CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Theo ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở KH&ĐT Thanh Hóa, dù đứng thứ 6/63 tỉnh, thành giải ngân vốn đầu tư công cao, nhưng để tăng hiệu quả, vẫn cần tăng cường điều chuyển dòng vốn này .
Dự án đường nối từ bản Nà Đang với bản Ngày (huyện Lang Chánh), 1 dự án đầu tư công đã hoàn thành và đi vào sử dụng.
Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hoá, tính từ đầu năm đến cuối tháng 11-2020, toàn tỉnh đã giải ngân được hơn 9.859 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 84,2% kế hoạch cả năm. Con số này đã giúp Thanh Hoá đứng ở vị trí thứ 6 trong 63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất trong cả nước.
Trong một cuộc họp trực tuyến gần đây liên quan đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đánh giá cao các tỉnh nằm trong tốp đầu, trong đó có Thanh Hóa.
Chỉ tính riêng Sở Giao thông vận tải, từ đầu năm đã được tỉnh giao làm chủ đầu tư 12 dự án giao thông lớn trên địa bàn tỉnh với tổng số vốn giao là 1.661 tỷ đồng. Đến nay, tiến độ triển khai các dự án đang bảo đảm yêu cầu.
Ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc sở Kế Hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa.
Kết quả này chính là sự nỗ lực rất lớn của Thanh Hóa, nhất là trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, có được kết quả đó là do Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương đưa ra kế hoạch đầu tư công ngay từ đầu năm 2020, từ đó giao trách nhiệm cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc; rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Năm 2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đặt kế hoạch giải ngân hơn 9.218 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh hơn 7.164 tỷ đồng, ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng gần 2.054 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để năm 2021 đạt hiệu quả cao hơn nữa, ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc sở Kế Hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cho rằng, tỉnh cần tăng cường điều chuyển vốn, kế hoạch vốn đầu tư công. Bởi lâu nay, việc điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư công thường để đến cuối năm, nhiều khi sẽ bị chậm, không điều chuyển được nữa. Vì trong quá trình thực hiện dự án, các nhà đầu tư đều cam kết nhưng không phải cuối năm các dự án đều giải ngân hết vốn.
“Tôi cũng đã đề nghị, nếu được thì trong tất cả các kỳ họp HĐND tỉnh, UBND tỉnh sẽ trình HĐND điều chỉnh kế hoạch vốn, những dự án chậm tiến độ sẽ chuyển sang cho dự án có tiến độ thực hiện nhanh. Ví dụ, cuối tháng 3 hoặc cuối tháng 6, dự án nào đã giải ngân 100 % thì điều vốn của dự án khác đang còn chậm sang. Nếu chúng ta làm được việc này, chính là đã tạo ra sự cạnh tranh trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nếu được là kỳ nào chúng ta cũng có thể điều chuyển vốn”, ông Nghĩa cho biết.
NGUỒN BÁO ĐẦU TƯ