“Bệ đỡ” cho hệ sinh thái ngân hàng số

PHƯƠNG HÀ |

ENTERNEWS.VN Cơ sở hạ tầng thanh toán số vẫn còn hạn chế ở Việt Nam. Bởi vậy, cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng này để trở thành “bệ đỡ” cho hệ sinh thái ngân hàng số ở Việt Nam.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực ở mức 4,9%, trong khi tỷ lệ này tại Trung Quốc là 26,1%, Thái Lan đạt 59,7%, Malaysia lên đến 89%...

Tồn tại hay không tồn tại

Ngay từ đầu năm 2020 khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều ngân hàng đã lao vào cuộc đua phát triển ngân hàng số. Theo đó, công nghệ sẽ thay thế rất nhiều nghiệp vụ mà nhân viên ngân hàng đang làm hiện nay, như nhập liệu, xử lý số liệu, tương tác với khách hàng trong các giao dịch...

Bởi vậy trong thời gian qua, lĩnh vực ngân hàng đã chứng kiến sự ra đời của nhiều mô hình mới, như ngân hàng di động, ngân hàng online… Việc ứng dụng các công nghệ vào hoạt động ngân hàng cũng gia tăng, một số ngân hàng bước đầu đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), robot và dữ liệu lớn (Big Data) trong thu thập, phân tích, dự báo thị trường để xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh cũng như phân tích dữ liệu khách hàng nhằm hỗ trợ việc đánh giá, phân loại khách hàng và ra quyết định giải ngân, cho vay, góp phần rút ngắn thời gian từ nhiều ngày xuống trong ngày...

Đặc biệt, các ngân hàng sẽ tận dụng giá trị của Big Data về tập quán chi tiêu và thanh toán của khách hàng nhằm đưa ra các giải pháp tài chính phù hợp. Nhờ vào công nghệ, nhiều ngân hàng có khả năng sáng tạo ra những dịch vụ phù hợp với từng khách hàng. Đặc biệt, mô hình mở rộng mạng lưới chi nhánh sẽ không còn phù hợp vì chi phí cao và không hiệu quả trong bối cảnh chuyển đổi số ở các ngân hàng ngày một lớn.

Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực.

Thậm chí, một số ngân hàng đặt vấn đề chuyển đổi số với tinh thần rất cao, đó là “tồn tại hay không tồn tại”. Trong đó, có thể điểm một số cái tên như: Vietcombank, TPBank, VPBank, Techcombank…

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết nhằm ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu tiên tiến của cuộc cách mạng 4.0, NHNN hỗ trợ đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng trong thời gian tới, như: hoàn thiện cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý; xây dựng phát triển hạ tầng theo hướng đồng bộ; triển khai tiêu chuẩn thanh toán QR code, thẻ chip…

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng số

Trong hệ sinh thái ngân hàng số, thanh toán số có tầm quan trọng đặc biệt, thu hút sự quan tâm hàng đầu của các TCTD và các đơn vị trung gian thanh toán. Đây cũng là một trong những mục tiêu lớn được Chính phủ và NHNN đặc biệt quan tâm trong những năm gần đây.

Theo ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, đã có 32 đơn vị được NHNN cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó 28/32 đơn vị cung ứng dịch vụ cổng thanh toán; 29/32 đơn vị cung ứng ví điện tử và 78 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet, 44 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán điện thoại di động.

Trong thời gian qua, thanh toán số đã tăng trưởng mạnh (trên 150% về giá trị và 100% về số lượng). Thanh toán di động đang trở thành xu hướng mới với việc ứng dụng các công nghệ mới như QR Code, Giao tiếp trường gần (NFC), số hóa thông tin thẻ (Tokenization), Xác thực sinh trắc học (Biometric Authetication)… ở Việt Nam.

Tuy nhiên, thanh toán số ở Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, ông Phạm Tiến Dũng đặc biệt nhấn mạnh đến các hạn chế về cơ sở hạ tầng thanh toán, hiện mới tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị, chưa vươn tới được khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng thành toán số để tăng cường kết nối, tích hợp giữa đơn vị cung ứng dịch vụ với các hệ thống thanh toán tạo cơ sở để triển khai hệ sinh thái ngân hàng số. “Đây chính là mục tiêu mà NHNN cùng hệ thống ngân hàng hướng đến và dành sự quan tâm đặc biệt trong thời gian tới”, ông Dũng cho biết.

Ông Phạm Tiến Dũng cũng khẳng định, chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 cũng đặt ra mục tiêu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán xuống dưới mức 10% vào cuối năm 2020 và còn 8% vào cuối năm 2025. Một trong những định hướng và giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của NHNN tại Việt Nam trong 2020 là phải triển khai hạ tầng công nghệ tập trung để tích hợp với các ngành, lĩnh vực xây dựng hệ sinh thái nhằm tăng cường giám sát, đảm bảo an toàn hoạt động thanh toán số.

Ngoài việc tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng thanh toán số, cần sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết hợp sinh trắc học, nhân khẩu học; kiện toàn hệ thống hạ tầng cơ bản về tiền điện tử, ngân hàng đại lý, xác thực điện tử (eKYC)... để sớm hoàn thiện hệ sinh thái ngân hàng số.

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp.