CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng - Bài 2: Có rất nhiều người tài nhưng họ chưa trở thành nguồn lực của đất nước

Chuyên Gia 14:53 11/09/2020

Giờ đây người tài đang ở đâu? Họ ở nước ngoài? Nhiều người tài chỉ làm chuyên viên, nghiên cứu, không được phát huy hết khả năng của mình - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trăn trở.

LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu phần 2 bài thuyết trình của Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trước các cán bộ của Bộ về những vấn đề phát triển.

Người thắng cuộc sẽ chiếm lĩnh tất cả

Từ khóa mà tôi thích là “kết nối” và “chia sẻ”. Nó tạo một nền tảng chung để chúng ta hợp tác phát triển. Chúng ta phải kết nối và chia sẻ với nhau để thịnh vượng và phát triển vì không ai đi một mình mà đi xa, đi bền trong thế giới ngày nay được. Tất nhiên, muốn đi đến đích nhanh phải chọn đúng đường và các quyết sách đưa ra cần chính xác, kịp thời…

Trong cuốn sách “Tầm nhìn thay đổi quốc gia”, tác giả viết một điều mà tôi rất chia sẻ: Mỗi buổi sáng thức dậy, con linh dương luôn nghĩ nó phải chạy nhanh nhất, nhanh hơn con sư tử vì nếu không, nó sẽ bị ăn thịt. Con sư tử cũng nghĩ phải chạy nhanh nhất, nhanh hơn con linh dương vì nếu không, nó sẽ chết đói. Điều đó thể hiện tư duy luôn tiên phong đi đầu, luôn là số một.


Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Người Việt Nam cần phải giàu trước khi già. Ảnh: Lê Tiên

Tác giả cuốn sách ấy còn nói: Ta leo đến đỉnh núi Everest hay mặt trăng thì không ai nhớ đến ta, người ta chỉ nhớ người đầu tiên đặt chân đến đó mà thôi. Các cuộc thi hoa hậu cũng vậy, họ chỉ nhắc đến hoa hậu chứ ít nhắc đến á hậu. Người thắng cuộc sẽ chiếm lĩnh tất cả.

Giữ nhịp cải cách, khơi thông dòng chảy

Chúng ta cần tiếp tục kiên trì công cuộc đổi mới và cải cách. Mỗi sự đổi mới, thay đổi luôn tạo giá trị tăng thêm. Cải cách thủ tục hành chính giúp giảm bớt thời gian, giúp hạ thấp chi phí tuân thủ để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Chúng ta cần tư duy nhất quán này trong việc hoạch định chính sách phục vụ công cuộc phát triển đất nước.

Tuy nhiên, tôi nhận thấy trong quá trình xây dựng thể chế, chúng ta hay tạo rào cản vì chưa hiểu đúng vai trò, chức năng giữa nhà nước và thị trường; chưa hiểu rõ quản lí nhà nước là gì và nên quản lý  bằng công cụ nào.

Trong rất nhiều trường hợp, chúng ta cứ cấm cái đã, dựng rào cản cái đã. Đó là tôi chưa nói chúng ta cố tình dựng rào cản lên… Rồi chúng ta thấy bất cập lại sửa, rồi mỗi lần sửa lại coi đó là cải cách. Khác nào dòng nước đang chảy, ta lấy đá lấp đi khiến dòng chảy chậm lại, tắc nghẽn, sau đó ta dỡ đá ra khiến nước chảy bình thường trở lại, rồi gọi đó là cải cách. Tư duy vậy là không đúng. Lẽ ra, cần khơi thông dòng chảy chứ không phải be bờ, đắp đập ngăn nó.

Mọi chính sách phải hướng tới hạnh phúc của người dân

Tôi muốn nhấn mạnh, chúng ta cần có tư duy tốt phân định vai trò, chức năng và nhiệm vụ giữa nhà nước và thị trường trong xây dựng các quy định pháp luật để tránh chồng chéo, xung đột, gây lãng phí, phiền hà.

Nhân dân phải là chủ thể trong quá trình phát triển. Mọi chính sách của Nhà nước phải xoay quanh và hướng tới hạnh phúc của người dân, nếu không chính sách để cho ai? Người làm chính sách chúng ta phải khắc cốt ghi tâm điều này.

Tương quan giữa ổn định và phát triển

Lâu nay chúng ta thường thảo luận giữa ổn định và phát triển nhanh. Cặp phạm trù này rất hay. Nếu khéo léo thực hiện, nó bổ sung cho nhau, còn nếu không, nó sẽ tạo mâu thuẫn. Ổn định là tiền đề cho phát triển nhanh, nhưng phát triển nhanh cũng là tiền đề cho ổn định. Nếu không phát triển nhanh làm sao có nguồn lực để giữ ổn định. Ngược lại, nếu không ổn định làm sao phát triển nhanh. Tất nhiên, cần vận dụng cặp phạm trù này tùy vào từng giai đoạn lịch sử.


Bộ trưởng KH&ĐT trong chuyến khảo sát khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hoá tháng 7/2020, nhằm đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại địa phương

Trước đây, nền kinh tế Việt Nam yếu kém, mong manh, dễ tổn thương nên chúng ta đặt ra mục tiêu là giữ vững ổn định. Nhưng giờ đây chúng ta ổn định, chính trị ổn định, xã hội đã ổn định, chúng ta cần tập trung sang phát triển nhanh để duy trì ổn định. Chứ còn cứ giữ ổn định mãi thì làm sao phát triển nhanh được.

