CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Bất ngờ: Kinh tế khó khăn nhưng gần 80% doanh nghiệp F&B làm ăn tốt, hơn 50% thậm chí định mở rộng quy mô

Invest Global 15:54 07/04/2024

Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2023 của iPOS cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi những khó khăn chung của nền kinh tế, ngành kinh doanh F&B vẫn khẳng định sức hút với doanh thu ở mức ổn định cao.

Cụ thể, theo khảo sát của iPOS, có đến 79,6% doanh nghiệp F&B ghi nhận tình hình kinh doanh đang có xu hướng tốt và đủ nguồn lực để phát triển trong tương lai gần.

Trong số 2.255 đơn vị phản hồi có tình hình kinh doanh tốt, 51,7% chủ quán tiết lộ dự định mở rộng quy mô trong tương lai gần. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sự tự tin của các doanh nghiệp vào thị trường F&B đầy tiềm năng.

Bất ngờ: Kinh tế khó khăn nhưng gần 80% doanh nghiệp F&B làm ăn tốt, hơn 50% thậm chí định mở rộng quy mô- Ảnh 1.

Nguồn: iPOS.

Tuy nhiên, 33,5% đơn vị không có nhu cầu mở rộng. Một vài lý do được đưa ra là doanh nghiệp đang hài lòng với tình hình kinh doanh hiện tại, hoặc lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn khi mở rộng như: sự cạnh tranh gay gắt từ các chuỗi lớn, quản lý nhân sự khó khăn, chưa đảm bảo được chất lượng đồng đều của sản phẩm...

iPOS cũng tiến hành khảo sát về khả năng duy trì kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn, cho thấy một bức tranh đa chiều với những tín hiệu tích cực đan xen cùng một số lo ngại tiềm ẩn.

Trong 577 đơn vị phản hồi về tình hình kinh doanh khó khăn, 78,7% doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động trên 3 tháng nếu tình trạng khó khăn tiếp diễn. Trong đó, gần 40% doanh nghiệp có thể trụ vững trong 3 - 6 tháng tới, và 38,8% dự đoán có thể trụ vững trên 6 tháng.

"Khả năng duy trì trong bối cảnh khó khăn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm năng lực nội tại của doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh phù hợp và duy trì hoạt động phát triển bền vững trong tương lai. Tuy vậy, trong thời điểm kinh tế và tiêu dùng đang có nhiều tín hiệu khởi sắc, việc duy trì để vượt qua khó khăn ít nhất 3 tháng sẽ là điều kiện cần trong hiện tại", iPOS phân tích.

Theo số liệu của iPOS, tính đến hết năm 2023, số lượng nhà hàng/quán cà phê tại Việt Nam đạt mốc 317.299 cửa hàng, tăng 1,26% so với năm trước đó. Mức tăng trưởng này thấp hơn so với dự đoán vào đầu năm 2023, do làn sóng đóng cửa của các cửa hàng F&B vừa và nhỏ, chiến lược thu hẹp quy mô chi nhánh của các doanh nghiệp lớn.

Tuy vậy, thị trường F&B vẫn ghi nhận tăng trưởng doanh thu ở mức vừa phải, đạt 11,6%, vượt mốc 590.000 tỷ đồng, giữa lúc nhiều ngành nghề ghi nhận sụt giảm doanh thu.

Bất ngờ: Kinh tế khó khăn nhưng gần 80% doanh nghiệp F&B làm ăn tốt, hơn 50% thậm chí định mở rộng quy mô- Ảnh 2.

Chia sẻ trong series podcast Chapter 0 của Rising Vietnam, anh Vũ Trường Giang - Founder chuỗi cà phê …Ka Coffee dự đoán, trong năm 2024 F&B vẫn sẽ là ngành hút được nhiều vốn đầu tư.

"Các ngành khác như bất động sản hiện có khả năng hấp thụ vốn kém. Trong khi đó, vốn nhàn rỗi trong dân còn rất nhiều. F&B dẫu sao cũng là ngành mà khi hấp thụ vốn vào có thể ra tiền mặt ngay. Cho nên, năm 2024 sẽ có nhiều người đầu tư vào F&B.

Khó khăn về mặt tiêu dùng vẫn vậy, tức là đầu tư vào nhưng ra hàng cũng không dễ. Tuy nhiên vẫn có nhiều người đầu tư F&B, thị trường cạnh tranh hơn và cũng nhiều bên bị đào thải hơn", anh Giang nhận định.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan