CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Bất chấp COVID-19, thu hút và giải ngân vốn FDI vẫn là điểm sáng

Invest Global 09:04 27/05/2021

Nhàđầutư: Bất chấp COVID-19, thu hút đầu tư nước ngoài vẫn là điểm sáng của nền kinh tế khi cả vốn đăng ký lẫn vốn giải ngân đều tăng so với cùng kỳ. 

Dây chuyền sản xuất tại nhà máy của Công ty Foxconn ở tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Đức Thanh

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/5/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt gần 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngoài vốn đầu tư theo phương thức GVMCP giảm, thì cả vốn đầu tư mới và vốn điều chỉnh đều tăng lên trong 5 tháng đầu năm.

Đáng chú ý, quy mô dự án đầu tư nước ngoài đã tăng lên đáng kể. Theo báo cáo, sau 5 tháng có 613 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) mới, giảm 49,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên tổng vốn đăng ký đạt gần 8,83 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020).

Vốn điều chỉnh cũng có xu hướng tương tự khi chỉ có 342 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 21,6% so với cùng kỳ, nhưng tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt tới 3,86 tỷ USD tăng 11,7% so với cùng kỳ.

Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, mặc dù vẫn bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song nhiều doanh nghiệp tiếp tục phục hồi và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tốt. Minh chứng là việc vốn đầu tư thực hiện của các dự án ĐTNN trong 5 tháng đầu năm tăng 6,7% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư đăng ký mới vẫn tiếp tục tăng trong 5 tháng đầu năm 2021, cùng với vốn đăng ký điều chỉnh đã tăng trở lại sau khi giảm trong 4 tháng, góp phần làm tổng vốn đầu tư đăng ký trong 5 tháng tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Quy mô bình quân của các dự án cấp mới và các dự án điều chỉnh vốn cũng đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, từ 2,2 triệu USD/dự án mới trong 5 tháng năm 2020 tăng lên 14,4 triệu USD/dự án mới trong 5 tháng năm 2021 và từ 7,9 triệu USD/lượt dự án điều chỉnh vốn lên trên 11,3 triệu USD/lượt dự án điều chỉnh vốn.

Có thể thấy, ngoài các dự án lớn từ đầu năm như dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore) hay dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) thì dự án đáng chú ý nhất trong tháng 5/2021 là dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD.

Cục Đầu tư nước ngoài cũng nhận xét, đầu tư theo phương thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của các nhà ĐTNN tuy vẫn giảm so với cùng kỳ, song mức độ giảm cũng đang được cải thiện dần cả về số lượt GVCMP cũng như tổng giá trị vốn góp. Cụ thể, có 1.422 lượt GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 59,7% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt 1,31 tỷ USD (giảm 56,3% so với cùng kỳ).

Sau 5 tháng, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn hấp dẫn nhất khi dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,14 tỷ USD, chiếm 43,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,43 tỷ USD, chiếm 38,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Có một điều trái ngược trong năm nay, đó là ngoài các đối tác quen thuộc như Nhật Bản, Hàn Quốc luôn dẫn đầu bảng danh sách đối tác đầu tư, thì năm nay, Singapore đang tạm ngồi ở vị trí số 1 các quốc gia đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư 5,26 tỷ USD, chiếm gần 37,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Nhật Bản và Hàn Quốc tạm tụt xuống vị trí thứ hai và thứ ba với lần lượt tổng vốn đăng ký đầu tư là 2,59 tỷ USD và 1,83 tỷ USD.

Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, xuất nhập khẩu của khu vực ĐTNN vẫn tiếp tục tăng trong 5 tháng đầu năm, tuy nhiên mức độ tăng giảm nhẹ so với 4 tháng. Khu vực ĐTNN xuất siêu 12,6 tỷ USD kể cả dầu thô, bù đắp phần nhập siêu gần 12,5 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, giúp cả nước xuất siêu khoảng 131 triệu USD.

NGUỒN NHÀ ĐẦU TƯ

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan