CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
NGUYỄN VĂN TOÀN - Phó Chủ tịch VAFIE21, Tháng 06, 2021 | 06:34
Tổng cục Hải quan (TCHQ) đang lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, các Hiệp hội Việt Nam và nước ngoài về bản dự thảo nghị định “Quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.
Hiện tại, trình tự thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu được thực hiện theo các quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và các nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của các luật trên bao gồm:
+ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định chi tiết thi hành một số điều Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/20218 và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09/11/2018);
+ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.
+ Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
+ Và một số điều trong các Nghị định: Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09/11/2018; Nghị định số 84/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019; Nghị định số 08/2015/ NĐ-CP ngày 21/01/2015; Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018.
Bước đột phá trong quản lý nhà nước về hải quan. Ảnh: Hà Nội mới.
Thời gian qua, theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính và TCHQ đã xây dựng các chương trình và giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đáng chú ý là đã triển khai đề án nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/215 của Thủ tướng Chính phủ, thúc đẩy cơ chế một cửa Quốc gia, cơ chế một cửa Asean, chương trình cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020...
Tuy nhiên, theo đánh giá của TCHQ, công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp như: phạm vi, đối tượng quản lý và kiểm tra rộng, chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để kiểm tra,chưa thực hiện thống nhất giữa các bộ, ngành và giữa văn bản hướng dẫn và văn bản pháp lý cao hơn; quy định kiểm tra quá mức cần thiết; đã áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro nhưng chưa toàn diện, chưa đảm bảo tính minh bạch , tính dự báo, tính nhất quán trong hệ thống pháp luật về kiểm tra chuyên ngành cũng như trong tổ chức thực hiện.
Từ thực trạng trên đòi hỏi phải đổi mới tư duy, xây dựng mô hình quản lý mới công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hành hóa XNK. Cần cải cách toàn diện trên cơ sở chuẩn hóa hệ thống và mô hình quản lý. Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày12/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu là bước đi cơ bản nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Trong Quyết định nói trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng, trình chính phủ ban hành nghị định “Quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.”
Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, Dự thảo Nghị định đã quán triệt mục tiêu xây dựng mô hình quản lý mới trong Quyết định 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ:
Cải cách toàn diện các quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hóa quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức;
Cắt giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu;
Tạo môi trường, điều kiện cần thiết thực hiện xã hội hóa hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, bảo vệ môi trường, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng;
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật đối với hàng hóa nhập khẩu, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn kinh tế;
Tổ chức lại mô hình hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đơn giản, hiệu quả, phân công trách nhiệm một cách hợp lý, rõ ràng, minh bạch giữa các bên tham gia (các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, cơ quan hải quan, các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định).
Dự thảo NĐ đã thể hiện rõ 7 nội dung cải cách tại Quyết định 38/QĐ-TTg bao gồm:
Cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra.
Đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra.
Áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo đảm vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp.
Bổ sung đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.
Ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để triển khai mô hình mới.
Về quản lý rủi do, nội dung Dự thảo NĐ đã thể hiện rõ xu hướng cởi mở, tạo thuận lợi cho cho DN trên cơ sở cơ quan quản lý nhà nước áp dụng tối đa phương pháp quản lý rủi ro, thống nhất các phương thức kiểm tra bao gồm: kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm. Đây là phương thức quản lý tiên tiến thể hiện tính cởi mở gắn chặt với trách nhiệm của doanh nghiệp trên cơ sở năng lực và độ tự tin của hệ thống quản lý.
Dự thảo Nghị định cũng đã quy định thể hiện rõ quyền hạn và trách nhiệm của các bộ, ngành trong lĩnh vực phụ trách chuyên ngành, không quản lý chồng chéo gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Dự thảo Nghị định đã được Ban soạn thảo chỉnh sửa nhiều lần (bản mới nhất ngày 21/5/2021) trên cơ sở giải trình và tiếp thu những đóng góp của các Bộ, Ban, ngành, các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội trong nước và nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có ý kiến đóng góp của Hiệp hội doanh nghiệp ĐTNN (Vafie).
Nghị định khi được ban hành sẽ bãi bỏ và thay thế nhiều nội dung quy định về kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm tại bảy Nghị định hiện hành gồm:
Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018; Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018; Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09/11/2018; Nghị định số 84/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019; Nghị định số 85/2019/ NĐ-CP ngày 14/11/2019; Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015; Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018.
Nghị định “Quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá về quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan nói chung và quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu nói riêng.
THEO NHÀ ĐẦU TƯ