CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Nhàđầutư: Nhiều người ví von sản xuất nông nghiệp của Việt Nam nói chung, nông dân trồng lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng mỗi hộ đang đi trên một con tàu nhỏ bé, thô sơ để đi ra biển lớn và mỗi khi có trận cuồng phong kéo đến thì “mạnh ai nấy lo”.
Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thủ công khiến nông dân không thể giàu lên được. Ảnh: TL
Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún
Theo phân tích của TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện chính sách và chiến lượt phát triển nông nghiệp và nông thôn, bình quân đất sản xuất trên nông hộ hiện nay phổ biến chỉ từ 0,25 - 0,75ha nên rất khó để áp dụng các biện pháp cơ giới hóa.
Bên cạnh đó, trình độ tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại cũng còn rất hạn chế. Theo tính toán của TS Tuấn, với nông hộ có 0,75ha đất sản xuất thu nhập bình quân/người/tháng chỉ từ 643.000-1.457.000 đồng (chưa tới mức 100USD/ tháng).
“Với đất đai manh mún như hiện nay, thu nhập từ nông nghiệp chỉ chiếm 30% tổng thu nhập của hộ gia đình nông dân, phần lớn họ phải kiếm thêm thu nhập từ lĩnh vực khác. Đây cũng chính là lý do xảy ra tình trạng nông dân phải ly hương tìm việc ở các vùng công nghiệp phát triển mạnh như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… Để vượt qua ngưỡng đói nghèo thì mỗi hộ cần ít nhất từ 2ha đất sản xuất trở lên”, TS Tuấn nói.
Còn theo GS-TS. Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, sau nhiều năm được tiếp cận kỹ thuật sản xuất lúa tiến tiến trên thế giới, trình độ sản xuất của nông dân Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc. Tuy nhiên, cho tới nay bộ giống chưa phong phú, thu họach, bảo quản, tổn thất sau thu hoạch còn lớn. Do chưa xây dựng được chuỗi công nghiệp hóa sản xuất lúa gạo, chưa xây dựng thương hiệu gạo quốc tế nên xuất khẩu nhiều mà giá trị mang về chưa cao.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng đã nêu lên trăn trở "Tuy chúng ta đang là một trong số quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nhưng vẫn chưa thoát khỏi 'lời nguyền' sản xuất cá thể, manh mún, mạnh ai nấy làm, giá thành cao, chất lượng không đồng đều".
Không chỉ do dịch bệnh mà nông sản nói chung và lúa gạo nói riêng mới gặp khó về tiêu thụ như hiện nay, mà thực tế cho thấy, khó khăn trong tiêu thụ nông sản được lặp đi lặp lại như một chu kỳ. Khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 như hiện nay mặc dù tổ công tác 970 đã rất nỗ lực nhưng chỉ kết nối được hơn 1.200 đầu mối sản xuất để giúp bà con tiêu thụ nông sản.
"Bà con nông dân muốn được kết nối tiêu thụ phải gom nhiều hộ cùng loại sản phẩm về một đầu mối, như vậy các doanh nghiệp mới thu mua được, chứ sản xuất riêng lẻ, manh mún thì không có doanh nghiệp nào có thể kết nối thu mua với hàng trăm, hàng ngàn nông hộ được", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Đã có một thời sản xuất chạy theo số lượng
Theo Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Đình Bích, trong suốt chiều dài hơn 30 năm xuất khẩu gạo, Việt Nam rất “hiếm hoi” vượt qua Thái Lan về sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu gạo.
“Đơn cử năm 2019 Thái Lan xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo mang về kim ngạch 4,2 tỷ USD (bình quân đạt 560 USD/tấn). Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu 6,37 triệu tấn gạo, nhưng kim ngạch chỉ đạt 2,81 tỷ USD (bình quân 440 USD/ tấn). Bài toán nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản đã được cơ quan quản lý tính đến từ lâu nhưng xem ra xuất khẩu gạo nói riêng, nông sản của Việt Nam nói chung vẫn còn ở đẳng cấp thấp, giá trị chưa cao”, ông Bích phân tích.
