CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Mất quyền tự quyết về room vốn ngoại khiến ngân hàng có nguy cơ phải bán cổ phần ở thời điểm giá rẻ nhất. Với ngân hàng thương mại nhà nước có thể bị thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.
Với nhiều điểm mới, Luật Chứng khoán 2019 (có hiệu lực đầu năm 2021) hứa hẹn làm tăng tính minh bạch của thị trường chứng khoán, bảo vệ tốt hơn nhà đầu tư.
Thế nhưng, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa đưa ra lấy ý kiến lại có nhiều điểm gây tranh cãi. Trong đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dự kiến bỏ quyền tự định đoạt tỷ lệ sở hữu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài (room vốn ngoại) của các doanh nghiệp đại chúng. Với ngành kinh doanh đặc thù, có nhiều yếu tố nhạy cảm như ngân hàng, quy định này đang ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Nếu Ban soạn thảo không sửa đổi, các ngân hàng sẽ phải gánh chịu thiệt hại.
Bài 2: Ngân sách nguy cơ thiệt ngàn tỷ, ngân hàng hẹp cửa tăng vốn
Mất quyền tự quyết về room vốn ngoại khiến các ngân hàng có nguy cơ phải bán cổ phần ở thời điểm giá rẻ nhất. Với ngân hàng thương mại nhà nước, quy định mới này sẽ gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.
Vietcombank từng bán 15% cổ phần cho Mizuho với giá 34.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 24,1% so với thị giá cổ phiếu VCB trên thị trường. Ảnh: Đ.T
Hàng ngàn tỷ đồng ngân sách có thể “bốc hơi”
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại hiện nay chỉ loanh quanh 9-10%. Thêm vào đó, vẫn còn một nửa số ngân hàng chưa đạt chuẩn Basel II. Áp lực tăng vốn để đáp ứng yêu cầu về quản trị theo chuẩn mực mới đang được đặt ra rất bức thiết, nhất là trong bối cảnh Covid-19 đang đe dọa sức khỏe ngân hàng.
Với các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước, việc tăng vốn thời gian qua hầu như phải dựa vào việc chào bán cổ phần cho đối tác nước ngoài. Nhờ quyền tự quyết về room ngoại, các ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV đều chào bán cho nhà đầu tư ngoại ở mức giá tốt, thậm chí cao hơn giá thị trường, giúp ngân sách thu về nguồn thặng dư vốn cổ phần lớn, tăng giá trị doanh nghiệp.
Cụ thể, năm 2011, Vietcombank bán 15% cổ phần cho Mizuho với giá 34.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 24,1% so với thị giá cổ phiếu VCB trên thị trường. Tương tự, cuối năm 2012, VietinBank chào bán thành công gần 20% vốn cho Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ với mức giá 24.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 18,2% so với giá thị trường của cổ phiếu CTG tại thời điểm ký kết.
Cuối năm 2019, BIDV công bố chào bán thành công 15% vốn cho đối tác Keb Hana với giá 33.640 đồng/cổ phiếu. Mức giá này so với thời điểm hai bên bắt đầu ký Thỏa thuận sơ bộ (tháng 8/2017) đã cao hơn 76%, còn nếu so với thời điểm hai bên bắt đầu công bố với công chúng ý định “tìm hiểu” nhau (đầu năm 2018), thì cao hơn 24,6%. Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, quá trình bán cổ phần cho đối tác chiến lược tại BIDV kéo dài chủ yếu do chưa gặp nhau về giá.
Những ví dụ trên cho thấy, nhờ quyền tự quyết về room ngoại, các ngân hàng đã lựa chọn được không chỉ thời điểm bán tốt nhất, mà cả đối tác trả giá cao nhất, mang lại thặng dư vốn lớn cho ngân sách. Nếu quyền tự quyết này bị bãi bỏ, ngân hàng phải mở toang room cho vốn ngoại, chắc chắn nhà đầu tư ngoại chỉ mua cổ phiếu ở thời điểm giá rẻ.
VietinBank, Vietcombank đang đề xuất Chính phủ cho nới room sở hữu với nhà đầu tư ngoại. Theo lộ trình, Chính phủ cũng sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ tại cả 4 ngân hàng VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank về 65% vào năm 2025. Như vậy, lượng vốn mà Nhà nước sẽ thoái khỏi lĩnh vực ngân hàng thời gian tới là rất lớn.
Nếu bị tước quyền định đoạt, phải mở toang toàn bộ room còn lại cho nhà đầu tư nước ngoài giao dịch, đồng nghĩa xóa hết các lợi thế về thời điểm, lựa chọn nhà đầu tư… , ngân hàng sẽ phải chào bán phụ thuộc hoàn toàn vào giá thị trường. Tính trên tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại các ngân hàng quốc doanh, con số thiệt hại khi ngân hàng bị mất quyền tự quyết về room ngoại ước tính lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, có rất nhiều ví dụ cho thấy, trao quyền tự quyết về room cho doanh nghiệp không chỉ tốt cho doanh nghiệp, mà cho cả Nhà nước. Và đương nhiên, khi giá trị doanh nghiệp tăng lên, cổ đông nhỏ cũng sẽ hưởng lợi.
