CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

'Chỉ mới giúp doanh nghiệp cầm máu mà chưa chữa lành vết thương'

Invest Global 15:09 16/06/2020
Ông Vũ Tiến Lộc phát biểu trước Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Lo lắng về mục tiêu tăng trưởng

“Mặc dù đồng tình với phương án điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ còn khoảng 4,5% vì dịch Covid-19, nhưng tôi chưa thấy thật yên tâm. Vì các giải pháp của Chính phủ đưa ra dường như vẫn chưa đủ mạnh để có thể đạt được mục tiêu này. Ngoài chủ trương thúc đẩy đầu tư công thì các chính sách tài khóa khác nhìn chung vẫn có vẻ còn dè dặt khi chủ yếu mới chỉ dừng lại các biện pháp giãn, hoãn thời hạn nộp thuế, phí cho doanh nghiệp,” ông Vũ Tiến Lộc, cũng là Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thẳn thắn nói.

Người đứng đầu VCCI - tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam, cho rằng với mức nợ công hiện tại là 56% GDP, chính phủ còn dư địa để thực hiện các biện pháp giãn, hoãn, cắt giảm thuế với liều lượng mạnh hơn trong thời gian tới. Ví dụ, có thể kéo dài thời gian giãn, hoãn các khoản thuế, phí phải nộp tới 12 tháng thay chỉ vì 3 hay 6 tháng.

Vị đại biểu Quốc hội của tỉnh Thái Bình này còn cho rằng, thời gian qua, Chính phủ và Bộ Tài chính đã rất thành công trong việc giảm mức nợ công và bây giờ là thời điểm Việt Nam có thể sử dụng chính sách tài khóa ngược chu kỳ để đối phó với dịch bệnh. Tức là giảm nợ công trong giai đoạn kinh tế phát triển thuận lợi để tăng nợ công trong giai đoạn kinh tế gặp khó khăn.

“Nghệ thuật của việc điều hành chính sách tài khóa luôn là như vậy. Chính sách tiền tệ thì có vẻ mạnh mẽ hơn. Chúng tôi đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước đã tiên phong trong việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về trợ giúp doanh nghiệp. Đã kịp thời 2 lần liên tiếp hạ lãi suất điều hành trong những tháng đầu năm. Nhưng tác động của các chính sách này đến lãi suất thị trường đặc biệt là lãi suất trung và dài hạn vẫn chưa thực sự rõ nét”, ông Lộc nêu quan điểm.

Việc cơ cấu lại nợ về thời hạn và lãi suất cho doanh nghiệp, theo ông Lộc mới chỉ giúp cho các doanh nghiệp cầm máu mà chưa chữa lành vết thương và tạo ra động lực tăng trưởng mới cho các doanh nghiệp. Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính sớm nghiên cứu, ban hành một gói hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch trong các ngành như du lịch, hàng không. Tất nhiên là gói này phải có giới hạn phù hợp để ngăn ngừa nguy cơ lạm phát có thể nảy sinh trong tương lai.

Trong khi dự kiến mục tiêu tăng trưởng khoảng 4,5% là khá cao so với dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, nhưng Chính phủ lại dường như có phần nới lỏng mục tiêu kiềm chế lạm phát khi điều chỉnh mục tiêu lạm phát từ dưới 4% thành khoảng 4%. Mặc dù rất chia sẻ với quan điểm thận trọng của Chính phủ nhưng ông Lộc tha thiết đề nghị trong điều hành theo tinh thần và phong cách thường có của Thủ tướng thì Chính phủ sẽ phấn đấu để đạt được mức lạm phát dưới 4%. “Điều này rất quan trọng, vì đó là cam kết ổn định kinh tế vĩ mô, thể hiện uy tín và tầm nhìn của Chính phủ trong dài hạn, là điểm neo giữ niềm tin của người dân và các nhà đầu tư khi đầu tư sản xuất, kinh doanh. Chúng ta không nên để suy giảm niềm tin đó”, ông Lộc nói.

Dù đối mặt với rất nhiều thách thức, nhưng theo Chủ tịch VCCI, nền kinh tế vẫn còn nhiều cơ hội và công cụ để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Giá thịt heo dù vẫn còn neo ở mức cao nhưng theo bộ chủ quản lĩnh vực này (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - PV), nếu không có những diễn biến bất thường thì đến cuối năm, đàn lợn sẽ khôi phục lại mức sản lượng tiềm năng trước mùa đại dịch. Còn giá xăng dầu trong những tháng đầu năm đã giảm mạnh nhiều hơn so với dự báo. Trong thời gian tới, nếu liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương xả quỹ bình ổn giá xăng dầu thì tác động cộng hưởng của những yếu tố này chúng ta sẽ có thể đạt được mục tiêu lạm phát dưới 4%.

Cải cách thể chế đang bị chững lại

Ông Vũ Tiến Lộc còn cho rằng, bên cạnh những thách thức hậu Covid-19 cũng đang mở ra một số cơ hội mà chúng ta cần phải nắm bắt, nhất là những cơ hội từ việc dịch chuyển các làn sóng đầu tư. Chính phủ đã lập tổ công tác đặc biệt để thúc đẩy công tác này là cần thiết. Tuy nhiên, điểm then chốt nhất vẫn là phải đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước. Từ hơn 1 năm nay đà cải cách đang có phần chững lại, nhiều mục tiêu cải cách hướng tới mục tiêu nhóm 3, nhóm 4 trong ASEAN đang trở thành lỡ hẹn. Trong khi khoảng 2 năm rưỡi trước đó cải cách thể chế đã được triển khai khá mạnh mẽ với nhiều khí thế.

“Tái khởi động đà cải cách để tái khởi động nền kinh tế đang là một yêu cầu bức thiết đặt ra. Đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm đặc biệt đến nhiệm vụ hệ trọng này,” ông Lộc nhấn mạnh.

Còn đại biểu Quốc hội Đồng Tháp, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, cho biết khảo sát mới nhất của VCCI cho thấy là có 55% doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì quy mô kinh doanh như hiện nay trong quý ba tới và 22% có ý định mở rộng quy mô sản xuất.

“Tuy nhiên, trên thực tế thì vẫn còn tồn tại nhiều rào cản về cơ chế, về cách thức điều hành có thể gây khó cho doanh nghiệp. Đó là câu chuyện liên quan tới các loại virus, như virus tham nhũng, virus trì trệ hay là virus vô cảm... mà sức công phá của các loại virus này chắc chắn cũng không thua kém gì virus Corona,” bà Hoa ví von.
Với tinh thần và cách thức chống dịch như vừa qua, bà Hoa mong Thủ tướng cùng Chính phủ quyết liệt hơn nữa, quyết tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo cuộc chiến chống các loại virus nói trên. Đó là tư tưởng chống dịch như chống giặc, là việc xác định các nhóm nguy cơ cao trong nhiễm các loại virus và đặc biệt phải quyết tâm khoanh vùng, dập dịch, ngăn chặn từ xa và chữa bệnh triệt để. Từng bước tạo một môi trường minh bạch, trong lành để phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, bà Mai Hoa còn đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương tăng cường đối thoại với doanh nghiệp và lắng nghe doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn.

Bà Mai Hoa cũng dẫn một câu chuyện về hỗ trợ doanh nghiệp của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, thông qua chuỗi hoạt động thiết thực, giúp các doanh nghiệp địa phương bằng cách tăng cường quảng bá, kết nối thị trường cũng như giúp cho các doanh nghiệp có thể phục hồi sau đại dịch. Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp Đồng Tháp đã muốn mở rộng thị trường ra phía Bắc. Đây là một mong muốn đúng nhưng rõ ràng từng doanh nghiệp đơn lẻ thì chắc chắn không thể thực hiện được.

Đáp ứng mong muốn của doanh nghiệp, ngày 8-6 vừa qua, Đồng Tháp đã chính thức ra mắt Trung tâm đặc sản và du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội. Đây là một mô hình chứng minh cho sự đồng hành giữa lãnh đạo chính quyền Đồng Tháp, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh này với cộng đồng doanh nghiệp. Với quy mô trưng bày trên 200 sản phẩm từ 50 doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh thì trung tâm đã thực sự là cầu nối, chào bán các sản phẩm cũng như giới thiệu các chương trình du lịch của tỉnh.

Có thể cần thêm thời gian để khẳng định sự thành công, nhưng bà Mai Hoa nghĩ rằng, đây là một cách làm hay, là một mô hình có thể đem lại nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp. Thông tin thị trường sẽ được cung cấp nhiều hơn, chi phí vận chuyển, thuê mặt bằng kho bãi cũng sẽ giảm đáng kể. Bởi vì, đây là hợp lực của rất nhiều các doanh nghiệp và quan trọng hơn là các doanh nghiệp Đồng Tháp sẽ tự tin và không bị đơn độc trong hành trình chinh phục thị trường, bao tiêu sản phẩm trong bối cảnh hiện nay.

Vân Ly

Nguồn: Thesaigontimes

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan