CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Dù vậy, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Nghị quyết của Quốc hội đã nói đủ hết, Chính phủ cứ mạnh dạn mà làm.
Toàn cảnh phiên thảo luận của Thường vụ Quốc hội (Ảnh Quốc hội).
Chiều 10/12, Chính phủ đã báo cáo xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 cho các dự án đã thực hiện thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 3 của Nghị quyết số 129/2020/QH14 ngày 13/11/2020 của Quốc hội về phân bổ vốn ngân sách trung ương năm 2021 đã giao Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước theo thứ tự ưu tiên đã được quy định trong Luật Đầu tư công, nghị quyết của Quốc hội và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan. Theo đó, quy định bố trí vốn cho các dự án đã thực hiện thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, Nghị quyết số 129/2020/QH14 quy định không bố trí vốn cho các dự án chưa đủ điều kiện, thủ tục đầu tư theo quy định. Đối chiếu với quy định tại Điều 53 của Luật Đầu tư công thì dự án chỉ được bố trí vốn hằng năm khi đáp ứng 02 điều kiện: phải có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, trừ dự án đầu tư công khẩn cấp và đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Theo quy định tại Điều 60 Luật Đầu tư công: Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, bao gồm tổng số vốn và cơ cấu vốn ngân sách nhà nước cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương; danh mục, mức vốn của các chương trình, dự án đầu tư công, mức vốn cho nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và đối tượng đầu tư công khác nguồn vốn ngân sách trung ương.
Điều này dẫn tới cách hiểu khác nhau trong việc bố trí vốn kế hoạch năm 2021 cho các dự án có đủ điều kiện theo quy định.
Đó là, trường hợp hiểu điều kiện dự án có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn quy định tại Điều 53 Luật Đầu tư công là bao gồm cả danh mục và mức vốn thì các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ được phép bố trí vốn ngân sách nhà nước cho các dự án thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025, đã được bố trí vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch hằng năm nhưng chưa đủ mức vốn ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch trung hạn; đảm bảo mức vốn bố trí phù hợp mức vốn ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch trung hạn, trong đó ưu tiên dự án hoàn thành ngay trong năm 2021.
Với quy định này, nhiều dự án chuyển tiếp của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã được bố trí đủ vốn kế hoạch đầu tư trung hạn nhưng thiếu vốn so với tổng mức đầu tư sẽ không được giao kế hoạch năm 2021, tương tự đối với các dự án khởi công mới đã được giao kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 nhưng chưa được bố trí vốn hằng năm; số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để lại chưa phân bổ sẽ khá lớn, ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2021 của các dự án.
Tuy nhiên, nếu hiểu điều kiện dự án có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn quy định tại Điều 53 Luật Đầu tư công là chỉ cần dự án có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, cần thiết tiếp tục thực hiện chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025 thì các bộ, cơ quan trung ương và địa phương sẽ được phép bố trí vốn ngân sách nhà nước cho các dự án thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư tính theo cơ cấu từng loại nguồn vốn đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Do vậy, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội có hướng dẫn cụ thể đối với việc bố trí kế hoạch đầu tư vốn năm 2021 cho: Dự án đã có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, cần thiết tiếp tục thực hiện chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025 chưa được bố trí đủ vốn theo tổng mức đầu tư nhưng đã được giao hết mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 và Dự án đã được giao kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 nhưng chưa được bố trí kế hoạch vốn hằng năm để khởi công mới và có thủ tục đầu tư trước 31/12/ 2020.
Đa số ý kiến trong Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng đề nghị của Chính phủ là cần thiết. Một số ý kiến cho rằng, đối chiếu với quy định của Luật Đầu tư công, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 129/2020/QH14 đã đủ cơ sở pháp lý để Chính phủ thực hiện phân bổ dự toán vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021, nội dung đã rõ ràng, không có cách hiểu khác. Vì vậy, việc Chính phủ đề nghị Thường vụ Quốc hội cho ý kiến là không cần thiết.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tán thành với quan điểm của thiểu số thành viên cơ quan thẩm tra.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải giải thích, theo quy định tại Điều 53 Luật Đầu tư công, điều kiện để bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm là: Chương trình, dự án, nhiệm vụ, đối tượng đầu tư công khác phải có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, trừ dự án đầu tư công khẩn cấp; Chương trình, dự án, nhiệm vụ, đối tượng đầu tư công khác đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Với quy định tại Khoản 2, Điều 60, Quốc hội khóa mới sẽ xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn tại Kỳ họp thứ nhất (theo thông lệ, dự kiến tháng 7/2021), nên năm đầu tiên của giai đoạn trung hạn (năm 2021) chưa thể có kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Nếu hiểu theo cách các dự án phải có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trước khi được bố trí kế hoạch vốn năm 2021 thì sẽ dẫn đến ách tắc, đa số các bộ, ngành, địa phương sẽ phải dừng toàn bộ hoạt động đầu tư công đến sau thời điểm tháng 7/2021 (khi Quốc hội khóa XV quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025) là chưa đúng quy định của Luật Đầu tư công, sẽ dẫn đến sự đình trệ trong việc thực hiện đầu tư công và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Chính vì vậy, vấn đề này đã được lường trước tại Khoản 1, Điều 60 Luật Đầu tư công. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 129/2020/QH14 về phân bổ vốn ngân sách trung ương, đã giao Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ vốn theo quy định tại Khoản 2, Điều 3 của Nghị quyết này. Theo đó, các dự án được phân bổ vốn phải tuân thủ thứ tự ưu tiên và đáp ứng điều kiện Chương trình, dự án, nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền quyết định trước 31/12/2020.
Toàn bộ danh mục, mức vốn của các dự án được phân bổ năm 2021 sẽ được tổng hợp chung trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trình Quốc hội khóa XV quyết định.
Điều hành nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chốt lại: Nghị quyết 129 đã lường hết những vấn đề Chính phủ đặt ra, đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện hướng dẫn phân bổ theo đúng luật.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết thêm là đã hỏi 1 số địa phương thì được trả lời là không có vướng mắc gì, vốn đã phân bổ xong rồi. Nghị quyết 129 đã tính hết rồi. Chính phủ cứ mạnh dạn mà làm, ông Hải nói.
NGUỒN BÁO ĐẦU TƯ