CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Nhàđầutư: Với lợi thế khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, nhất là khu vực ĐBSCL có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp nhiệt đới, tuy nhiên hơn 30 năm góp gạo cho “nồi cơm” thế giới, nông dân trồng lúa thu nhập vẫn bấp bênh, có nhiều vụ phải trắng tay vì yếu tố thị trường, rủi ro do thiên tai.
Sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn có nhiều ưu thế nhưng doanh nghiệp không đủ nguồn lực để nhân rộng. Ảnh: TL
Cánh đồng lớn chưa lớn
Nhược điểm lớn nhất của ngành hàng lúa gạo Việt Nam chính là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, mỗi gia đình có vài công ruộng rồi mạnh ai nấy gieo trồng với giống lúa tùy thích. Khi thu hoạch, thương lái nào trả giá cao bán lúa tươi ngay tại ruộng. Do sản xuất nhỏ lẻ nên doanh nghiệp chế biến không thể đến từng hộ để thu mua mà phải thông qua lực lượng thương lái trung gian.
Thương lái mua lúa chủ yếu đi bằng phương tiện thủy để dễ luồn lách theo kênh rạch vào sâu nội đồng để thu gom. Do phải di chuyển nhiều nơi và mất nhiều ngày nên chủ ghe cho đổ xá lúa trên ghe tránh nảy mầm và nhiều giống lúa được trộn lẫn nhau. Khi về đến nhà máy, nguyên liệu lúa nhiều giống đó được đưa lên sấy, xay xát cho ra loại gạo trộn lẫn nhiều giống. Chính cách làm này mà nhiều doanh nghiệp không thể xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo từ nhà máy mình.
Đề khắc phục nhược điểm sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mô hình sản xuất liên kết “cánh đồng lớn” đã ra đời. Theo Báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), mỗi ha ruộng lúa tham gia vào cánh đồng lớn ở Đồng bằng sông Cửu Lonh (ĐBSCL) nông dân tiết giảm được chi phí sản xuất giảm từ 10-15% và giá trị sản xuất có thể tăng từ 20-25%. Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, mặc dù sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn được đánh giá có nhiều ưu thế nhưng nghịch lý là diện tích tham gia mô hình này lại đang teo tóp. Điển hình như vụ lúa Đông xuân 2020-2021, diện tích thực hiện mô hình cánh đồng lớn ở ĐBSCL chỉ khoảng 160.000 ha (chiếm khoảng 10% diện tích gieo sạ), giảm 10.000 ha so với vụ Đông xuân trước.
Theo ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, mô hình cánh đồng mẫu lớn đươc Bộ NN&PTNT phát động ngay từ năm 2010. Thực tế các năm qua đã chứng minh mô hình cánh đồng lớn liên kết chuỗi giá trị, là phương thức sản xuất tiến bộ, là giải pháp tối ưu nhất, hiệu quả nhất của ngành hàng lúa gạo Việt Nam hiện nay. Chính từ mô hình sản xuất này, đã tạo ra được những sản phẩm gạo có chất lượng và giá trị cao, truy xuất được nguồn gốc, cạnh tranh được với các nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là doanh nghiệp không đủ nhân lực, vật lực để nhân rộng mô hình. Để tháo gỡ khó khăn đó, ông Bình đề xuất Chính phủ cần có gói tín dụng dài hạn, lãi suất thấp cho doanh nghiệp đầu tư nhà máy sấy, silo chứa lúa và vốn tín dụng ngắn hạn cho đầu tư ứng trước vật tư đầu vào cho nông dân.
Theo ông Bình, với diện tích doanh nghiệp liên kết thực hiện cánh đồng lớn lên đến hàng trăm, hàng ngàn ha, khi thu hoạch đồng loạt yêu cầu doanh nghiệp liên kết phải đầu tư rất lớn cho lò sấy, nhà kho, nhà máy xay xát thì mới thu mua hết lúa cho nông dân, nhưng điều này rất khó thực hiện nếu không có sự trợ lực từ chính sách tín dụng ưu đãi. Chính vì những khó khăn đó mà sau hơn 10 năm triển khai cánh đồng lớn đã không lớn, trái lại còn bị thu nhỏ.
Liên kết sản xuất là lối đi chung cho ngành nông nghiệp hiện nay. Ảnh: An Hòa
Lối đi ngay dưới chân mình
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Đoàn Văn Tài, Giám đốc hợp tác xã (HTX) Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt, xã Trung Ngãi (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, trong khi các hộ ngoài HTX rất “chật vật” trong tiêu thụ lúa thì các hộ thành viên HXT vẫn tiêu thụ tốt, mỗi ngày HTX giao cho doanh nghiệp tiêu thụ từ 500 tấn với giá bán từ 8.000-10.000 đồng/kg đối với lúa hữu cơ và 12.000 đồng/kg đối với lúa thảo dược.
Giá bán và giao nhận hàng không có gì thay đổi so với cam kết ngay từ đầu vụ, các xe vào vận chuyển lúa đã được khai báo luồng xanh nên địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi, không gặp khó khăn gì; về thu hoạch lúa do HTX có sẵn máy gặt đập và nhân công tại chỗ nên rất thuận lợi. Theo ông Tài, với cách góp đất chung để thực hiện một quy trình canh tác và ăn chia theo tỷ lệ diện tích đất, mỗi năm thành viên HTX thu lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng/ha/3 vụ, cao gấp 2 lần so với các hộ sản xuất cá thể.
“Ngoài ra, HTX còn liên kết với các HTX khác nhân rộng mô hình trồng lúa hữu cơ lên 400-500 ha, tất cả sản lượng lúa làm ra HTX chỉ ký kết bán cho các doanh nghiệp 60%, phần còn lại HTX tự xay xát đóng gói kinh doanh với thương hiệu của HTX nhằm thu được lợi nhuận cao hơn và làm thương hiệu cho HTX”, ông Tài cho biết thêm.
Tương tự như vậy, từ vùng lúa Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Thích, Giám đốc HTX Tân Long Vị Thủy, cho biết, HTX vừa thu hoạch xong 570 ha lúa Hè thu với giá bán lúa OM18 được 6.200 đồng. Việc tiêu thụ lúa cho thành viên rất thuận lợi vì HTX có máy gặt đập, lò sấy, kho có sức chứa 3.000 tấn, có nhà máy xay xát nên rất chủ động.
“Cách làm của HTX là ngay từ đầu vụ đã ký kết với doanh nghiệp tiêu thụ và đầu tư ứng trước giống, vật tư đầu vào, đồng thời thông báo giá ký kết đầu ra cho thành viên HTX nắm, do có sự chủ động từ trước như vậy mà trong lúc khó khăn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, hoạt động sản xuất của HTX cũng không bị ảnh hưởng nhiều”, ông Thích cho biết.
Theo GS-TS. Võ Tòng Xuân, sản xuất tập thể kết nối với doanh nghiệp lo đầu ra theo mô hình liên kết sản xuất HTX là con đường duy nhất trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Để nâng cao giá trị, vị thế nông sản Việt trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới thì ngành nông nghiệp cần phải xây dựng căn cơ từ gốc.
Theo GS Xuân, trước tiên cần xác định cây gì, con gì và thị trường sản phẩm đó ở đâu? Bước tiếp theo là nhà nước phải quy hoạch tổng thể chiến lược. Doanh nghiệp với các thông tin thị trường đầu ra dự kiến của mình sẽ đăng ký qui mô sản xuất; xác định địa bàn nào cần khoanh vùng, diện tích bao nhiêu; chính quyền địa phương tổ chức HTX nông nghiệp trên địa bàn đã được khoanh vùng để nới rộng hạn điền đạt yêu cầu của doanh nghiệp đầu tư; thiết kế thủy lợi và các cơ sở hạ tầng thiết yếu khác.
“Nông sản Việt muốn xâm nhập thị trường thế giới với đẳng cấp cao hơn, giá trị tốt hơn thì không còn con đường nào khác là phải quy hoạch tích hợp, gắn kết các khâu từ nuôi, trồng đến chế biến, truy suất nguồn gốc rõ ràng của cả chuỗi giá trị ngành hàng”, GS Xuân đề xuất.
THEO NHÀ ĐẦU TƯ