Có thể có ý kiến không đồng tình nhưng tôi cho rằng, hiện nay chúng ta đã ổn định rồi nên chúng ta cần phát triển nhanh lên một chút theo nghĩa để duy trì ổn định chứ không phải để phá vỡ cái ổn định đó. Đây là suy nghĩ cá nhân của tôi.

Chúng ta cần xác định đâu là động lực để phát triển nhanh và bền vững tới đây. Tôi cho rằng có 2 yếu tố là khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và con người. Nếu không tập trung 2 yếu tố này, chúng ta sẽ khó phát triển trong thời đại 4.0.

Tranh thủ nguồn lực con người để phát triển nhanh

Tôi muốn nói đến yếu tố con người - nguồn lực mạnh nhất, tiềm tàng nhất của quốc gia nhưng chúng ta chưa phát huy. Người Việt Nam chúng ta thông minh, chịu khó, ý chí cao được chứng minh qua những giai đoạn lịch sử khác nhau. Nhưng chúng ta thử hỏi, giờ đây người tài đang ở đâu? Họ đang ở nước ngoài? Nhiều người tài chỉ làm chuyên viên, nghiên cứu, không được phát huy hết khả năng của mình. Việt Nam có rất nhiều người tài nhưng họ chưa trở thành nguồn lực của đất nước. Đây là điều chúng ta phải suy nghĩ.

Tôi rất tâm huyết với việc thành lập Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, đã quy tụ được nhiều người Việt Nam ở nước ngoài, từ đó kết nối với nhau phục vụ đổi mới sáng tạo. Chúng ta cũng đang thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia.

Chúng ta cần tranh thủ nguồn lực con người để phát triển nhanh, nhất là giai đoạn dân số vàng hiện nay. Người Việt Nam cần phải giàu trước khi già. Đến năm 2030, Việt Nam chuyển sang giai đoạn già hoá dân số. Quỹ thời gian chỉ còn 10 năm nữa thôi nên chúng ta phải tận dụng được nguồn nhân lực đang đầy sức sống này trước khi đất nước chuyển sang giai đoạn già hóa dân số, áp lực xã hội gia tăng.

Phân bổ nguồn lực để đảm bảo hiệu quả đầu tư

Thị trường là cơ chế quan trọng nhất để đảm bảo phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả. Tuy nhiên, cơ chế của chúng ta khác; chúng ta có chủ trương phát triển cân bằng giữa các vùng miền, không để khoảng cách giàu nghèo doãng ra. Vì thế, trong phân bổ nguồn lực, chúng ta vừa phải đảm bảo mục tiêu kép là trên hiệu quả cũng như dựa trên phát triển trên hài hòa và cân bằng.

Đầu tư công trong giai đoạn tới đề nghị xử lí theo hướng dựa trên sự cân bằng nhưng cũng phải dựa vào hiệu quả, tập trung cho một số cực tăng trưởng để bứt phá, từ đó đóng góp cho ngân sách nhà nước nhiều hơn. Chúng ta cần chú ý hơn đến các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng dù vẫn phải đảm bảo hài hòa, cân bằng với các vùng kém phát triển hơn.

Trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, chúng ta đã nhất quán về việc sử dụng hiệu quả nguồn lực, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư. Chúng ta tư duy theo hướng kiến tạo phát triển, cho GDP to ra, có nhiều doanh nghiệp mạnh hơn, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách, lúc đó nợ công sẽ tự khắc giảm đi. Tuy nhiên, cũng có quan điểm phải giữ được nợ công, bội chi ở mức thấp mà không chú ý đến phát triển, đến tăng trưởng GDP. Đây là mâu thuẫn trong phát triển.

Cá nhân tôi theo xu hướng kiến tạo cho phát triển, làm sao để phát triển nhanh hơn, để GDP lớn lên thì tự khắc đạt mục tiêu kép là vừa phát triển mà nợ công, bội chi giảm xuống. Còn cứ giữ nợ công, bội chi ở mức thấp thì có lợi ích không nếu không có tăng trưởng?

Vẫn còn tư duy đầu tư theo kiểu 'con nhà lính tính nhà quan'

Trong chúng ta vẫn còn tư duy đầu tư theo kiểu “con nhà lính tính nhà quan” hay “bóc ngắn cắn dài”. Tức là tệ đầu tư dàn trải. Chúng ta khắp nơi cùng đầu tư, các công trình lại manh mún, nhỏ bé, kém kết nối. Đầu tư theo cách đó làm sao đủ nguồn lực, nếu không nói là triệt tiêu hết nguồn lực. Cách đầu tư này tạo ra sự lãng phí còn cao hơn tham nhũng nhiều. Phải tập trung cho đầu tư, hạ tầng để phát triển, giảm chi thường xuyên.

Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 5-10 năm tới đã có ý tưởng thiết kế tăng trưởng nhanh dựa vào các động lực, đô thị thông minh nhất là Hà Nội, TP.HCM và 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Tăng trưởng nhanh cần dựa vào các vùng kinh tế trọng điểm, những vùng có khả năng tạo của cải vật chất chứ dàn trải, dựa vào các tỉnh khác có thế yếu hơn về năng lực cạnh tranh thì khó.

Chẳng hạn, TP.HCM cần tập trung phát triển được trung tâm tài chính quốc tế. Cách đây hơn 10 năm, tôi đã làm đề án với nước ngoài để hình thành trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam. Bây giờ là cơ hội vàng để thực hiện ý tưởng này, nếu không làm được sẽ là lãng phí.

Kỳ cuối: Phải vượt lên trên trước chứ không đi theo, đi sau

Nguồn Viêt Nam Net

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan