CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Dự báo mới nhất từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán BVSC cho rằng, lợi nhuận ròng của CTCP Thế Giới Số (DGW) - một nhà bán lẻ mặt hàng điện máy và đồ công nghệ, trong năm nay sẽ giảm 34,7% so với năm 2022, phục hồi 29,4% trong năm 2024 và tăng trưởng 23,5% trong năm 2025.
Mất nhiều thời gian để phục hồi rõ rệt
Do triển vọng nhu cầu yếu hơn dự kiến, chuyên gia phân tích của BVSC đã điều chỉnh giảm đáng kể dự báo lợi nhuận ròng 2023-2025 cho DGW, giảm trung bình 29,6%.
Việc điều chỉnh giảm dự báo là do giả định doanh thu giảm, đặc biệt là doanh thu điện thoại di động và laptop, vốn là hàng không thiết yếu và có thể mất nhiều thời gian để phục hồi rõ rệt, và giả định biên lợi nhuận giảm do chia sẻ khó khăn với người dùng cuối và kích cầu.
Để lấy lại đà tăng trưởng 2 con số đối với các DN lớn trong mảng bán lẻ điện máy và đồ công nghệ không phải một sớm một chiều.
Trong báo cáo tài chính quý 1/2023 mới công bố của DGW cho thấy lợi nhuận ròng khá thấp, giảm đến 62,6% so với cùng kỳ năm 2022, còn 79 tỷ đồng, thấp hơn so với ước tính của các chuyên gia phân tích là 128,3 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu thuần của nhà bán lẻ này trong quý vừa qua đã giảm 43,5% so với cùng kỳ năm rồi, xuống còn 3.960 tỷ đồng.
Lường trước tình hình khó khăn còn kéo dài, tại đại hội cổ đông thường niên 2023 mới diễn ra, DGW đã được cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh 2023, với mục tiêu lợi nhuận ròng giảm mạnh 43% so với năm 2022, xuống mức 400 tỷ đồng, và mục tiêu doanh thu thuần đạt 20 nghìn tỷ (giảm 9,3%).
Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT của DGW, cho biết với dự kiến tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam, thị trường tiêu thụ nói chung sẽ phục hồi nhưng không đáng kể, khoảng 10%. Năm 2024 sẽ là năm ghi nhận tăng trưởng của công ty ở những ngành hàng hiện hữu và tất nhiên sẽ có sự đóng góp của những ngành hàng mới.
Theo ông Việt, nửa sau 2023 có thể sẽ có phục hồi so với nửa đầu năm 2023 nhưng không nhiều. Sức mua sẽ tiếp tục yếu, ít nhất đến nửa đầu 2024. Sức mua có thể trở lại bình thường vào nửa sau 2024.
Còn với CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), kết quả kinh doanh quý 1/2023 vừa công bố cho thấy, doanh thu đạt 26.990 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so với quý liền trước là quý 4/2022, doanh thu MWG giảm 11,8% và là quý tăng trưởng âm thứ tư liên tiếp.
Điểm chú ý doanh thu của hầu hết sản phẩm điện thoại và điện máy giảm từ 25% đến 35% so với cùng kỳ, ngoại trừ máy tính bảng, máy tính xách tay giảm mạnh đến khoảng 40-50%. Không những vậy, các sản phẩm ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) chiếm tỷ trọng lớn trong doanh số từ kinh doanh online. Do đó, doanh thu online của MWG cũng sụt giảm 40% so với cùng kỳ.
Sức mua điện thoại, điện máy từ đầu năm đến nay đang giảm mạnh hơn dự báo của MWG. Nhất là tâm lý thận trọng, trì hoãn trong quyết định chi tiêu đối với các sản phẩm lâu bền và giá trị cao đang diễn ra, ngay cả với nhóm khách hàng trung cao cấp do suy giảm niềm tin tiêu dùng trước những thách thức của nền kinh tế.