“Các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn cho nhà đầu tư chiến lược thường có giá cao hơn giá thị trường, như VietinBank, Vietcombank hay BIDV. Hay như câu chuyện Sabeco, việc trao quyền định đoạt về room ngoại, ra quyết định thoái vốn đúng thời điểm đã giúp Công ty thu về 5 tỷ USD. Trong khi đó, nếu phải mở toang room để bán tự do trên sàn chứng khoán, đến thời điểm này, doanh nghiệp có thể ‘hụt’ mất vài tỷ USD. Bảo vệ lợi ích cổ đông nhỏ lẻ là đúng, song cũng cần phải hài hòa, bảo vệ cả lợi ích của doanh nghiệp”, ông Kiên đề nghị.
Tăng vốn: Manh áo đã chật càng thêm hẹp
Không chỉ ngân hàng thương mại quốc doanh, mà các ngân hàng TMCP tư nhân cũng đang đứng trước áp lực tăng vốn rất bức thiết, để đáp ứng nhu cầu mở rộng kinh doanh và đáp ứng tiêu chuẩn Basel II.
Gần đây, hầu như năm nào đại hội đồng cổ đông của các ngân hàng cũng đặt ra vấn đề tăng vốn, song rất ít ngân hàng thực hiện được. Nguồn vốn trong nước hạn chế, ngân hàng chỉ tăng vốn nhỏ giọt từ nguồn cổ tức không chia, từ phát hành trái phiếu, chia cổ tức bằng cổ phiếu… Việc tăng mạnh vốn điều lệ như kỳ vọng chỉ có thể thực hiện với ngân hàng chào bán thành công cho đối tác nước ngoài.
Đây cũng là lý do room ngoại lên tới 30%, nhưng hầu hết các ngân hàng đều chỉ giới hạn room ở một tỷ lệ nhất định, thậm chí khóa sạch room để làm dư địa tăng vốn ở thời điểm thích hợp. Dư địa tăng vốn đã ít, nếu lại bị tước quyền định đoạt room, thì lại càng thêm hạn hẹp, khiến các ngân hàng vô cùng lo lắng.
Trong một lần chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư trước đây, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho rằng, lý do mà VPBank chưa vội vàng mở room để tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài là nhiều nhà đầu tư nước ngoài chỉ nhìn về thị trường Việt Nam như một đích đầu tư ngắn hạn và có thể cơ cấu danh mục bất kỳ lúc nào. Trong khi đó, VPBank muốn tìm một nhà đầu tư đồng hành dài hạn, có thể bổ khuyết, hỗ trợ cho Ngân hàng phát triển.
Tương tự, sau nhiều năm tìm kiếm và đàm phán, cuối tháng 6/2020, OCB đã chào bán thành công 15% vốn cho Aozora và đang tiếp tục tìm kiếm đối tác để lấp đầy 10% room ngoại còn lại. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB khẳng định, Ngân hàng đang rất cần những nhà đầu tư dài hạn, trường vốn với nguồn lực đầu tư mạnh, sẵn sàng khi ngân hàng cần triển khai chiến lược kinh doanh.
Thế nhưng, cả VPBank và OCB sẽ có nguy cơ mất cơ hội tìm các nhà đầu tư dài hạn có thể hỗ trợ ngân hàng phát triển, nếu toàn bộ room ngoại sẽ phải mở toang cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho hay, ngân hàng rất cần đối tác nước ngoài để tăng vốn, song không thể bán bằng mọi giá, mà phải tìm nhà đầu tư chất lượng, đàm phán giá có lợi nhất. Tuy nhiên, nếu không được tự chủ về room ngoại, thì việc đàm phán với đối tác ngoại rất khó khăn. Nhà đầu tư ngoại sẽ chọn mua bán tự do trên sàn, thay vì ký hợp đồng hợp tác lâu dài kèm theo các cam kết khác để hỗ trợ ngân hàng.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc để ngân hàng được quyền tự quyết về room ngoại rất quan trọng. Đặc biệt, các ngân hàng TMCP nhỏ và vừa đang rất cần sự hỗ trợ của đối tác chiến lược nước ngoài về mặt quản trị, công nghệ, tài chính… Tước đoạt quyền định đoạt về room ngoại cũng chính là tước mất cơ hội để các ngân hàng này lột xác về quản trị, tăng cường tính minh bạch, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động… với sự giúp đỡ của nhà đầu tư chiến lược.
Chưa kể, thực tế diễn ra ở một số ngành cho thấy, đã có trường hợp nhà đầu tư ngoại thông qua công ty con ở nhiều quốc gia khác nhau, nắm giữ quyền chi phối cao hơn mức cho phép tại doanh nghiệp trong nước, gây bất lợi cho cả ngành hàng. Với tính chất nhạy cảm như ngành ngân hàng, nếu kịch bản này xảy ra, an ninh tài chính của cả nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.
(Còn tiếp)
Nguồn Báo Đầu Tư