CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Cần xây dựng bộ tiêu chí để thu hút được các doanh nghiệp FDI

Invest Global 14:25 25/06/2020

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Cần xây dựng bộ tiêu chí để thu hút được các doanh nghiệp FDI

THẮNG QUANG
 

 

Nhàđầutư
"Để tận dụng cơ hội trong dịch COVID-19, chúng ta cũng cần phải xây dựng một bộ tiêu chí để thu hút được các doanh nghiệp FDI, nhất là những dự án mà ảnh hưởng công nghệ thấp, ảnh hưởng đến môi trường, sử dụng nhiều lao động, nhiều tài nguyên, nhiều năng lượng...", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

 

Chiều 15/6, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Chuyển trạng thái cầm cự sang hồi phục và phát triển kinh tế

Ông Nguyễn Chí Dũng cho biết nhìn chung thì hầu hết các đại biểu đều thống nhất với đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của Chính phủ. Đặc biệt là những nhiệm vụ, giải pháp kịp thời, chính xác trong phòng, chống dịch COVID-19, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh và phục hồi phát triển kinh tế đất nước.

Bên cạnh đó có nhiều ý kiến tâm huyết, đề xuất rất xác đáng về những vấn đề được xã hội quan tâm như là tiếp tục phòng chống hiệu quả dịch COVID-19, hạn chế tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế.

Các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển nhanh nền kinh tế; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong nước, thu hút có chọn lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm trong tình hình mới.

nguyen-chi-dung

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: PV

Ngay từ khi dịch COVID-19 xảy ra, nước ta đã sớm nhận thức đúng, có đối sách phù hợp, kịp thời hành động quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả để đến hôm nay tròn 60 ngày nước ta đã khống chế thành công và không để dịch lây lan rộng trong cộng đồng và góp phần duy trì ổn định chính trị - xã hội, kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an ninh, trật tự xã hội.

"Có thể nói Việt Nam đã thực hiện khá thành công nhiệm vụ kép đó là vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân, vừa duy trì được sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Về định hướng, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ năm 2020, Bộ trưởng KH&ĐT cho hay, trước những khó khăn, thách thức, tồn tại và diễn biến khó lường của dịch, quán triệt ý kiến kết luận của Bộ Chính trị tại kết luận số 777 ngày 5/6/2020 Chính phủ đã trình Quốc hội trước mắt chưa điều chỉnh các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội năm 2020.

Về dự báo tình hình và khả năng tăng trưởng kinh tế năm 2020, hiện tại, quốc tế đã đưa ra các dự báo khác nhau về tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam và thế giới.

Mức độ chính xác và tính khả thi của mỗi dự báo phụ thuộc vào các biến số kinh tế xã hội, thời điểm kết thúc đại dịch COVID-19 và khả năng sản xuất được vaccine và thuốc điều trị đặc trưng.

Theo dự báo chung Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tăng trưởng dương, đây là một dự báo tích cực đối với nền kinh tế nước ta, phản ánh hiệu quả các chính sách của ta trong thời gian qua là nhanh chóng kiểm soát, hạn chế tối đa được các thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra, cũng là để hỗ trợ cho tăng trưởng góp phần nhanh chóng chuyển từ trạng thái cầm cự sang phục hồi và phát triển.

Mặc dù nền kinh tế nước ta đang dần trở lại hoạt động bình thường nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực sản xuất phục vụ xuất khẩu, du lịch, vận tải hàng không…

Qua kết quả thực hiện 5 tháng đầu năm và dự báo tăng trưởng quý 2 thì chưa thể tăng trưởng cao trở lại. Các chỉ số về sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, sức mua trong nước … vẫn đang còn ở mức thấp, đặc biệt là những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay.

Về hỗ trợ các doanh nghiệp, số liệu điều tra cho thấy các doanh nghiệp bao gồm cả các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về dòng tiền của các doanh nghiệp.

Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nhưng mức độ tiếp cận các giải pháp hỗ trợ của các doanh nghiệp còn rất khác nhau. Một số chính sách chưa đi vào cuộc sống còn khó tiếp cận.

Tại kỳ họp thứ 9 này, Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội xem xét thông qua các giải pháp thuộc thẩm quyền của Quốc hội, theo đó sẽ có nhiều giải pháp mạnh hơn hướng tới hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc cần làm hiện nay của các cấp, các ngành là cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn các giải pháp đã đề ra, đồng thời tổ chức theo dõi, đánh giá hiệu quả từng giải pháp để từ đó đề xuất điều chỉnh, cần thiết cải cách hành chính mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay trong hoạt động của các doanh nghiệp.

Xây dựng bộ tiêu chí thu hút doanh nghiệp FDI

Về tận dụng cơ hội, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ KH&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt để đón làn sóng hợp tác đầu tư nước ngoài mới trên tinh thần quán triệt chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 50.

Việc tận dụng cơ hội về vị thế, uy tín và hình ảnh đất nước Việt Nam đã được cải thiện mạnh mẽ trong thời gian vừa qua, được quốc tế quan tâm nhưng vẫn duy trì được các kết quả tích cực trong tăng trưởng kinh tế.

Hiện nay, Việt Nam đang trở thành một điểm đến an toàn cho đầu tư, thương mại và du lịch. Tuy nhiên, một số các đại biểu đã đề cập, để đón nhận được làn sóng đầu tư mới này nhất là thu hút được các tập đoàn lớn, các nhà đầu tư lớn có rất nhiều việc cần phải làm.

Nhất là việc cải cách mạnh mẽ thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuẩn bị tốt các điều kiện như về hạ tầng, về đất đai, về lao động, về năng lượng, về quy hoạch. Chính sách phải ổn định nhất quán, các quyết định phải nhanh chóng, kịp thời.

Bên cạnh đó thì cũng cần lựa chọn những dự án phù hợp với định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị và theo đó thì những dự án phải có sức lan tỏa, gắn kết và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ và được tham gia vào các chuỗi giá trị của các doanh nghiệp mới.

Các bộ, ngành, địa phương cần có hành động cụ thể với tinh thần chủ động hơn để tranh thủ sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư. Trọng tâm là các tập đoàn đa quốc gia lớn, có công nghệ cao và đứng đầu các chuỗi cung ứng chuỗi giá trị.

Đồng thời cũng cần phải xem các nhà đầu tư cần gì để trao đổi, hợp tác, đáp ứng được các điều kiện mà họ mong muốn, mang lại những lợi ích cho cả 2 phía trong bối cảnh các nước khác cũng đang cạnh tranh gay gắt, quyết liệt để thu hút dòng đầu tư này thì Việt Nam cần phải có các chính sách ưu đãi kịp thời, mang tính cạnh tranh hơn để đảm bảo thu hút được đầu tư có chọn lọc như chúng ta mong muốn.

"Cùng với đó, chúng ta cũng cần phải xây dựng một bộ tiêu chí để thu hút được các doanh nghiệp FDI, nhất là những dự án mà ảnh hưởng công nghệ thấp, ảnh hưởng đến môi trường, sử dụng nhiều lao động, nhiều tài nguyên, nhiều năng lượng...", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Về đầu tư công, vị Bộ trưởng nhìn nhận nhiều đại biểu đã bày tỏ sự đồng tình về các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công có vai trò quan trọng, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong điều kiện hiện nay.

Kết quả giải ngân đầu tư công của 5 tháng đầu năm cho thấy có xu hướng tích cực và cao hơn so với cả cùng kỳ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quy định về thủ tục chưa thực sự hỗ trợ được giải ngân vốn đầu tư công như về đấu thầu, xây dựng, đất đai, môi trường,... làm mất nhiều thời gian trước khi triển khai thực hiện dự án.

VQK-0222-Original

Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội. Ảnh: NY

Thời gian tới cần phải tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định này tạo điều kiện thuận lợi hơn để thúc đẩy đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công và sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Sớm hoàn thành các dự án, nhất là các dự án hạ tầng quan trọng của đất nước phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mặt khác, đầu tư công cũng cần phải có những kế hoạch và phải đi trước một bước so với thực tiễn của công tác thu chi ngân sách nhà nước để chuẩn bị tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Chính phủ đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành nguyên tắc tiêu chí định mức phân bổ vốn đầu tư cho nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 để có căn cứ xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn.

"Đây là yếu tố rất quan trọng, bởi lẽ nguyên tắc tiêu chí định mức phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 trước đây không còn phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công và không thể áp dụng được cho giai đoạn 2021-2025", lãnh đạo Bộ KH&ĐT khẳng định.

Cũng theo ông Nguyễn Chí Dũng, tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát và đề xuất sửa đổi hoàn thiện các quy định, thực hiện quyết liệt cải cách, khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực cho phát triển; tập trung nâng cao hơn nữa năng lực quản trị quốc gia, hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật; giải quyết những vướng mắc trong thủ tục hành chính.

Chính phủ cũng đẩy nhanh các thủ tục phê duyệt, điều chỉnh các chính sách mới, giải quyết các bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển nhất là khu vực kinh tế tư nhân; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế trong từng ngành, từng lĩnh vực theo hướng mở rộng không gian phát triển, tìm kiếm thêm những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Trong đó coi trọng thúc đẩy nội nhu và tăng cường năng lực của nền kinh tế hỗ trợ cho phát triển từng ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu, khơi dậy nội lực, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

Nguồn: Nhà Đầu tư

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan