CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chỉ ra 8 nhóm giải pháp để phục hồi nền kinh tế

Invest Global 11:49 09/08/2021

Nhàđầutư: Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2021, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã chỉ ra 8 nhóm giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế trong thời gian tới. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất giải pháp mạnh mẽ hơn trong khoanh nợ, tái cấu trúc nợ, gia hạn các khoản nợ cũ cho doanh nghiệp. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu từ điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Bộ KH&ĐT

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2021, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư đã khiến cho những mảng màu xám loang rất nhanh trong bức tranh toàn cảnh khu vực doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn, các nguồn lực dự trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm.

Trong tháng 7, số doanh nghiệp mới đã giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ tăng 0,8% - mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 (trung bình là 8,1%). Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, đợt dịch thứ 4 này đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn người lao động, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chỉ ra 8 nhóm vấn đề mà doanh nghiệp đang phải đối diện. Một là tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm.

Thứ 2 là doanh thu giảm mạnh trên diện rộng. Trong đó, ngành du lịch không phát sinh doanh thu, dẫn đến dòng tiền bị thiếu hụt nghiêm trọng, khiến cho các doanh nghiệp rất khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ ba là chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng caodẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào, làm đội chi phí giá thành sản xuất.

Thứ tư là chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ.

Thứ năm là lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, kể cả lưu thông trong nước, giữa một số tỉnh, thành phố do áp dụng các chính sách phòng, chống dịch bệnh chưa thống nhất và hợp lý. 

Thứ sáu là khó khăn về lao động. Để cầm cự trước dịch bệnhnhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động.

Thứ bảy là khó khăn về chuyên gia. Các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp FDI còn gặp khó khăn với vấn đề nhập cảnh, đặc biệt đối với những tập đoàn lớn vào Việt Nam nghiên cứu, quyết định dự án quy mô lớn và cấp mới/điều chỉnh giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài.

Thứ tám là khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. 

Từ đó, Bộ KH&ĐT đã đề ra 8 nhóm giải pháp trong ngắn và dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế trong thời gian tới.

Một là thực hiện các biện pháp, phòng chống dịch COVID-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hai là, đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn.

Ba là hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp bằng các giải pháp mạnh mẽ hơn hỗ trợ khoanh nợ, tái cấu trúc nợ, gia hạn các khoản nợ cũ; giảm lãi suất cho các khoản vay cũ và mới; khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ về giãn, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp với giá trị khoảng 20 nghìn tỷ và giảm tiền thuê đất khoảng 700 tỷ sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Thứ tư là tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia bằng triển khai có hiệu quả gói chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động giá trị khoảng 26 nghìn tỷ, nới lỏng các quy định, điều kiện về việc cấp/gia hạn giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài.

Thứ 5 là các chính sách dài hạn như xây dựng chính sách phát triển doanh nghiệp có tính chiến lược, khai thác lợi thế ngành, lĩnh vực để đón bắt cơ hội nhằm phục hồi nền kinh tế; cần có chính sách để phát triển các doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn, đóng vai trò dẫn dắt. 

Tiếp theo là nâng cao hiệu quả triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; rà soát, tháo gỡ vướng mắc pháp lý; thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.

Cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động và khai thác dư địa của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, để DNNN được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.

THEO NHÀ ĐẦU TƯ

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan