CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(KTSG Online) – Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về các chính sách thu liên quan đến bất động sản như bổ sung đánh thuế đối với nhà và nghiên cứu xây dựng luật thuế tài sản hay bất động sản (nếu có).
Bộ Tài chính muốn đánh thuế nhà ởĐánh thuế nhà đất, cần đặt mục tiêu chống đầu cơCụ thể, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về chính sách thu hiện hành liên quan đến bất động sản bao gồm các khoản thu khi xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng và thu khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, lệ phí trước bạ).
Bên cạnh đó, các khoản thu trong quá trình sử dụng tài sản bao gồm thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Các khoản thu khi chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp với bên chuyển quyền là cơ sở kinh doanh và thuế thu nhập cá nhân với bên chuyển quyền là hộ gia đình, cá nhân.
Bộ Tài chính thêm một lần lấy ý kiến về việc đánh thuế nhà và tài sản. Ảnh minh họa: V.DũngBộ Tài chính đề xuất các đơn vị được lấy ý kiến có đánh giá các kết quả đạt được trong thời gian có hiệu lực thi hành của các chính sách liên quan bất động sản tính đến năm 2022 so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra khi xây dựng, bao gồm cả số liệu tổng quát thực tế.
Nội dung đánh giá cụ thể bao gồm từng chính sách thu như đối tượng, căn cứ tính, chính sách miễn giảm và nhóm các vấn đề.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đưa ý kiến đề xuất sửa đổi nội dung cụ thể tại Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Đồng thời bổ sung nội dung mới cần quy định tại luật, bao gồm đề xuất có gộp 2 luật thuế kể trên hay không, bổ sung đánh thuế đối với nhà và nghiên cứu xây dựng luật thuế tài sản hay bất động sản (nếu có).
Bộ Tài chính đề xuất các đơn vị đưa ý kiến tổng hợp có bao nhiêu nội dung cấp thiết cần sửa đổi ngay trong năm nay và bao nhiêu nội dung chưa cấp thiết, sẽ sửa đổi hoặc thay thế.
Cũng tại văn bản này, Bộ Tài chính đề xuất Tổng cục Thống kê cung cấp cách phân loại các nhóm thu nhập và số liệu liên quan đến số hộ có nhà ở trong giai đoạn 2016-2021. Trong đó, lấy số liệu nhà đã hoàn thành, không phân biệt đã đưa vào sử dụng hay chưa.
Đồng thời, đề nghị Bộ Xây dựng cung cấp số liệu liên quan đến số lượng căn hộ chung cư thuộc các dự án, số lượng nhà ở riêng lẻ trên thị trường trong cùng giai đoạn 2016-2021. Số này bao gồm các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng (số lượng dự án, số căn, tổng số diện tích, suất vốn đầu tư xây dựng…). Tương tự là với các loại nhà ở riêng lẻ bao gồm, tổng số lượng nhà và các loại nhà trong giai đoạn này.
Với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND địa phương, Bộ Tài chính đề nghị cung cấp số liệu chi tiết về các loại đất trong giai đoạn 2016-2021, bao gồm cả diện tích đất sử dụng sai mục đích và giá đất bình quân tại bảng giá đất do UBND địa phương ban hành.
Liên quan tới đề xuất đánh thuế nhà và tài sản, đầu năm 2018, Bộ Tài chính từng đưa ra đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản. Trong đó, bộ dự kiến đánh thuế đối với nhà, đất ở, tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị 1,5 tỉ đồng trở lên. Tuy nhiên, đề xuất này sau đó đã vướng phải nhiều ý kiến trái chiều và không được đưa vào chương trình xây dựng luật.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhiều chuyên gia kiến nghị cần có chính sách đánh thuế tài sản đối với những trường hợp có nhiều tài sản để tăng thu ngân sách và điều tiết thị trường. Đồng thời, trước sự tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản trong thời gian qua, thuế tài sản có thể là công cụ để hạn chế “sốt” đất.
Đầu năm nay, trong công văn gửi tới Thủ tướng về “các giải pháp đặc trị sốt đất, sốt giá nhà”, Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã đưa ra đề xuất đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất, đánh thuế cao người chậm đưa đất vào sử dụng, xem xét ban hành “thuế bất động sản” đánh trên giá trị nhà và đất… để triệt tiêu ý chí găm giữ đất, chậm đưa đất vào sử dụng, chống đầu cơ đất đai…