Chờ cải thiện rõ ràng hơn từ vĩ mô
Riêng với CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT), trong báo cáo quý 1/2023 đã thể hiện rõ doanh số của FPT Shop (chuyên về mặt hàng công nghệ) đã giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022, một phần được hỗ trợ bởi đóng góp doanh số từ 110 cửa hàng mới mở trong quý 2-4/2022.
Về tình hình bán hàng sản phẩm Apple, do nhu cầu yếu đã khiến FRT và các nhà bán lẻ phải bán các sản phẩm với mức lợi nhuận thấp đặc biệt và một số nhà bán lẻ thậm chí đã bán những sản phẩm này dưới giá thành.
Đối với chuỗi FPT Shop, phía FRT tỏ ra thận trọng trong việc mở rộng hệ thống cửa hàng do dự đoán tình hình kinh doanh khó khăn trong năm 2023. Lãnh đạo công ty này cho biết, sẽ chủ động đưa ra các chính sách, chương trình khuyến mại để đồng hành với khách hàng trong bối cảnh lạm phát tăng cao, từ đó dẫn đến biên lợi nhuận gộp dự kiến thấp hơn năm trước.
Mặt khác, FRT sẽ cải thiện lãi gộp bằng cách mở bán các mặt hàng gia dụng trong chuỗi, nâng từ 300 cửa hàng FPTShop có bán đồ gia dụng hiện tại lên 600 cửa hàng đến cuối 2023.
Trước vấn đề được đặt ra là hiện nay, mỗi người dân đều có điện thoại và laptop thì động lực tăng trưởng sắp tới của công ty là gì? Ông Hoàng Trung Kiên, Tổng giám đông FRT, cho biết trong điều kiện kinh tế thuận lợi trước đây người ta sẽ thay đổi máy mỗi năm, giờ thì 2 năm/lần, máy tính giờ đã phổ cập cho học sinh phổ thông, tạo ra nhu cầu tăng trưởng.
Theo ông Kiên, mặt hàng ICT ổn định sẽ tăng trưởng theo thị trường nhiều hơn, thay đổi về công nghệ luôn luôn tạo ra nhu cầu mới và có tạo ra nhu cầu thì các khách hàng sẽ quay lại. Đối với mặt hàng này sẽ vẫn có nhu cầu, tốc độ tăng trưởng ở mức ổn định, còn vượt bậc thì khó. Apple vẫn là hệ sinh thái tốt nhất trên thị trường hiện nay, fan (người ưa thích) Apple rất lớn. Công ty sẽ tiếp tục phát triển và đầu tư vào tập khách hàng này.
Như lưu ý của vị tổng giám đốc FRT, tỷ trọng sản phẩm Apple chiếm khoảng 50% doanh thu của FPT Shop. So với giai đoạn cao điểm thì giảm xuống, nếu cao điểm có thể tới 65%. Kinh doanh của Apple trong 1 năm trở lại đây là cạnh tranh về giá. Nhưng gần đây, do cạnh tranh về giá, FRT đem lại trải nghiệm trong hệ sinh thái của iPhone, chứ không phải chỉ tập trung vào giá.
Nhìn chung, để lấy lại đà tăng trưởng 2 con số đối với các DN lớn trong mảng bán lẻ điện máy và công nghệ không phải một sớm một chiều. Điều mà các nhà bán lẻ này kỳ vọng trong thời gian tới là cần có sự cải thiện rõ ràng hơn từ vĩ mô. Bên cạnh đó là nhu cầu thay thế từ người tiêu dùng trong giai đoạn dồn nén từ năm 2021 - 2022.
Điều quan trọng trong lúc này, để giải bài toán tăng trưởng là các nhà bán lẻ điện máy cần giữ cho được mảng cốt lõi, không đầu tư dàn trải, giảm thiểu chi phí, linh hoạt mở rộng chuỗi theo chiều ngang và chiều dọc. Với đặc thù của mảng điện máy và công nghệ, một khi có những thời điểm thuận lợi sức mua tốt thì DN cần ký được hợp đồng với các hãng lớn nhằm mang lại doanh thu đột phá.
Thế Vinh