CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Dự thảo Quy hoạch điện VIII sau khi được rà soát cập nhật lại vừa chính thức được Bộ Công thương gửi lấy ý kiến các bên liên quan để kịp trình Chính phủ trong tháng 9 này.
Trên cơ sở cập nhật số liệu đến thời điểm hiện tại, Bộ Công thương đã đưa ra Dự thảo Báo cáo giải trình Quy hoạch điện VIII với một số nội dung chính.
Theo đó, về cơ bản các thông số đầu vào phục vụ dự báo nhu cầu phụ tải không thay đổi, do đó kết quả dự báo nhu cầu phụ tải vẫn giữ nguyên so với Tờ trình số 1682/TTr-BCT (ngày 26/3/2021) về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Bộ cũng đã rà soát đánh giá những khó khăn, vướng mắc của tình hình thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, những nguyên nhân chính dẫn tới việc triển khai các phương án phát triển điện lực không đáp ứng được quy hoạch, dẫn tới nhiều khó khăn trong quá trình điều hành, đảm bảo an ninh cung cấp điện giai đoạn 2016-2020.
Với việc rà soát, tính toàn bổ sung các phương án phát triển nguồn điện, trong đó có tín tới phương án xác suất kỳ vọng mất tải (LOLE) của hệ thống điện vào năm 2030 là 24 giờ/năm so với phương án cũ là 12 giờ/năm đã dẫn tới giảm công suất một số nguồn điện xây dựng mới trong tổng công suất đặt hệ thống.
Phương án phát triển nguồn điện mới với LOLE là 24 giờ/năm được cho là giúp giảm đầu tư chung cho hệ thống và vẫn đảm bảo tiêu chí cung cấp điện ổn định, đáp ứng các ràng buộc đặt ra trong các Nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, phù hợp với các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế về mức ràng buộc giảm phát thảo khí thải CO2 (khoảng 9% vào năm 2030) đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua nội dung “Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)” cập nhật của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
Bộ Công thương cũng đã chuẩn xác kết quả tính toán, tính toán phương án phát triển nguồn điện với kịch bản phụ tải cao, ngoài ra dự phòng một số nguồn điện có thể đưa vào phát triển trong trường hợp xẩy ra các bất lợi xếp chồng gồm có phụ tải tăng trưởng cao và một số nhà máy điện sử dụng khí Cá Voi Xanh và một số nguồn điện than bị chậm sau năm 2030 để đáp bảo an ninh cung cấp điện, phục vụ phát triển kinh tế xã hội cho đất nước.
Theo các tính toán này, tổng công suất đặt của hệ thống năm 2030 là khoảng 130.370-143.839 MW. Trong số đó, thuỷ điện lớn, vừa, nhỏ và thuỷ điện tích năng là 17,7% - 19,5%; nhiệt điện than là khoảng 28,3% - 31,2%; nhiệt điện khí, dầu (tính cả LNG) đạt khoảng 21,1 - 22,3%; nguồn điện năng lượng tái tạo (gồm điện gió, mặt trời, sinh khối) đạt 24,3 %- 25,7% và nhập khẩu khoảng 3-4%.
Về điện năng sản xuất và nhập khẩu năm 2030 là khoảng 551,3-595,4 tỷ kWh. Trong đó, thuỷ điện các loại và tích năng là 15,4% - 16,8%; nhiệt điện than khoảng 44 - 45,5%; nhiệt điện khí và dầu (cả LNG) chiếm 23 - 23,8%; năng lượng tái tạo là 11,9% - 13,4% và nhập khẩu điện khoảng 2,9% - 3,6%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 128,51 tỷ kWh, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó
+ Thủy điện huy động đạt 30,46 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 23,7%.
+ Nhiệt điện than huy động đạt 66,67 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 51,9%.
+ Tua bin khí huy động đạt 15,66 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 12,2%.
+ Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) huy động đạt 14,69 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 11,4%.
+ Điện nhập khẩu đạt 624 triệu kWh, chiếm tỷ trọng 0,5%.
+ Nhiệt điện dầu huy động không đáng kể, đạt 02 triệu kWh.
Trước đó ngày 26/3/2021, Bộ Công thương đã có tờ trình số 1682/TTr-BCT về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch điện VIII, tuy nhiên nội dung này chưa được Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 xem xét, ra quyết định.
Khi bước vào nhiệm kỳ mới, Chính phủ mới đã rà soát lại Dự thảo Quy hoạch Điện VIII và nhận thấy Quy hoạch Điện VII và các điều chỉnh đã vượt tổng nguồn điện được đưa ra tại Dự thảo Quy hoạch Điện VIII, nên đã yêu cầu Bộ Công thương phải rà soát, "gác lại" một số nguồn điện đang được đề ra trong Quy hoạch Điện VIII.
Theo đánh giá của Phó thủ tướng Lê Văn Thành, Dự thảo Quy hoạch Điện VIII dự kiến phân bổ nguồn điện giữa các vùng miền chưa hợp lý, dẫn tới phải truyền tải điện từ các địa phương miền Nam ra miền Bắc, khiến chi phí đầu tư của hệ thống truyền tải điện rất lớn. Đồng thời yêu cầu “cần thận trọng khi xây dựng quy hoạch, không vì tiến độ mà phải vội vàng”.
Quy hoạch Điện VIII được xem là một trong những quy hoạch ngành quốc gia rất quan trọng, được Chính phủ đặc biệt quan tâm với mục tiêu “điện đi trước một bước, nhằm cung cấp đủ điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân với chi phí tối ưu nhất cho nền kinh tế”.
THEO BÁO ĐẦU TƯ