CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Cần tới 10.600 tỷ đồng đầu tư BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng

Invest Global 14:58 12/05/2023

UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải về tình hình thực hiện dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT.

HƠN 10.600 TỶ ĐỒNG ĐỂ HOÀN THÀNH GIAI ĐOẠN PHÂN KỲ TRONG NĂM 2025

Được biết, tuyến cao tốc hướng tâm từ Hà Nội lên Lạng Sơn dài 110 km, bao gồm 2 dự án thành phần, là Hà Nội - Bắc Giang dài 45,8 km và Bắc Giang - Lạng Sơn, kết thúc tại huyện Chi Lăng dài 64 km đều với quy mô 4 làn xe, đã cơ bản hoàn thành. 

Tuy nhiên, điều đáng nói, để thông mạch tuyến cao tốc từ Hà Nội lên cửa khẩu Hữu Nghị, vẫn còn một “mạch hở” , hay "cao tốc cụt" khi đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vẫn chưa thể xác định thời điểm khởi công. Bởi việc kết thúc “chơi vơi” cách TP. Lạng Sơn 30 km và cửa khẩu Hữu Nghị 45 km, khiến cung đường còn lại lên hai đầu mối giao thông quan trọng cuối tuyến vẫn phải đi mượn tuyến Quốc lộ 1 hai làn xe được cải tạo từ cách đây 20 năm và đã mãn tải từ lâu.

Chính vì vậy, đoạn tuyến Hữu Nghị - Chi Lăng được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt 4 làn xe cao tốc tại Quyết định số 1833/QĐ-BGTVT ngày 14/06/2016. Dù vậy, do khó khăn trong công tác đàm phán khoản vay, để đẩy nhanh tiến độ triển khai, bảo đảm hoàn thành đồng bộ với đoạn cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (Chi Lăng) được đầu tư theo hình thức BOT, trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Lạng Sơn, vào tháng 2/2018, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề xuất bổ sung đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vào dự án BOT xây dựng đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Dù vậy, dự án vẫn chưa thoát khỏi thế "bế tắc" do gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn tín dụng và đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ năm 2020. Vì vậy, cuối tháng 10/2022, Thủ tướng đống ý tách riêng dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng ra khỏi dự án BOT xây dựng đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn thành dự án độc lập để triển khai thực hiện theo quy định hiện hành.

Cao tốc Bắc Giang – TP. Lạng Sơn có doanh thu thấp hơn nhiều so với dự báo khiến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng gặp khó trong việc hút nhà đầu tư.Cao tốc Bắc Giang – TP. Lạng Sơn có doanh thu thấp hơn nhiều so với dự báo khiến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng gặp khó trong việc hút nhà đầu tư.

Sau nhiều lần nhập rồi tách để tìm lối thoát cho dự án này, trong văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải đầu tháng 5/2023, UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Km1+800 - Km108+500, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 - Km106+500, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn theo hình thức hợp đồng BOT.

Trong đó, loại bỏ phạm vi dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng) ra khỏi dự án đầu tư tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, hình thành dự án độc lập là dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT và ngày 30/12/2022 Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Dự án được phân kỳ đầu tư quy mô theo 2 giai đoạn, trong đó, sơ bộ tổng vốn đầu tư giai đoạn phân kỳ là 10.620 tỷ đồng. Vốn do nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP khoảng 5.620 tỷ đồng, chiếm 52,92% tổng mức đầu tư. Còn vốn nhà nước khoảng 5.000 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách trung ương 2.500 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh 2.500 tỷ đồng.

Dự án được thực hiện trên địa bàn các huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn với tổng chiều dài khoảng 60 kmm bao gồm: (i) tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng dài khoảng 43km được thiết kế với quy mô 6 làn xe cơ giới với bề rộng nền đường khoảng 32m; (ii) tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam dài khoảng 17km với quy mô 4 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 22m.

Giai đoạn phân kỳ thực hiện từ năm 2022 - 2025; hoàn thành trong năm 2025 và đưa vào khai thác năm 2026. Giai đoạn hoàn chỉnh thực hiện đầu tư phù hợp với nhu cầu giao thông, dự kiến sau năm 2025. Trong điều kiện cho phép về thu xếp vốn sẽ đẩy nhanh việc thực hiện đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh để nâng cao chất lượng dịch vụ cho tuyến cao tốc.

Thời gian thu phí hoàn vốn dự án (giai đoạn phân kỳ) dự kiến khoảng 27 năm 4 tháng.

DỰ KIẾN PHÊ DUYỆT DỰ ÁN THÁNG 5/2023

Trên cơ sở đề xuất của Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, UBND tỉnh Lạng Sơn thực hiện xong các thủ tục giao nhà đầu tư đề xuất dự án lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Đồng thời, phân công trách nhiệm đơn vị chủ trì, các đơn vị phối hợp đối với các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và nhà đầu tư đề xuất dự án trong quá trình lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.

Vào giữa tháng 4/2023, nhà đầu tư đề xuất dự án hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT và đã trình thẩm định đến cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn.

“Hiện nay Hội đồng thẩm định cấp cơ sở đang tổ chức thực hiện các thủ tục thẩm định theo quy định, dự kiến sẽ phê duyệt dự án trong tháng 5/2023”, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn thông tin.

Ngoài ra, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đang khẩn trương thực hiện các thủ tục về đất đai, môi trường để đảm bảo tiến độ, phấn đấu hoàn thành dự án trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chia sẻ về khó khăn trong quá trình thực hiện, theo UBND tỉnh Lạng Sơn, dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 1833/QĐ-BGTVT ngày 14/6/2016 với quy mô đầu tư 4 làn xe; UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt điều chỉnh dự án tại các Quyết định số 1523/QĐ-UBND ngày 9/8/2018 và Quyết định số 2018/QĐUBND ngày 15/10/2018 giữ nguyên quy mô đầu tư 4 làn xe.

Tuy nhiên, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng có quy mô 6 làn xe thực hiện trong giai đoạn trước năm 2030.

"Do quy mô đầu tư tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng có sự thay đổi so với hồ sơ thiết kế kỹ thuật được triển khai trước đây nên cần phải điều chỉnh lại hồ sơ, do các yếu tố hình học của tuyến phải thay đổi cho phù hợp với quy mô giai đoạn hoàn thiện là 6 làn xe", UBND tỉnh Lạng Sơn nêu rõ.

Bên cạnh đó, do dự án được tách ra thành dự án độc lập, cần phải thực hiện đầy đủ các thủ tục để triển khai lại dự án như một dự án mới từ bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng... nên mất khá nhiều thời gian.

Các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa cũng cần nhiều thời gian để thực hiện.

Ngoài ra, "hiện doanh thu thực tế của dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang – TP. Lạng Sơn đoạn Km45+100-Km108+500, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 - Km106+500, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn theo hình thức hợp đồng BOT thấp hơn nhiều so với dự báo ban đầu trong phương án tài chính cũng gây khó khăn trong việc thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư tham gia vào dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng", UBND tỉnh Lạng Sơn quan ngại.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan