CEO Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ: Thị trường hậu giãn cách là cơ hội "tái khởi nghiệp" cho doanh nghiệp

KHÁNH HÀ | 22/06/2020, 02:16:46

 Doanh nhân

 ENTERNEWS.VN Dòng vốn đầu tư nước ngoài mở rộng, các hoạt động kinh doanh như vận tải, hàng không được mở cửa trở lại đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có cơ hội để khởi nghiệp lần thứ hai.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vietravel, lượng khách một năm hoạt động của doanh nghiệp lữ hành này là 1 triệu khách, ở 3 thị trường trọng điểm gồm nội địa, inbound và outbound đã hoàn toàn biến mất sau dịch COVID-19.

Ngay sau khi công bố giãn cách xã hội được huỷ bỏ, dòng khách thị trường nội địa mới bắt đầu quay trở lại. Tuy nhiên, để khôi phục lại hạ tầng cho ngành du lịch đòi hỏi rất nhiều thời gian, đặc biệt là khôi phục lại tâm lí cho khách hàng cần những đầu tư rất lớn và cẩn thận.

Vị này phân tích du lịch là ngành kinh tế thượng tầng, bản thân không thể tự vận hành. Do vậy, muốn ngành này trở lại bình thường thì cần phải có giải pháp đồng bộ vận chuyển, lưu trú, dịch vụ phục vụ…

Truyền thông đến tận giường khách hàng

Theo CEO Vietravel, điểm sáng duy nhất của COVID-19 với ngành du lịch là cơ hội để nhìn lại mình vì doanh nghiệp đã đầu tư quá nhiều vào thị trường inbound và outbound.

"Vietravel phải xây dựng chiến lược mới, khác hẳn so với trước đây mà chúng tôi gọi là khởi nghiệp trở lại, khởi nghiệp lần thứ hai", ông Kỳ cho biết.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài mở rộng, các hoạt động kinh doanh trong nước như vận tải, hàng không được mở cửa trở lại đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có cơ hội để khởi nghiệp lần thứ hai. Trong bối cảnh dịch COVID-19 đã làm ngưng trệ và phá huỷ gần như toàn bộ công việc làm ăn của các doanh nghiệp trong nước.

Qua đại dịch lần này, ngành di lịch mới nhìn thấy thị trường nội địa chững lại - thị trường lớn nhất với 100 triệu dân và ta thấy ta đầu tư chưa đủ, chưa đúng mức với sự phát triển, các sản phẩm "na ná" như nhau nhưng chất lượng chưa cao.

Duy có lần này, với COVID-19, tất cả các chương trình đang tạo ra giá tốt, chất lượng tốt cho thị trường nội địa từ thị trường quốc tế chuyển sang.

CEO Vietravel cho rằng, dù sau dịch có khách quốc tế hay không thì doanh nghiệp du lịch cũng cần đầu tư cẩn thận vào thị trường nội địa. Chúng ta có thể đẩy mạnh truyền thông xúc tiến du lịch đến tận nhà, tận giường khách.

Qua dịch này cho thấy việc quản lý lỏng lẻo càng được thể hiện rõ, khi có khủng hoảng, tính liên kết của các doanh nghiệp còn kém. Do đó, CEO Vietravel nói khuyên doanh nghiệp nên tái cấu trúc ngành du lịch, đồng thời đánh giá mức độ đóng góp của du lịch cho xã hội đã ổn hay chưa.

Ngoài ra, COVID-19 còn đem đến cơ hội số hoá kênh bán, quảng bá truyền thông, xúc tiến đến tận giường khách hàng của các doanh nghiệp lữ hành. Là cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi càng nhanh thì càng giảm chi phí, và tiếp cận được nhiều hơn với khách hàng.

Tuy nhiên, với lượng khách đến từ thị trường nội địa chiếm 30% doanh thu của ngành du lịch, theo ông Kỳ đều này chỉ đảm bảo cho các doanh nghiệp du lịch sống lay lắt, không đảm bảo cho họ có thể tồn tại đến sang năm chờ lượng khách mới vào.

Do đó, 70% doanh thu còn lại là yếu tố sống còn của các công ty du lịch phụ thuộc hoàn toàn vào lượng khách quốc tế.

Du lịch cần bỏ ra 1 đồng để thu về 10 đồng

Thừa nhận việc chống dịch thành công của Việt Nam có tác động tích cực đến ngành du lịch, tuy nhiên theo CEO Vietravel, tác động này không hiệu quả bởi mỗi nơi làm một kiểu, không có trọng tâm trọng điểm.

CEO Vietravel đề xuất chia cả nước làm 5 vùng du lịch trọng điểm, gồm Bắc Bộ (Quảng Ninh, Hà Nội, Ninh Bình), Bắc miền Trung (Thừa thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam), Nam miền Trung (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Đắc Lắc), Đông Nam bộ (TP HCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Phan Thiết) và cuối cùng là Tây Nam Bộ với các địa phương Cà Mau, Cần Thơ, Phú Quốc.

"Cần chọn một trong 5 vùng này để tập trung đầu tư, không nên đầu tư dàn trải cùng lúc", ông Kỳ nhấn mạnh.

CEO Vietravel đề xuất kì nghỉ hè là một kì nghỉ gia đình quan trọng trong ngành du lịch, do đó Bộ Giáo Dục cần dành từ 5-6 tuần để học sinh nghỉ hè, kích cầu du lịch.

Ngoài ra, ông Kỳ cũng đề xuất tặng mỗi người đi du lịch 1 triệu đồng, số tiền sẽ được doanh nghiệp hoạch toán vào cuối kì nghỉ.

"Với quy mô 10 triệu khách nội địa, nếu nhà nước chi 10.000 tỉ nhưng sẽ tạo ra doanh thu 30.000 tỉ trong ngành du lịch và 70.000 tỉ cho xã hội", ông Kỳ nói.

Nói về triển vọng phục hồi trong ngành, Tổng giám đốc Vietravel cho biết phải mất 2 năm nữa thị trường mới quay trở lại quy mô 18 triệu khách trước dịch.

"Nhanh hay chậm còn do chuẩn bị của chúng ta với thị trường. Cần phân chia những khu vưc sẽ mở trước, và khu vực mở sau. Mở sớm sẽ hồi phục sớm", ông Nguyễn Quốc Kỳ nhận định.

Các thị trường chủ lực của Việt Nam vẫn còn rất dè dặt vì bị ảnh hưởng nặng, tuy nhiên không có nghĩa là ta sẽ ngồi chờ. CEO Vietravel cho rằng cần nhanh chóng phân chia khu vực an toàn ở Trung Quốc, có khả năng mở cửa trước.

Hoặc tại Hàn Quốc, Nhật Bản… dự báo đến tháng 10,11 Nhật Bản ổn thì có thể tận dụng được kỳ du lịch mùa đông của họ. Đài Loan và Hong Kong cũng có thể tính toán mở cửa ngay. Thái Lan có xu hướng rất tốt, đến tháng 9 này độ an toàn có thể đủ để mở cửa du lịch.

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp.