CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Nhàđầutư: Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định về việc thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Cảng hàng không Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư
Phối cảnh sân bay Quảng Trị
Theo Quyết định 964/QĐ-TTg của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng được phân công làm Chủ tịch Hội đồng.
Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các thành viên khác gồm lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải; Tư pháp; Tài chính; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Quốc phòng; Công an; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định liên ngành.
Trách nhiệm, quyền hạn và nguyên tắc hoạt động của Hội đồng thẩm định liên ngành thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Hội đồng thẩm định liên ngành được sử dụng con dấu và tài khoản (nếu cần) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phục vụ cho hoạt động của Hội đồng.
UBND tỉnh Quảng Trị có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan đến quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.
Cảng hàng không Quảng Trị theo quy hoạch nằm tại xã Gio Linh và Gio Mai, huyện Gio Linh, là cảng hàng không nội địa dùng chung dân dụng và quân sự. Mục tiêu quy hoạch là cấp sân bay 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO), là sân bay quân sự cấp II với công suất là một triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm với loại tàu bay khai thác code C hoặc tương đương có khả năng đỗ tàu bay code E.
Tổng nhu cầu sử dụng đất của cảng là 316,572ha, trong đó diện tích dùng chung là 177,642ha, diện tích đất khu hàng không dân dụng là 87,730ha, diện tích đất khu quân sự là 51,2 ha. Nội dung Quy hoạch Cảng hàng không Quảng Trị tập trung vào quy hoạch khu bay, các công trình quản lý điều hành bay, khu phục vụ mặt đất, các công trình phụ trợ cảng.
Quy hoạch khu phục vụ mặt đất gồm có nhà ga hành khách hai cao trình với tổng công suất thiết kế đạt một triệu hành khách/năm và nhà ga hàng hóa.
Quy hoạch giao thông gồm đường trục vào cảng mỗi bên rộng ba làn xe chạy, có giải phân cách giữa. Bố trí trạm thu phí tại vị trí thích hợp để bảo đảm quản lý, khai thác xe ra vào cảng hàng không. Ngoài ra còn có cầu cạn, đường nội bộ, đường công vụ.
Hệ thống sân đỗ ô-tô được xây dựng phía trước nhà ga hành khách diện tích khoảng 8.900m2 có khả năng mở rộng đồng bộ với việc mở rộng nhà ga hành khách.
Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2021-2023 với tổng mức đầu tư 3.214 tỷ đồng (trong đó, Nhà nước tham gia 233,103 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương để giải phóng mặt bằng khu vực sân bay (dự án thành phần 1); vốn nhà đầu tư huy động 2.981,049 tỷ đồng để xây dựng cảng hàng không (dự án thành phần 2). Thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn của dự án thành phần 2 là 47 năm 1 tháng.
THEO NHÀ ĐẦU TƯ