Giám đốc Công ty nông nghiệp Công nghệ cao Trung An - Phạm Thái Bình cho rằng, từ khi có mô hình cánh đồng lớn người nông dân đã bắt đầu chuyển hướng sang “sản xuất cái thị trường cần”. Trên cánh đồng lớn nông dân sản xuất các loại giống mà doanh nghiệp yêu cầu cũng như áp dụng quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ, vì thế mà hạt gạo đã nâng cao chất lượng so với trước đây. Tuy nhiên, có một vấn đề tồn tại nhiều năm chưa khắc phục được đó là tình trạng doanh nghiệp bán phá giá lẫn nhau. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là một số doanh nghiệp năng lực tài chính yếu, vay vốn ngắn hạn nên buộc lòng giá nào cũng phải bán để quay dòng tiền trả nợ vay.
Theo GS-TS. Võ Tòng Xuân, tiêu dùng gạo ở nhiều quốc gia trên thế giới đã có sự thay đổi, ăn ít hơn nhưng phải ngon hơn và đặc biệt là phải an toàn và tốt cho sức khỏe, do đó việc sản xuất cũng phải “chạy” theo để đáp ứng yêu cầu đó.
Đối với khu vực ĐBSCL thì xâm nhập mặn ngày càng sâu vào nội địa, nguồn nước ngọt ngày càng quý giá nên việc chọn chuyển dịch một phần diện tích lúa để thay bằng cây trồng khác ít sử dụng nước ngọt hơn cũng cần được tính đến.
Tuy nhiên, GS Xuân cũng băn khoăn việc chuyển dịch đất trồng lúa sang cây trồng khác cũng cần phải kiên trì vận động vì suốt hơn 46 năm kể từ ngày thống nhất đất nước tới nay chính sách an ninh lương thực đã ăn sâu vào cội rễ của từng người nông dân. Hầu hết đầu tư tổ chức sản xuất nông nghiệp, hệ thống thủy lợi dẫn ngọt đến ngăn mặn đều hướng về cây lúa, do vậy việc chuyển đổi, thay đổi tư duy chuyển đổi cây trồng, chuyển từ sản xuất số lượng sang chất lượng cũng cần phải có thời gian.
GS-TSKH. Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội thủy lợi Việt Nam cho biết, nhằm sản xuất được 3 vụ lúa trong năm, trong những năm qua các địa phương trong vùng ĐBSCL đã vận động đào đắp trên 37.000 km đê bao chống lũ bảo vệ diện tích luá 2-3 vụ. Việc đắp đê ngăn lũ đã làm cho hàng trăm ngàn ha đất bị cách ly không tiếp xúc được nước lũ mang phù sa bồi đắp nên dinh dưỡng trong đất ngày càng cạn kiệt, đây là mặt trái của mô hình đê bao ngăn lũ trong sản xuất. Trong vài năm trở lại đây, lũ trên sông Mekong không về hạ nguồn nên các tuyến đê bao này càng trở nên vô nghĩa, đây là hệ quả của một thời sản xuất lúa chỉ chạy theo số lượng.
Kế hoạch sản xuất lúa toàn vùng Nam bộ năm 2021 gieo sạ hơn 4 triệu ha, năng suất bình quân đạt gần 7 tấn/ha và sản lượng hơn 25 triệu tấn lúa, tương đương 12,5 triệu tấn gạo. Trong đó: tổng diện tích gieo sạ cả năm của vùng ĐBSCL chiếm gần 4 triệu ha; năng suất bình quân đạt trên 6 tấn/ha; sản lượng ước đạt trên 24 triệu tấn. Riêng 2 vụ lúa chính là Đông xuân và Hè thu ước đạt gần 20 triệu tấn lúa, tương đương 10 triệu tấn gạo.
Nguồn: Báo cáo của Bộ NN&PTNT
(Còn nữa)
THEO NHÀ ĐẦU TƯ