bõ bèn” gì so với lợi ích mà họ thu được. Chẳng hạn, trường hợp ông Trịnh Văn Quyết, nếu chỉ phạt 1,5 tỷ thì không thấm vào đâu so với lợi ích thu được hàng trăm tỷ nếu phi vụ trót lọt.

“Ví dụ khi bán chui chỉ có xử phạt hành chính rất nhẹ, phần xử phạt có khi chỉ bằng một phần nghìn lợi nhuận làm ra. Điều này "khuyến khích" nhà đầu tư “bán chui”. Thực ra luật đã quy định phải tịch thu những khoản lợi nhuận bất chính rồi phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự”, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI nhận xét.

Cũng theo một số chuyên gia, việc mua bán chui còn đi kèm với “bán khống”, tức là nâng khống giá trị của doanh nghiệp. Đây có thể xem là hành vi lừa dối nhà đầu tư. Tuy nhiên, thông thường mua bán chui còn đi kèm với thao túng thị trường, thổi giá cổ phiếu, khi đó, hành vi của những người này là lừa đảo, tội sẽ nặng hơn.

Theo đó, nhóm thao túng giá sẽ mua công ty chứng khoán nhỏ để làm công cụ làm giá bằng nhiều thủ đoạn như tạo lập hàng nghìn tài khoản để tạo cung cầu giả tạo; giả tài khoản nước ngoài; giả báo cáo tài chính; thành lập nhiều công ty ma để thực hiện các hành vi giao dịch giả tạo nhằm đẩy giá chứng khoán; tạo doanh thu lợi nhuận giả, tạo vốn điều lệ giả và ảo cao gấp hàng chục hàng trăm lần số vốn thực có để thực hiện hành vi “bán giấy lấy tiền thực”.

Trước vụ việc của ông Trịnh Văn Quyết, một vụ thao túng TTCK và lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác của bà Phạm Thị Hinh (nguyên Chủ tịch HĐQT công ty KSA) cũng từng khiến dư luận xôn xao khi bà Hinh đã sử dụng 69 tài khoản nhằm thực hiện lệnh mua bán, tạo cung cầu giả trên thị trường để thu hút các nhà đầu tư giao dịch mã cổ phiếu KSA, gây thiệt hại cho hàng nghìn nhà đầu tư với số tiền lớn.

Tương tự là vụ việc ông Lê Văn Hướng, Chủ tịch HĐQT CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật (JVC) bị xử lý hình sự vì hành vi thao túng giá cổ phiếu JVC.

Ngoài ra, còn có hàng loạt vụ việc thao túng TTCK khác bị phát hiện nhưng chỉ dừng ở mức xử lý vi phạm hành chính. Ví dụ như trường hợp ông Lê Mạnh Thường (Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân) và bà Phạm Thị Phương về hành vi thao túng giá cổ phiếu FTM bị phạt 1,2 tỷ đồng do sử dụng đến 50 tài khoản chứng khoán để giao dịch, nhằm tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu. Vụ việc khiến 12 công ty chứng khoán và một ngân hàng bị thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng.

Làm sạch thị trường, lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư

Cũng theo PGS - TS. Đinh Trọng Thịnh, việc mua bán "chui" cổ phiếu, thao túng các cổ phiếu, trái phiếu trên TTCK đã làm giảm tính công khai, minh bạch, giảm lòng tin cũng như gây thiệt hại đến quyền lợi của nhà đầu tư.

“Việc xử lý những hành vi vi phạm trên TTCK sẽ giúp cho các nhà đầu tư tin tưởng, an tâm hơn khi bỏ vốn vào thị trường, giúp cho TTCK trở nên minh bạch hơn”, ông Thịnh nói.

Ông Thịnh cho rằng, việc kiểm tra, giám sát, xử phạt vi phạm phải được thực hiện thật nghiêm minh thì mới có thể ngăn chặn tận gốc những hành vi sai phạm tương tự, bởi từ trước đến nay chủ yếu chỉ phạt hành chính. Tới đây, với việc mua bán "chui", thao túng thị trường ở mức độ lớn hoặc nếu tái phạm nhiều lần thì phải xử lý hình sự... 

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch VAFI Nguyễn Hoàng Hải nêu ý kiến: bên cạnh việc thanh tra, giám sát các giao dịch, cần phải thanh tra giám sát hoạt động niêm yết phát hành cổ phần của doanh nghiệp. Việc phát hành cổ phần khi giá cổ phiếu ở mức thấp có thể dẫn đến tình trạng “bán giấy” trên thị trường. Cùng với đó, hoạt động của các công ty chứng khoán thành viên, đặc biệt ở bộ phận môi giới cũng cần được kiểm soát.

Trong khi đó, giới luật sư cho rằng, nếu như ở nước ngoài, hành vi này bị xem là vi phạm và sẽ bị chế tài nghiêm. Trong khi những chế tài trong nước với các hành vi như vậy còn ít và chưa đủ sức răn đe. Do đó, Luật Chứng khoán cần được sửa đổi, bổ sung quy định chế tài với các hành vi can thiệp, hô hào làm giá công khai lộ liễu.

Trước đó, Bộ Tài chính cho biết đã giao UBCKNN sớm nghiên cứu và đề xuất giải pháp ngăn chặn tận gốc hành vi sai phạm tương tự, không thể để xảy ra sai phạm rồi cơ quan chức năng mới xử phạt. Trong tương lai gần, hệ thống của thị trường sẽ không cho phép trường hợp sai phạm rồi mà lại tái phạm tiếp được giao dịch bình thường.

Hải Giang

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan